U.23 VN và ĐTVN dưới triều đại Toshiya Miura đã, đang và có thể là sẽ tiếp tục bị “hành hạ” bởi vấn nạn chấn thương. Theo giải thích của nhiều tuyển thủ thì lý do nằm ở chỗ ai cũng muốn thể hiện mình trong mắt ông thầy ngoại, và ai cũng muốn có suất dự SEA Games. Nếu đúng là các tuyển thủ nói như họ nghĩ, chứ không phải nói để “làm màu”, thì đấy là một bước chuyển lớn trong lịch sử mối quan hệ giữa ĐTQG – cầu thủ – CLB…
Thời Alfred Riedl mới “chân ướt, chân ráo” sang Việt Nam cầm quân và lấy quân Thể Công làm bộ khung ĐTVN đã từng xảy ra một chuyện nghịch lý: Nhiều cầu thủ Thể Công khoác áo Tuyển thì đá rất hay nhưng trở về cấp độ CLB thì lại rất xìu. Lãnh đạo CLB cho rằng các cầu thủ cố tình giữ chân ở CLB để có thể “hết ga, hết số” mỗi khi lên Tuyển, thế nên mới có chuyện một lãnh đạo gặp riêng các cầu thủ để nắn gân: “Nếu các anh không thay đổi, tôi sẽ kiến nghị VFF không triệu tập các anh”.
Thế nhưng những ngày cuối cùng của bóng đá bao cấp cũng qua mau. Cái thời mà “màu mè” ở ĐTQG luôn vượt trội so với CLB cũng qua mau. Các ông bầu nhảy vào làng bóng, sẵn sàng vung tiền thưởng cả tỷ đồng cho một trận thắng, rồi sẵn sàng trả các cầu thủ một khoản “lót tay” lên tới cả chục tỷ đồng. Và ở một thời kỳ mà cầu thủ có thể “đổi đời” với một bản hợp đồng thì lại xảy ra chuyện nhiều người không thiết tha khoác áo ĐTQG. Những người ấy nếu không chủ động xin rút thì cũng tập và đá theo kiểu “được chăng hay chớ”. AFF Suzuki Cup 2012 trên đất Thái Lan, TTK VFF Ngô Lê Băng trong vai trò Trưởng đoàn đã tỏ ra bức xúc với một cầu thủ ở hàng tiền vệ, và trong nhiều cuộc tâm sự với người viết, ông Bằng hồi ấy không giấu nổi sự bực mình: “Tôi biết là nó sắp chuyển sang CLB mới và tôi đã nói thẳng với nó là nếu vì thế mà cháu “giữ chân” thì chẳng thà đừng lên Tuyển ngay từ đầu cho xong…”. Ở đây, phải mở một dấu ngoặc để thấy rằng các cầu thủ chỉ giữ chân khi đã yên bề ở cấp độ CLB, chứ nếu ở giai đoạn nhạy cảm, đang cần đánh bóng tên tuổi để nâng giá chuyển nhượng của mình thì khi lên Tuyển họ vẫn chơi bừng bừng khí thế.
Bây giờ, dưới thời HLV Miura thì nhiều cầu thủ bỗng lăn đùng ra chấn thương, và trong khi một bộ phận các chuyên gia bóng đá đặt dấu hỏi về phương pháp huấn luyện của Miura thì riêng các cầu thủ lại bảo: “Tình trạng chấn thương đến từ việc ai cũng muốn đá, muốn thể hiện hết mình”. Công tâm mà nói, trong tất cả các giải đấu mà HLV Miura lĩnh ấn từ ASIAD 17, AFF Cup năm 2014 đến VL U.23 châu Á 2016 thì ngoại trừ trận BK lượt về AFF Cup thua Malaysia 1-4 ở sân Mỹ Đình, quả đúng là các cầu thủ luôn đá đến cháy mình, luôn để lại một thiện cảm lớn trong mỗi lần ra sân. Nhìn nhận như vậy có thể thấy, cái mệnh đề: “Ai cũng muốn đá, muốn thể hiện hết mình” là tin được.
Câu hỏi đặt ra: Từ chỗ giữ chân ở CLB để cháy mình ở ĐTQG (thời bao cấp) đến chỗ giữ chân ở Tuyển để “kiếm cơm” ở CLB (thời đỉnh cao tiền bạc của một giải chuyên nghiệp trá hình), tại sao lúc này các cầu thủ có vẻ đang quay trở lại trạng thái “muốn đá, muốn thể hiện hết mình”?
Một, phải thấy rằng ở V.League, thời kỳ tiền bạc điên rồ đã qua đi. Ngoại trừ Bình Dương, lương, thưởng của tất cả các CLB còn lại, kể cả những đội bóng giàu có và ổn định như HN.T&T, HA.GL đều đã bị cắt giảm đáng kể so với trước.
Hai, sự xuất hiện của ông Miura với một phong cách huấn luyên mới mẻ đã tạo nên chất kích thích lớn cho cầu thủ. Hẳn nhiên, vẫn sẽ có những cầu thủ không đồng tình với Miura nhưng nhìn một cách bao quát và lấy số đông làm hệ quy chiếu thì những cầu thủ bị cuốn hút bởi phong cách Miura vẫn là không thể phủ nhận. Và nếu nhìn lại thời 2 ông thầy nội Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng rồi cả ông thầy ngoại gần đây nhất là Falko Goetz, hẳn sẽ thấy thời Miura là “lửa” hơn tất cả.
Ba, giải đấu đầu tiên Miura cầm quân – ASIAD 17 diễn ra trong bối cảnh cơn sốt U.19 đang lên cao điểm. Thế nên khi lên Tuyển, gần như mọi tuyển thủ đều muốn chứng tỏ với dư luận mình không kém cỏi gì so với lứa U.19. Và chính cái điểm sáng ở giải đấu đầu tiên ấy (cái gì đầu tiên cũng rất quan trọng) đã hình thành nên một nền nếp mới đầy tích cực dưới thời Miura.
Trở lại với chuyện các tuyển thủ vì quá “lửa”, từ tập luyện đến đá giao hữu mà ĐT mất quân, nhiều người sẽ chợt nhớ lại 2 kỳ SEA Games gần đây nhất. Khi đó, chúng ta có gần như đầy đủ binh hùng tướng mạnh nhưng không có “lửa” và hậu quả ra sao tất cả đều thấy… Tất nhiên, vừa “lửa”, vừa giữ được nội lực thì quá tốt nhưng trong khi không thể hy vọng tới trạng thái “quá tốt”, chúng ta buộc phải nghĩ đến và chấp nhận những giải pháp tối ưu.
Một đội bóng vừa yếu vừa thiếu nhưng ngùn ngụt lửa có lẽ tối ưu hơn nhiều so với một đội bóng cứ “dở ông, dở thằng”, cá nhân tôi nghĩ thế!
PHAN ĐĂNG