“Tôi muốn cầu thủ có sự chuyên nghiệp từ trong sân tới ngoài cuộc sống. Công việc của tôi là tạo nên ý thức về sự chuyên nghiệp thực sự. Hầu hết cầu thủ Việt Nam dường như không biết thế nào là chuyên nghiệp.” - HLV CLB TP.HCM, Chung Hae-seong nhấn mạnh.
Điều đáng nói, là người đồng nghiệp của HLV Park Hang-seo trong vai trò trợ lý của HLV Guus Hiddink đến Việt Nam và làm việc ở hai CLB được đánh giá khá cao về sự chuyên nghiệp trong mặt bằng chung của bóng đá nước nhà là HAGL và TP.HCM.
Lời bình của vị chuyên gia này khiến chúng ta không khỏi phải nghiền ngẫm và nhìn lại nhiều sự việc trong quá khứ. Năm 2012, ĐTVN có nguy cơ bị loại ngay từ vòng bảng AFF Cup, trước tình thế đó, trước trận “sống còn” với ĐT Thái Lan, một nhóm trụ cột đội tuyển vẫn vượt rào, vi phạm nội quy của đội. Hệ quả là tất cả họ đều chơi vật vờ khiến chúng ta bị “người Thái” đả bại 3-1 để sớm bật bãi khỏi giải đấu năm đó.
Sau trận đấu, thậm chí máy quay còn ghi nhận những hình ảnh trụ cột như Tấn Tài, rồi Quang Hải (Hải gà) có những phản ứng với BHL. Nhưng đó vẫn chưa là gì so với những lùm xùm ở Thanh Hóa vào mùa bóng trước. Một nhóm 5 cầu thủ từng “bị tố” đã chống đối ra mặt với HLV Marian Mihail. Họ có thái độ chểnh mảng trong tập luyện. Tự ý rời đội bóng, dùng thức ăn nhanh và uống nước ngọt mà không có sự cho phép của ông và các trợ lý.
Công Vinh luôn được xem là một hình mẫu cho sự chuyên nghiệp của các cầu thủ Việt Nam từ trước đến nay. Song sự chỉnh chu của cựu quyền chủ tịch CLB TP.HCM đôi khi trở nên là… lập dị, là chảnh trong mắt nhiều người, thậm chí là các đồng đội. Ấy vậy mà trong sự nghiệp quần đùi áo số lẫy lừng của mình, cầu thủ xứ Nghệ chỉ như một ngôi sao cô đơn, có chăng chỉ có Hồng Việt được xem là bạn thân.
Bởi sự nghiệp cầu thủ của Công Vinh gần như nói không với rượu bia, thuốc lá lẫn các buổi tiệc vui chơi tập thể. Có những lúc CV9 muốn hòa nhập bằng cách cùng các đồng đội đi Bar, góp mặt ở vài buổi nhậu,…Nhưng trong một lần nhậu bị chơi khăm bằng cách bỏ “kẹo” vào thức uống. Thì tiền đạo này tuyệt luôn những buổi vui chơi kiểu như vậy từ đó.
Hay cái cách Vinh từ chối đưa gói tiền mà BLĐ Becamex Bình Dương muốn cầu thủ này biếu cho HLV Lê Thụy Hải như một cách để lấy lòng. Phải nói rằng, những điều trên mà Vinh là không sai. Song trong một môi trường có nhiều những quy định “ngầm” mới có thể hòa nhập tốt được, thì làm đúng cũng có thể bị coi là…“chướng mắt”.
Giờ đây, với sự thay đổi của xã hội lẫn việc đầu tư trong bóng đá được chú trọng và nghiêm túc hơn tại Việt Nam. Tín hiệu đáng mừng là nhiều cầu thủ trẻ đã có ý thức hơn về sự chuyên nghiệp, song họ vẫn chưa nhận thức đầy đủ được đó, và sự xuất hiện của một người như ông Chung Hae-song là rất cần thiết cho họ.
Ông từng nói: “Các cầu thủ HAGL còn trẻ, rất khát khao thể hiện mình nhưng cũng vẫn còn tính muốn làm những gì mình thích. Tôi sẽ rèn cho các cầu thủ kỷ luật hơn, chuyên nghiệp hơn trong tập luyện lẫn sinh hoạt.”
Để xậy dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp thật thụ, các cầu thủ phải là những người đi tiên phong, ngay từ trong những điều nhỏ trong nếp sống sinh hoạt, tập luyện, thi đấu và có ý thức trưởng thành hơn trong suy nghĩ.
Năm 2017, tổng giám đốc HAGL, Võ Trường Sơn từng nói: “Lúc này bên cạnh sự thơ mộng phải trồng thêm “xương rồng” để các em va chạm và trưởng thành hơn. Có vậy, mới chuẩn bị tốt nhất cho giấc mơ xuất ngoại được”.