>>> "Tân binh" đặc biệt của U20 Việt Nam: Lên Tuyển chỉ sau 1 cú điện thoại
Trung vệ sinh năm 1997 vừa phải lên bàn mổ để tiểu phẫu sụn đầu gối trái. Đây là dạng chấn thương mà Đình Trọng gặp phải trước đó. Anh phải nghỉ thi đấu hết năm 2020. Là người từng sát cánh cùng Đình Trọng trong chiến dịch U20 World Cup 2017 ở U20 Việt Nam, bác sĩ Trương Công Dũng có cuộc trao đổi với Webthethao về vấn đề chấn thương của trung vệ thuộc biến chế Hà Nội FC.
Webthethao: Đình Trọng bị tái phát chấn thương và phải lên bàn mổ. Theo bác sĩ, điều gì đang xảy ra với Đình Trọng?
Bác sĩ Trương Công Dũng: Tôi cũng nắm thông tin này qua kênh báo chí. Thực ra, vấn đề tái phát chấn thương với cầu thủ là điều bình thường, đặc biệt là những cầu thủ mổ rồi thì nguy cơ bị chấn thương lại càng cao hơn.
Lúc này, có những cầu thủ phục hồi 100% sau mổ và cũng có những cầu thủ phục hồi ít hơn. Theo góc nhìn chuyên môn, tôi phải có cái nhìn ở trường hợp xấu nhất. Cụ thể với trường hợp Đình Trọng là có thể là không phục hồi. Nói như vậy không có nghĩa trường hợp xấu nhất luôn luôn xảy ra mà có những ca phục hồi rất tốt sau mổ, có người phục hồi thần kỳ. Hiện tại, chưa có điều gì là rõ ràng nên cần thời gian. Cứ một lần mổ xảy ra thì cần thêm thời gian để theo dõi, phục hồi như thế nào.
Đình Trọng trải qua nhiều lần mổ, vậy, vấn đề lớn nhất của cậu ấy là gì?
- Tôi không có cơ hội để trực tiếp chăm sóc cho Trọng sau mổ nhưng tôi theo dõi tiến trình chữa trị chấn thương của cậu ấy. Tức là từ lúc mổ ở Singapore đến quá trình phục hồi ở Việt Nam.
Trên thế giới, cách tốt nhất sau mổ là cầu thủ cần được phục hồi, tập luyện dưới sự hướng dẫn của chính bác sĩ mổ. Bởi vì bác sĩ mổ là người hiểu rõ nhất, trong đầu gối có gì và dây chằng sau khi mổ đạt đến mức độ nào. Việc mổ ở Singapore rất là tốt rồi nhưng thiếu sự theo dõi trực tiếp từ bác sĩ mổ; thậm chí là mỗi ngày, mỗi tuần.
Sau mổ không chỉ vấn đề tập phục hồi mà còn rất rất nhiều vấn đề khác cần theo dõi như đau, sưng, yếu, viêm, co rút,… Cho nên, tốt nhất vẫn là có sự theo dõi của bác sĩ phẫu thuật.
Trong trường hợp không có sự theo dõi trực tiếp của bác sĩ phẫu thuật thì có sự theo dõi của đội ngũ chuyên viên khác. Tuy nhiên, không thể hoàn hảo bằng chính sự theo dõi trực tiếp của bác sĩ mổ. Đó là điều khó khăn với những cầu thủ đi mổ ở nước ngoài. Dĩ nhiên, vẫn có những người trường mổ nước ngoài mà về trong nước phục hồi tốt.
Có nhiều ý kiến cho rằng, Đình Trọng trở lại sân cỏ quá sớm khi tình trạng chấn thương chưa phục hồi 100%. Bác sĩ Dũng nghĩ sao về vấn đề này?
- Trên truyền thông, tôi có nghe rằng, chính bác sĩ ở Singapore có ý kiến như trên, tức trở lại sớm hơn theo dự kiến. Đó là ý kiến của bác sĩ trực tiếp mổ còn trên thế giới, cầu thủ có thể trở lại sau 6 tháng mổ; thậm chí là sớm hơn. Chính vì vậy, nguyên nhân chính xác cho việc tái phát chấn thương, tôi không nắm rõ.
Tuy vậy, với góc độ cá nhân, tôi nghĩ Đình Trọng nên rút kinh nghiệm, chăm chút hơn. Chẳng hạn như Tuấn Anh, cậu ấy mổ ở Nhật, Singapore, Việt Nam,… và cũng quay trở lại khá vội vàng nên cứ tái phát chấn thương. Trong trường hợp của Trọng, tôi không thể kết luận do trở lại vội quá hay không nhưng bác sĩ ở Singapore có ý kiến như vậy thì nên nghe theo khuyến cáo. Bởi như tôi đề cập, bác sĩ phẫu thuật là người quyết định cầu thủ trở lại vào thời điểm nào là hợp lý.
Những bệnh nhân chính bản thân tôi mổ, trước khi quay trở lại chơi thể thao thì tôi khám lại kỹ càng, đạt đúng tiêu chuẩn thì mới chơi lại an toàn.
Đặt giả thiết, nếu cầu thủ trở lại sớm hơn so với khuyến cáo của bác sĩ trực tiếp phẫu thuật thì gây tác hại ra sao?
- Điều này cũng giống như em bé bị sinh non. Bởi dây chằng cấy vào thì cần thời gian để lành và cơ bắp phải phục hồi tốt. Một đứa bé sinh non gặp rất rất nhiều bất lợi.
Dưới góc độ chuyên môn, hướng giải quyết sắp tới của Đình Trọng như thế nào, thưa bác sĩ?
- Đó là yếu tố chăm sóc, dinh dưỡng thật là tốt; tập phục hồi đúng giai đoạn; kiểm tra mức độ phục hồi chức năng của đầu gối thật là kỹ trước khi quay trở lại tập luyện, thi đấu.
Cảm ơn bác sĩ Dũng về cuộc trao đổi này!