Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã có phần trả lời trước đông đảo báo chí, truyền thông. Hai giờ đồng hồ trôi qua để lắng nghe những phản hồi của nhân vật chính trong vụ lùm xùm "một người giữ nhiều ghế" vừa qua.
>>> Hội đồng quản trị VPF không cho bầu Tú rút khỏi vị trí Tổng giám đốc
>>> Bầu Tú thắc mắc: Tôi không hiểu vì sao mình bị "đánh"
1. Đặt vấn đề: Ông bầu Đoàn Nguyên Đức và sau này là ông bầu Võ Quốc Thắng đều chung quan điểm, một người nắm giữ nhiều chức vụ như ông Trần Anh Tú sẽ khó có thể hoàn thành tốt công việc.
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú trả lời về việc quyết định nhận chức vụ TGĐ VPF
Tổng số chức vụ của tôi thì nhiều nhưng về tính chất công việc vị trí TGĐ VPF ngốn của tôi toàn bộ thời gian. Những chức vụ khác như Chủ tịch CLB Thái Sơn Nam, CLB bóng rổ Hochiminh City Wings là đứng tên, mang tính biểu tượng thôi còn có người khác làm theo định hướng vạch ra.
Với chức Chủ tịch LĐBĐ TPHCM (HFF), không thể nào tự nhiên tôi tuyên bố từ chức khi trách nhiệm của mình rất lớn. Tuy nhiên, một tháng tôi chỉ ở HFF một lần nhưng mọi việc vẫn diễn ra trôi chảy.
Chức danh khiến tôi hao tổn công sức nhất là Tổng Giám đốc VPF. Không vì báo chí hay người khác gây sức ép mà tôi có ý định từ bỏ chức TGĐ. Kế hoạch của tôi là chỉ làm một thời gian. Thời điểm tôi nhận chức là vì tôi phải nhận nếu không không biết việc tài trợ hay công việc của VPF sẽ diễn ra thế nào.
Video: HĐQT không đồng ý cho ông Trần Anh Tú rút khỏi vị trí TGĐ VPF
Cách giải quyết
Trong tương lai, tôi sẽ bàn giao lại chức vụ ấy cho người khác, tập trung cho vị trí Chủ tịch HĐQT. Bản thân tôi sẽ phụ trách kêu gọi tài trợ, vị trí Chủ tịch HĐQT sẽ giúp tôi có thời gian đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển các giải đấu theo hướng lâu dài.
Thế nhưng, nói về ý định từ bỏ thì không. Đây là việc tôi được 8 thành viên trong HĐQT bầu chứ không phải thứ tôi muốn có là được. Điều đó chứng tỏ uy tín của tôi, trách nhiệm của tôi. Mọi người trong HĐQT cũng động viên tôi nhiều, nói tôi không được nản. Quyết tâm của tôi là đã nhận trách nhiệm thì sẽ làm cho tốt. 3 nhà tài trợ cho V.League, Hạng nhất và Cúp quốc gia vừa qua là nỗ lực rất lớn của chúng tôi.
Tôi đã xin rút vào sáng 10/4. Sau 1 giờ đồng hồ tranh cãi, tất cả đều thống nhất không cho tôi rút. Tôi đã đặt vấn đề rằng thời gian tới có ứng cử viên nào tốt sẽ xem xét chuyển giao. Nói gì thì nói, với chức Chủ tịch VPF, tôi sẽ làm tốt hơn cho VPF trong lâu dài.
Kết luận
Bầu Tú bảo lưu quan điểm sẽ rút khỏi vị trí TGĐ và Trưởng Ban điều hành các giải BĐCN quốc gia khi tìm được ứng viên phù hợp trong tương lai.
Ông Tú đã xác nhận điều này từ khi nhậm chức Chủ tịch VPF nhiệm kỳ III ngày 3/12/2017.
2. Đặt vấn đề: Bầu Tú ứng cử chức Phó chủ tịch VFF phụ trách tài trợ tiếp tục khiến một bộ phận dư luận bất bình vì nếu trúng cử ông sẽ ôm quá nhiều chức. Bên cạnh đó, trong danh sách ban đầu chỉ có một mình ông Trần Anh Tú ứng cử vào vị trí trên. Sau khi có danh sách bổ sung, vị trí này có thêm ứng cử viên Trần Văn Liêng (Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Vinacacao).
Câu trả lời của bầu Tú
Tôi ứng cử vào chức Phó Chủ tịch phụ trách tài trợ thì chính xác hơn là tài chính mà mọi người vẫn hình dung. Phụ trách tài chính ở VFF hiện nay là Chủ tịch, Tổng thư ký và Kế toán trưởng. Chức danh tôi tranh cử ở VFF không mất thời gian làm việc hành chính mà cần đầu tư chất xám.
Tôi ứng cử vì sao? Vì nếu thế tôi có thể làm hoạt động kêu gọi tài trợ cho cả VFF song hành với V.League và cả các đội tuyển. Tôi có kinh nghiệm về việc kêu gọi tài trợ nên muốn phát huy khả năng của mình vào hoạt động của tổ chức.
Anh Đức làm Phó Chủ tịch cũng có mất quá nhiều thời gian đâu. CEO (TGĐ) mới mất thời gian còn làm Chủ tịch hay Phó Chủ tịch thì làm 10 đơn vị cũng được.
Video: Bầu Tú rơi nước mắt khi nhắc đến người bố đã 96 tuổi
Mục tiêu ứng cử xuất phát từ đâu?
Tôi nghĩ lương ở VFF hoàn toàn không cao, lương của nhân viên ở đây thậm chí thấp. Tết năm trước (2017), VFF lỗ và không có tiền thưởng. Trước đó, đội tuyển futsal Việt Nam lọt vào vòng 16 đội World Cup 2016 và được FIFA thưởng 40.000 USD.
Tôi nói với anh Trần Quốc Tuấn là VFF lấy một phần số tiền đó làm tiền thưởng Tết, còn tôi tự thưởng cho đội tuyển futsal. Tôi nghĩ mình cứ đứng ngoài như vậy thì làm sao giúp được Liên đoàn.
Kết luận
Bầu Tú giữ nguyên quan điểm sẽ tranh cử chức Phó chủ tịch phụ trách tài trợ nhiệm kỳ VIII. Trước đó, bầu Tú là Ủy viên BCH VFF, Trưởng ban futsal quốc gia nhiệm kỳ VII.
3. Đặt vấn đề: Bầu Đức quả quyết trên báo chí: "Tôi chống đối đến cùng việc bầu anh Trần Anh Tú vào ghế Phó Chủ tịch tài chính VFF và thề danh dự, nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ bỏ làm bóng đá ngay lập tức".
Bầu Tú phản hồi ngắn gọn
"Việc người khác từ bỏ mà tôi tiếp tục thì hoàn toàn không phải lỗi của tôi".
Sau đó, ông Tú để cho Phó trưởng Ban điều hành các giải BĐCN Quốc gia Nguyễn Minh Ngọc trả lời vấn đề trên. Ông Ngọc cũng nói rất ngắn gọn: "Đã từng có trường hợp XM Vissai Ninh Bình bỏ giải năm 2014. Việc có một đội bóng nào bỏ giải sẽ chỉ mất thời gian sắp xếp lại lịch thi đấu".
Bầu Tú sau đó nói thêm về "văn hóa tranh luận": Mỗi người đều có quan điểm của cá nhân. Quan điểm ấy có thể trùng nhau hoặc khác nhau nhưng mục đích chung đều vì bóng đá.
Quan điểm của tôi là dù giống hay khác nhau, chúng ta cũng đừng cản trở nhau đóng góp cho bóng đá nước nhà. Tôi đến bóng đá bằng tình yêu của mình, xuất phát từ cuộc chơi phong trào rồi vào HFF và sau đó là VFF. Những điều đó đến tự nhiên, tôi không xin ai cả.
Tôi nghĩ thế này. Với những việc xảy ra trong thời gian qua, liệu còn ai như tôi dám tới với bóng đá như thế này nữa hay không? Đó là điều tôi đã suy nghĩ.
Kết luận
Bầu Tú kiên quyết không nhượng bộ bầu Đức. Ông chắc chắn vẫn sẽ tham gia tranh cử chức Phó chủ tịch VFF phụ trách trài trợ.
4. Đặt vấn đề: Ngày 26/3, báo Người lao động đăng tải bài viết "Giải mã logo V.League 2018 và chữ ký ông Tú". Trong đó, tác giả khẳng định sau khi xử lý kỹ thuật, chữ ký của Chủ tịch VPF Trần Anh Tú giống đến 75% logo V.League 2018.
Bầu Tú phản bác
Chúng tôi đã thuê hẳn một công ty có kinh nghiệm trong việc thiết kế bộ nhận diện thương hiệu. Logo giải chỉ là 1 trong 11 hạng mục của bộ nhận diện thương hiệu. Khi đó, chúng tôi chưa ký hợp đồng với Nutifood. Nhà tài trợ cho Hạng nhất Quốc gia 2018 là công ty An Cường đã chi 1 tỷ hỗ trợ việc làm bộ nhận diện.
Sau đó, 1 phóng viên gọi điện cho tôi hỏi có ý kiến logo V.League giống chữ ký của tôi. Tôi ngã ngửa. Không biết ai nghĩ ra hay quá, nếu biết tôi mời ông ấy làm thiết kế logo luôn cho VPF. Tôi cảm thấy chuyện đó xúc phạm VPF quá nhiều.
Video: Ý nghĩa logo V.League 1 khi được thiết kế
Mùng 8 Tết Nguyên đán (22/2), tôi có mời các trưởng, phó phòng, ban đến để xem logo vì tôi không có kinh nghiệm trong việc này. Phía công ty thiết kế cho chúng tôi 2 lựa chọn. Sau buổi đó, các trưởng, phó phòng đều quyết định chọn logo hiện nay.
Kết luận
Bầu Tú khẳng định logo V.League không liên quan một chút nào đến chữ ký của ông. Thậm chí, những ý kiến như vậy được ông cho là xúc phạm đến danh dự của VPF.
5. Đặt vấn đề: Ngày 2/4, trên trang Saostar có bài viết: "Bầu Thắng chỉ để lại "đống bàn ghế rách", sao bầu Tú sắm ô tô bạc tỷ cho VPF". Bài viết nhấn mạnh việc VPF sử dụng tiền mua ô tô riêng thứ 3 nhằm phục vụ cho cá nhân một lãnh đạo công ty.
Bầu Tú phản hồi
Việc mua ô tô là chuyện bình thường, nằm trong quy chế tài chính và tôi được quyền ký. Tôi quyết việc mua thêm một chiếc xe ô tô nữa. Tôi cần nói thế này.
Công ty trước khi có 2 xe ô tô riêng kể từ lúc thành lập của hãng Hyundai. Khi tôi nhậm chức, văn phòng 2 (trong TPHCM – PV) không có xe. Tôi nghĩ trong đó cần có một chiếc xe vì chẳng lẽ để Phó Tổng giám đốc đi lại các sân hay đi công việc xung quanh thành phố lại dùng xe đò sao? Các thành viên của VPF trong đó đều phải thuê xe để đi các sân khi chưa có xe ô tô riêng.
Suốt thời gian vừa qua, tôi dùng xe riêng của mình. Một xe được điều vào trong TPHCM. Một xe được sử dụng ngoài này. Tôi nghĩ nếu không làm như thế thì không phải nhà quản lý tốt.
Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, anh Trần Mạnh Hùng được HĐQT giao nhiệm vụ giúp VPF về quản lý tài chính và tổ chức để mọi thứ đi vào nền nếp. Anh Hùng sống ở trong TPHCM ra đây phải thuê nhà, phải có xe đi chứ. Mua xe không phải để phục vụ cá nhân anh Hùng mà là cho công việc. Kể cả việc thuê nhà cũng rẻ hơn nhiều việc thuê khách sạn.
Kết luận
Bầu Tú nhấn mạnh vào quy chế tài chính của VPF. Ông khẳng định không mua xe để phục vụ riêng cho cá nhân nào.