Café 24h: 30 tỷ hay 0 đồng?

thứ năm 29-10-2015 22:48:07 +07:00 0 bình luận
HĐQT Công ty VPF vừa thông qua kế hoạch của bộ phận điều hành cho mùa bóng 2016. Theo đó, doanh thu từ bản quyền truyền hình là 30 tỷ đồng và chi phí mua sóng quảng cáo trên truyền hình cho các nhà tài trợ cũng là 30 tỷ đồng.

Thật ra, các nhà đài không chi một xu tiền mặt để mua bản quyền phát sóng các trận đấu V.League, hạng Nhất QG và Cúp QG suốt từ khi Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời (năm 2012) đến nay. Và tất nhiên, mùa bóng 2016 tới cũng thế. Có nghĩa là con số 30 tỷ thu được từ bản quyền truyền hình nói là 30 tỷ đồng cũng đúng mà nói là… 0 đồng cũng không sai.

Thực tế chỉ là các nhà đài mang máy vào sân tường thuật trực tiếp các trận đấu của V.League, hạng Nhất QG, Cúp QG và phát quảng cáo coi như đó là việc trả tiền bản quyền truyền hình còn VPF thực tế thu được bao nhiêu tiền từ các nhãn hàng quảng cáo trên sóng truyền hình thì chưa thấy họ công khai. Tuy nhiên, chắc chắn là con số đó ít hơn 30 tỷ đồng vì rất nhiều spot quảng cáo đơn giản chỉ là “giữ chỗ”.

Mùa 2012 khi VPF mới ra đời, dưới “bàn tay to” của bầu Kiên, có tới 8 tập đoàn, ngân hàng lớn (cùng VTV và VTC) đứng ra bảo trợ nên quảng cáo khá xôm. Từ mùa 2013 đến 2015, quảng cáo trở nên èo uột và “đỉnh cao” chính là mùa 2015 vừa rồi khi trong suốt 15 phút thời lượng quảng cáo trên các kênh sóng của nhà đài trung ương và địa phương người xem chứng kiến việc cứ 1-2 phút là TVC quảng cáo họ vừa xem lại xuất hiện trở lại. Xét ở khía cạnh khán giả, việc làm đó gây phản cảm. Xét ở khía cạnh các nhãn hàng quảng cáo, các doanh nghiệp chủ sở hữu chắc hẳn không mặn mà gì nhưng thôi thì thông cảm với bóng đá VN đang trong thời điểm khó khăn (?!).

Ngay cả khi coi 30 tỷ đồng nói trên là con số thật đi chăng nữa, những nhà quản lý, tổ chức, điều hành V.League, hạng Nhất QG và Cúp QG cũng sẽ thấy tủi thân khi “ngó sang” Thái Lan, nơi mà riêng giải VĐQG Thai.League giai đoạn 2014-2016 đã đút túi 44 triệu euro, tương đương 1.065 tỷ đồng từ nhà đài True Vision. Và đó là tiền tươi thóc thật thay vì hàng đổi hàng như V.League. Chưa hết, số tiền bản quyền truyền hình Thai.League thu được giai đoạn 2017-2020 dự kiến sẽ là 102 triệu euro, tương đương 2.470 tỷ đồng.

Không tự coi mình là “giải VĐQG số 1 Đông Nam Á” như V.League có thời từng “vỗ ngực”, nhưng trên thực tế Thai.League hấp dẫn hơn, kiếm tiền tài trợ và tiền bản quyền truyền hình gấp hàng chục, hàng trăm lần V.League.

Không loại trừ khả năng các nhà đài Việt Nam sau khi phát sóng trực tiếp J.League, K.League rồi sẽ có một ngày “rước” Thai.League về chiếm sóng của V.League không chừng (!?).

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm