"23% nhưng chất" - bài học của tuyển nữ Nhật Bản cho bóng đá nữ Việt Nam

Q.T.
thứ tư 2-8-2023 14:00:43 +07:00 0 bình luận
Đội tuyển nữ Nhật Bản giành quyền vào vòng 1/8 World Cup nữ 2023 sau chiến thắng 4-0 trước Tây Ban Nha. Đại diện châu Á thậm chỉ chỉ có tỷ lệ cầm bóng 23% và chiến thắng này có lẽ sẽ là cảm hứng cho bóng đá nữ Việt Nam.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã khép lại hành trình World Cup nữ 2023 lịch sử. Sau 3 lượt trận bảng E, các cô gái của HLV Mai Đức Chung đều thua, thủng lưới 10 bàn và không ghi được bàn nào.

"Trình độ chúng ta không so sánh được, lực bất tòng tâm. Chúng ta đá tinh thần quyết tâm nhưng không khỏa lấp chuyên môn, còn thiếu rất nhiều và thua xứng đáng", HLV Mai Đức Chung chia sẻ thẳng thắn sau trận thua Hà Lan 0-7.

Việc FIFA nâng số đội tham dự lên 32 đội đã giúp chúng ta được đứng trong hàng ngũ tinh hoa của bóng đá nữ thế giới. Nhưng một sự thật mà tất cả đều xác định từ trước khi thầy trò HLV Mai Đức Chung sang New Zealand, World Cup vẫn là sân chơi quá tầm, mục tiêu thiết thực nhất có thể được đặt ra: Cố gắng có bàn thắng, và thua ít nhất có thể!

Biết người biết ta, việc lá thăm đưa ĐTVN vào bảng đấu "tử thần" với nhà Đương kim vô địch và Á quân thay vì mơ mộng về điều kỳ diệu, tất cả đều xác định kỳ World Cup tại New Zealand/Úc chính là cơ hội quảng bá hình ảnh, bóng đá nữ Việt Nam "miễn phí và hiệu quả" nhất. Sân Eden Park với sức chứa hơn 4 vạn CĐV ngày Việt Nam đấu với ĐT Mỹ đã chật kín, lập kỷ lục số người xem trực tiếp trên sân tại New Zealand. Lượng người xem trên truyền hình trận đấu Mỹ với Việt Nam tại Mỹ cũng thiết lập kỷ lục. Theo Fox Sports, trung bình có khoảng 155.821 người xem trực tuyến cùng lúc trong trận đấu, và vọt lên hơn 6,5 triệu người trong 15 phút cuối.

Những câu hỏi vẫn xuất hiện trên google như "Việt Nam có đội tuyển bóng đá nữ không?", hay "Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam xếp hạng bao nhiêu?" giờ đã có câu trả lời. 

ĐT nữ Việt Nam bị đánh giá thấp so với các đối thủ cùng bảng E

Cuộc vui sẽ khép lại sau 90 phút trước Hà Lan, chúng ta phải đối diện sự thật: Hiệu ứng tại World Cup 2023 đủ làm sức bật cho bóng đá nữ Việt Nam không?      

Bóng đá nữ Việt Nam đã góp mặt ở sân chơi đẳng cấp nhất thế giới, song tất cả đều hiểu đội tuyển Việt Nam dù đang là "chị cả" ở Đông Nam Á nhưng vẫn chỉ là "em út" khi bước ra ngoài châu lục. Như HLV Mai Đức Chung nói: Tinh thần là chưa đủ. Bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn thiếu quá nhiều.

Thành công, và cả những khó khăn nội tại của bóng đá nữ Nhật Bản với sự gần gũi về địa lý, tương đồng trong thể chất có thể lấy làm bài học cho bóng đá nữ Việt Nam.  

Trong lượt trận cuối của bảng C World Cup nữ 2023, đội tuyển nữ Nhật Bản đã đánh bại Tây Ban Nha 4-0 để giành quyền vào vòng 1/8 với tư cách đội đầu bảng kèm thành tích ấn tượng: thắng cả 3 trận, ghi 11 bàn và không một lần bị chọc thủng lưới. Ở màn vùi dập Tây Ban Nha, các cô gái Samurai lép vế hoàn toàn ở mọi thống kê. Họ cầm bóng ít hơn (23%:77%), sút ít hơn (7:10), chuyền ít hơn (267:898)... Nhưng điều quan trọng nhất, họ vượt trội trên bảng điện tử. 

Vẫn còn hành trình dài cho Nhật Bản cho tham vọng đứng trên đỉnh thế giới lần thứ 2, sau năm 2011. Tuy nhiên, để có được chức vô địch thế giới đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ và đang có chỗ đứng trên bản đồ bóng đá nữ thế giới, bóng đá nữ Nhật cũng từng trải qua thời kỳ bị đối xử như "con ghẻ".

Cuối tháng 6/2011, đội tuyển nữ Nhật Bản lên đường dự World Cup 2011 trong lặng lẽ. Chỉ có khoảng 10 phóng viên đến sân bay đưa tin, tuyệt nhiên không một bóng CĐV đến tiễn họ. Vài tuần sau, khi họ trở về trong tư cách nhà tân vô địch thế giới, có hàng trăm CĐV và hơn 260 phóng viên hân hoan chào đón họ ở sân bay. Sự tương phản thể hiện rõ niềm tin, tình yêu của NHM Nhật Bản đối với bóng đá nữ trước khi họ tạo ra cú sốc ra sao. 

Các tuyển thủ Nhật choáng ngợp với cảnh tượng khác hoàn toàn trước khi họ lên đường dự World Cup 2011

Để nhận được sự thay đổi 180 độ về tình yêu chỉ trong hơn một tháng, bóng đá nữ Nhật Bản đã phải đi một chặng đường dài gần nửa thế kỷ.

Một nhóm các nhà khoa học từng tìm thấy bức ảnh có niên đại cổ nhất thể hiện phụ nữ tại Nhật chơi bóng vào năm 1916. Tuy nhiên, phụ nữ Nhật đá bóng là điều hiếm thấy ở quốc gia này trước những năm 1960. Chỉ số ít chọn môn thể thao này như là môn học thể chất ở trường học. Chỉ đến khi Tokyo tổ chức Olympic 1964, sự quan tâm của các nữ sinh Nhật Bản đến bóng đá mới tăng dù phải đến Olympic 1996 mới có nội dung bóng đá nữ. Năm 1966, lịch sử bóng đá nữ Nhật Bản ghi nhận đội bóng đầu tiên tại một trường tiểu học ở Kobe. Những năm tiếp đó, các CLB và các đội của các công ty dần xuất hiện. Năm 1979, giải vô địch bóng đá nữ toàn quốc đầu tiên được tổ chức. Mỗi đội chỉ được đưa ra sân 8 cầu thủ, mỗi hiệp 25 phút và đá trên sân có kích thước chỉ bằng 1/3 sân thông thường cho nam.

Vào thập niên 1980, luật cho bóng đá nữ đã được quy định như bóng đá nam, và Cúp liên đoàn bóng đá nữ Nhật Bản được thành lập. Đội tuyển nữ Nhật Bản sau đó đã góp mặt tại các sự kiện thể thao lớn như Olympic 1996, World Cup nữ 1995 (lọt vào tới tứ kết). Tuy nhiên, kết cục bị loại khỏi vòng bảng World Cup 1999 và bỏ lỡ Olympic Sydney 2000 khiến đội tuyển bóng đá Nhật Bản bị chỉ trích nặng nề. Lượng CĐV theo dõi giải bóng đá nữ giảm đáng kể trong thời gian này, bên cạnh việc nền kinh tế Nhật Bản gặp khó khăn khiến các nhà tài trợ phải rời bỏ CLB. Tình yêu, niềm đam mê bóng đá nữ tại Nhật Bản bắt đầu nguội lạnh. 

Phải đến năm 2010, khi đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản lần đầu tiên vô địch tại Đại hội thể thao châu Á, những người làm bóng đá nữ quốc gia Mặt trời mọc mới đặt ra kế hoạch với tầm nhìn cao hơn. Ngay trong năm đó, Hiệp hội bóng đá Nhật Bản giới thiệu hệ thống mới đầy tham vọng. Một số cầu thủ nữ được tuyển chọn sẽ ra nước ngoài thi đấu nhằm thu hẹp khoảng cách về kỹ năng với những cường quốc bóng đá nữ như Mỹ và Đức. Ý tưởng này ban đầu bị một số người phản đối vì cho rằng sẽ khiến giải đấu trong nước bị lấy đi những cầu thủ giỏi nhất và khiến sự quan tâm của bóng đá nữ tại Nhật Bản bị giảm sút. 

"Ngay cả một năm cũng đủ học những kỹ năng quý giá. Dù giải quốc nội có ảnh hưởng nhưng kinh nghiệm thi đấu ở nước ngoài sẽ giúp các nữ cầu thủ của chúng ta không cảm thấy e ngại trước đối thủ có thể chất tốt hơn", Beleza Noda Akemi, Giám đốc JFA thời điểm đó và là người bảo vệ kế hoạch chia sẻ.

Một năm sau, Nhật Bản với bộ khung 4 tuyển thủ được cử đi "du học" đã tạo ra cú sốc khi vô địch World Cup 2011. Trong đó, chiến thắng ở tứ kết trước ĐT Đức - quốc gia họ gửi cầu thủ sang đã cho thấy hiệu quả của kế hoạch. Dù phải chơi phòng ngự cả trận (Đức tung ra 23 cú sút, trong khi Nhật chỉ có 9), nhưng Nhật Bản vẫn vượt qua thế trận khó khăn nhờ vào sự cải thiện về kỹ năng và thể lực của những tuyển thủ được thường xuyên thi đấu với những cầu thủ nước ngoài.

Đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản sau đó đã giành HCB Olympic 2012, Á quân World Cup 2015. Ở cấp độ trẻ, Nhật Bản vô địch World Cup nữ U17 2014, World Cup nữ U20 2018. Các cầu thủ bóng đá nữ Nhật Bản chơi bóng tại nước ngoài nhiều hơn. Trong đội hình đội tuyển nữ Nhật Bản đang chơi tại World Cup 2023, có 9 tuyển thủ đang chơi tại châu Âu và Mỹ, so với 4 trong đội hình năm 2011.

Đội hình đội tuyển nữ Nhật Bản dự World Cup 2023 có 9 tuyển thủ đang chơi bóng tại nước ngoài.

"Sau khi chúng tôi vô địch World Cup, nhiều cô gái bắt đầu chơi bóng đá", Saki Kumagai - một trong những thành viên của ĐT Nhật Bản làm nên điều kỳ diệu năm 2011 nhớ lại. "Rất nhiều CLB nữ được chơi với các điều kiện tốt hơn, và cũng nhiều CĐV đến xem các trận đấu tại giải vô địch bóng đá nữ Nhật hơn". Quan trọng không kém, chức vô địch thế giới giúp giải vô địch bóng đá nữ Nhật nhận được nhiều tài trợ hơn.

Vẫn có những khó khăn đối với bóng đá nữ Nhật Bản sau cú hích World Cup 2011. Vẫn có sự chênh lệch lớn giữa lương cầu thủ nam và nữ. Bóng đá nữ Nhật hiện có 2 hệ thống thi đấu, tuy nhiên nhiều nữ cầu thủ vẫn phải có nghề tay trái, nhiều người đã không thể kiên nhẫn chọn trái bóng tròn để theo đuổi cả đời. LĐBĐ Nhật Bản vẫn bị cho là thiếu kế hoạch dài hơi để phát huy tiềm năng của bóng đá nữ.

Lịch sử bóng đá nữ Việt Nam được ghi nhận bắt đầu từ những năm đầu 1990 với sự xuất hiện của các đội bóng đá nữ đầu tiên như đội bóng đá nữ Quận 1, TPHCM hay đội bóng Hoa Học Trò ở Hà Nội. Gọi là đội bóng, nhưng thời điểm đó thực tế chỉ là một tập thể các các cô gái chưa quen với việc mặc quần đùi, áo phông ngắn tay chạy tung tẩy theo trái bóng trên sân, đá theo bản năng tự nhiên. Bóng đá nữ thời điểm sơ khai thiếu thốn đủ đường. Thiếu từ trang phục, sân bãi, đến thiếu những cái nhìn thiện cảm của các bậc phụ huynh không muốn cho con theo nghiệp được họ mặc định chỉ dành cho nam. 

Ngay đến ĐTQG nữ, trong trận đầu tiên năm 1997, các tuyển thủ nữ phải dùng trang phục rộng thùng thình của đội nam.

Hơn 30 năm sau, trải qua nhiều khó khăn thăng trầm, bóng đá nữ đã gặt hái những thành công. Các cô gái kim cương đã giành 4 tấm HCV SEA Games liên tiếp; họ đã đưa Việt Nam lên bản đồ bóng đá nữ thế giới; họ mang đến những khoảnh khắc xúc động và tự hào mỗi khi quốc ca vang lên.

Bóng đá nữ Việt Nam đã ddi quãng đường hơn 3 thập kỷ để đến World Cup. Chúng ta phải mất thời gian ngắn hơn hay lâu hơn để trở lại, đá với tâm thế sòng phẳng hơn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Kế hoạch của những nhà làm bóng đá, sự chung tay của địa phương, sự quan tâm nhiều hơn của xã hội... Quan trọng là phải hành động!

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm