Các bạn sinh viên (và sinh viên tương lai) thân mến, tại Việt Nam nếu thi đại học được tầm 19 điểm trở lên, liệu có ai sẽ chọn NV1 là một ngành học về thể thao chứ không phải là các ngành như kinh doanh, kế toán, kỹ thuật...?
Chắc cũng có thôi, nhưng rất hiếm. Về phần mình, các bậc phụ huynh nếu có con em đam mê thể thao và muốn đi theo nghiệp VĐV chuyên nghiệp, hẳn sẽ phản đối nhiều hơn là ủng hộ. Thể thao ở Việt Nam hiện tại bị dán nhãn nghèo nàn, rủi ro. Tổ chức thể thao nghèo. Người làm thể thao nghèo. VĐV nghèo. HLV nghèo. Sinh viên thể thao ra trường lại còn nghèo hơn...
Liệu đã có nhiều người tin vào một tương lai "không nghèo" với thể thao Việt Nam?
Nhưng, có bao giờ ta tự hỏi tại sao mình vẫn cứ nghèo, trong khi "hàng xóm Thái Lan" đang coi thể thao là một trong những cánh đồng màu mỡ nhất để phát triển kinh tế và nâng cao GDP? Tôi xin khẳng định lại là người dân Thái Lan không cuồng thể thao bằng dân Việt mình. Chắc chắn và chắc chắn!
Hơn chục năm trước Thái Lan làm gì kiếm được tiền bằng thể thao. Giải pháp của họ quyết tâm học hỏi từ những nền thể thao phát triển như Hàn, Nhật, châu Âu, châu Mỹ. Họ tiếp thu cách xây dựng khoa học và làm việc có tính toán, bài bản.
Thái Lan hiện có cỡ hơn chục trường tổ chức giảng dạy và nghiên cứu về chuyên ngành Khoa học thể thao. Ở đây thể thao không chỉ là dạy đấm, dạy đá đơn thuần mà còn có cả việc truyền đạt và phát triển ý tưởng về kiếm tiền từ thể thao, xây dựng nền công nghiệp thể thao.
Từ hơn 10 năm trước, Thái Lan đã gửi người đi các nước phát triển để học Tâm lý thể thao, Y học thể thao, Kinh doanh thể thao, Sự kiện thể thao, Tổ chức du lịch thể thao, Quản lý công trình thể thao...
Người Thái rất chú trọng đến việc học tập kiến thức từ chuyên gia nước ngoài
Rồi người Thái tìm cách hợp tác với các trường mạnh về lĩnh vực này, mua bản quyền giáo trình đào tạo, thuê giáo sư nước ngoài chất lượng về giảng dạy ngay tại Thái. Sinh viên thể thao Thái khi ra trường có lượng kiến thức chuyên sâu về kinh doanh, về tâm lý, về các mảng liên quan khác, dễ dàng tìm cho mình một công việc với mức thu nhập cao, thậm chí tốt hơn so với các ngành kinh tế và kĩ thuật vốn đang vị bão hòa.
Nếu đem ra so sánh với mười mấy trường đại học tại Thái Lan, Việt Nam hiện chỉ có duy nhất một trường đại học đang chập chững xây dựng về lĩnh vực khoa học thể thao là Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM). Chênh lệch quá, phải không?
Tại Việt Nam, khái niệm "Khoa học thể thao" còn quá lạ lẫm. Vì đa số thường nghĩ thể thao thì có liên quan gì tới khoa học đâu. Sai rồi! Khoa học là nền móng của mọi lĩnh vực, không ngoại trừ thể thao. Muốn phát triển, muốn kiếm tiền thì chắc chắn phải dựa vào khoa học.
Khoa học là bạn đồng hành không thể thiếu đối với thể thao. Ảnh: Lê Anh Vinh
Hơn mười năm trước người Thái đầu tư, giờ bắt đầu hái quả ngọt. Kẻ đi đầu thì có thể gặp muôn vàn khó khăn đấy, nhưng tôi vẫn có cảm giác và niềm tin mạnh mẽ về một tương lai tươi sáng dành cho những người đi tiên phong.
Rủi ro càng lớn, cơ hội càng nhiều.
Lời tâm sự:
Tôi đã từng dành cả thiếu thời của mình để lăn lộn cùng thể thao, cùng quả bóng tròn. Mồ hôi nước mắt và cả máu trong những năm tháng, tôi thấu hiểu cảm giác của người thể thao xứ mình.
Ba năm trước, tôi từng tâm sự với người thầy của mình, hiện giờ là HLV trưởng một CLB tại V-League. Tôi muốn quay lại với bóng đá, vì nó quan trọng như cuộc sống của mình. Lời khuyên của thầy: "Thể thao ở Việt Nam giờ kiếm ăn không nổi đâu, con kiếm nghề khác học đi". Tôi ngậm ngùi!!!
Rồi duyên số đưa đẩy thế nào, giờ tôi lại học tập và làm công việc liên quan đến thể thao. Bởi tôi, và nhiều người khác nữa, tin tưởng rằng thể thao Việt Nam sẽ có ngày vươn mình, vượt qua Thái Lan, vượt qua các, rào cản, cột mốc.
Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi...