Nói về "ngành công nghiệp thể thao" tại Buriram, họ đưa ra định hướng dùng thể thao để xây dựng thương hiệu và thay đổi bộ mặt của một tỉnh nghèo. Dưới đây là một vài thông số mà anh quản lý của Buriram United đã chia sẻ.
- Tỉnh nông nghiệp Buriram năm 2010 chỉ có tổng cộng khoảng 800 khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ. Đến nay có hơn 4.000 khách sạn, trong đó có nhiều khách sạn đạt chuẩn 4-5 sao.
- Trước đây từ thủ đô Bangkok đến Buriram mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay. Nay được tăng cường lên thành 5 chuyến/ngày.
- CLB Buriram United hiện được tài trợ bởi 24 thương hiệu lớn, với tổng số tiền khoảng 500.000.000 Baht mỗi năm (khoảng 360.000.000.000 đồng hoặc nếu viết bằng chữ là "ba trăm sáu chục tỉ" đồng). Con số này mới chiếm 40% doanh thu của CLB.
Danh sách dài dằng dặc các nhà tài trợ được hiển thị trong phòng họp báo của Buriram United
- Doanh thu từ bán áo ngang bằng doanh thu từ tài trợ, chiếm 40% tổng doanh thu của đội bóng, đủ trả lương cho cả đội ngũ nhân viên và cầu thủ. Cái này tôi có hỏi đi hỏi lại vì hồ nghi, bán áo đâu mà nhiều dữ vậy. Anh quản lý cười đầy ẩn ý: "Tôi nói thiệt đó, tin không tùy bạn".
- 20% doanh thu còn lại đến từ bán vé và ấn phẩm lưu niệm.
Với những con số trên, chắc chắn chẳng còn ai dám bảo dân thể thao là bọn "vũ phu vai u thịt bắp", chẳng còn ai dám bảo "thể thao là cái nghề nghèo nàn bạc bẽo" nữa, vì có thể sẽ bị liệng nguyên… cục tiền vào đầu.
Chuyện Buriram chỉ là một ví dụ tôi nêu ra để đại diện cho bức tranh toàn cảnh về bóng đá nói riêng và thể thao nói chung của Thái Lan thời điểm hiện tại. Các CLB Thai League đều có hướng phát triển và đầu tư đồng đều như vậy chứ không chỉ riêng Buriram United.
Trở lại với bóng đá Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào về quá khứ. Chúng ta có quyền tự hào khi mới mấy tháng trước cả châu lục phải trầm trồ thán phục với chiến tích của U23 Việt Nam ở Thường Châu. Nhưng xét trên tổng thể, chiến công đó có chăng chỉ là nhờ nỗ lực của vài cá nhân đơn lẻ, chứ không phải là của một hệ thống có chiều sâu.
Thành tích của thể thao Việt Nam chủ yếu vẫn được tạo nên bởi nỗ lực của cá nhân?
Thành tích trong thi đấu là một chuyện, nhưng giá trị kinh tế và phát triển bền vững lại là câu chuyện khác. Bạn có thể phản biện rằng các nước châu Phi nghèo xơ nghèo xác nhưng bóng đá vẫn mạnh hơn hẳn khu vực Đông Nam Á, nên họ có thể tự hào. Đúng là có cái để tự hào, nhưng bạn có muốn tự hào trong hoàn cảnh có một đội tuyển vô địch thế giới trong khi giới cầu thủ vẫn có thu nhập thấp tè, các CĐV vẫn phải ngồi trên các khán đài cũ kỹ? Tôi tin là không.
Đằng sau ánh hào quang là những tiếng thở dài. Đội U23 về nước trong ánh hào quang, được tung hô như những vị anh hùng, được thưởng nhà, thưởng xe, thưởng tiền trăm, tiền tỉ... Nghe thì cũng sướng đấy. Nhưng có ai để ý ở V-League, nhiều đội bóng vẫn cho cầu thủ mặc áo hàng fake, mang giày chợ. Những vị Mạnh Thường Quân đã tài trợ cho đội U23 sau chiến thắng, tôi cho rằng đó là "theo phong trào" cho vui, chứ khái niệm "Tài trợ thể thao" bền vững và sinh lợi thì chưa có đâu.
Vào phòng họp báo sau trận đấu nhìn mấy logo nhà tài trợ, hoặc xem báo cáo tài chính của các CLB thì rõ, trừ vài CLB có ông chủ chịu chơi hoặc quan hệ rộng còn đỡ khổ, còn lại phải xin tiền nhà nước hoặc tự tìm nguồn tài trợ thì mệt mỏi thôi rồi. Những người có tâm bỏ tiền ra chơi bóng đá đa phần đều vì đam mê, nhưng sau một thời gian thì đều muốn bỏ của chạy lấy người.
Bầu Trường của Ninh Bình cũng sớm bỏ bóng đá
Nhắc đến thể thao ở mình, đủ sống còn chưa dám mơ chứ nói chi tới "Công nghiệp hóa thể thao". Trừ mấy ngôi sao, người hùng mới nổi, phần đông vẫn chật vật mưu sinh. Bóng đá nam ít ra cũng đủ sống, chứ mấy môn khác như bóng đá nữ, điền kinh, bóng chuyền, võ... mà lỡ chấn thương, xuống phong độ hay giải nghệ thì thực sự là câu chuyện đầy ám ảnh chưa có hồi kết.
(còn tiếp)