Chưa ai quên câu chuyện cổ tích ĐT Iraq lên ngôi ở Asian Cup 2007. Giờ Iraq còn tự hào hơn khi một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng được ví như những “Messi” hay “Bale của châu Á” đang và sẽ còn trưởng thành”.
Nơi Yar Saeed sinh sống, thành phố Kirkuk (miền Bắc Iraq) vẫn ngập trong khói lửa chiến tranh. Nhưng điều đó không ngăn cậu bé lớn lên với tình yêu bóng đá, dù chỉ có thể chơi bóng trong nhà, giữa 4 bức tường với những ô cửa sổ vỡ kính, thay vì chơi bóng trên đường phố để rồi có thể bị... bắt cóc.
“Năm lên 4 Yar bắt đầu thích bóng đá. Vài năm trước tôi tải lên Facebook vài clip và bức hình ghi lại cảnh Yar chơi bóng và ngay lập tức thu hút sự chú ý của người đứng đầu Ủy ban Olympic Kirkuk, Harbi Khalid. Sau khi xem Yar chơi trực tiếp, Khalid nói rằng: “Cháu là Messi của Kirkuk”. Và biệt danh đó theo Yar kể từ đó”, Wahid Saeed, bố đẻ của Yar, một cựu chiến binh người Kurd và từng là nhà báo tâm sự.
Nhưng không chỉ có Khalid nhận ra một tài năng đầy triển vọng. Những đoạn clip của Yar trên Facebook nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt “Like”. Và trong cả hai tài khoản Facebook của Yar, với 15.000 và 11.000 người theo dõi, giờ NHM cũng chỉ gọi cậu bé với biệt danh “Messi Kirkuk” như một sự thừa nhận, tán thưởng và kỳ vọng.
Bóng đá thật lạ, bởi đôi lúc nó mang đến diệu kỳ và đôi lúc là sự gian khổ. Yar đã nổi tiếng nhờ bóng đá và ngược lại, giờ nó chưa giúp gì nhiều cho cậu bé nhưng đã khiến đám bạn không dám chơi bóng cùng vì sợ nguy hiểm bởi ai đó có thể bắt cóc Yar. “Thậm chí ông hiệu trưởng nơi Yar học đã cho đóng chặt cổng trường và cửa lớp mỗi khi nó ở đó, vì sự an toàn”, bố của Yar tâm sự. Như thế, hy vọng tốt đẹp nào cho tương lai của Yar, với giấc mơ trở thành “Messi mới” để cống hiến tài năng?
Chính xác vẫn chưa có tổ chức hay CLB nào đứng ra hỗ trợ Yar Saeed, ngoại trừ người bố đã sẵn sàng bán ngôi nhà để giúp cậu con trai nuôi dưỡng giấc mơ thành ngôi sao bóng đá. Trước đây một người Pháp tên Jeffers Leo đã xem Yar thể hiện tài năng và hứa sẽ giúp cậu bé ký hợp đồng với một CLB ở châu Âu.
Nhưng sau cùng điều đó không xảy ra. Một Học viện bóng đá ở Hà Lan, Marco De Jong cũng mời Yar tới tập luyện trong vài tuần để từ đó giới thiệu ký HĐ với PSV hoặc Willem II, nhưng gia đình không thể đưa Yar tới đó vì vấn đề tài chính. Cậu bé 12 tuổi vẫn đều đặn mỗi tuần chỉ có 1 ngày được tập luyện ngoài sân, bên cạnh việc theo dõi các trận đấu yêu thích ở giải TBN, học thuộc làu tên nhiều CLB, những ngôi sao, muốn được cắt mái tóc kiểu... mào gà như tiền vệ Arturo Vidal và tất nhiên, chưa bao giờ thôi mơ đến một ngày được chơi bóng chuyên nghiệp.
Cuối năm ngoái, lần đầu tiên Yar được đến châu Âu mà cụ thể là Italia. Một kỹ sư người Ý đang làm việc ở Kirkuk đã đứng ra làm “đại diện” với mục đích đưa Yar sang châu Âu chơi bóng.
Trong chuyến đi ấy, Yar đã được tập ở đội thiếu nhi CLB Pro Patria (Serie C), được thăm tòa soạn báo Gazzetta, chụp ảnh trước tấm áp-phích khổng lồ ghi lại hình ảnh Milan giương cao Cúp Champions League 2006/07 và gặp những huyền thoại sống như Baresi, Maldini. Milan chính là đội bóng ưa thích của bố cậu bé. Còn với Yar, đơn giản thôi, giờ bất kỳ CLB nào ở châu Âu mở rộng vòng tay đón cậu bé, họ sẽ có được một tình yêu hồn nhiên và niềm đam mê mãnh liệt với trái bóng, đúng như cái tên Yar - trong tiếng Kurd nghĩa là “tình yêu”.
-Chiến sự giữa nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và quân đội Iraq quanh Kirkuk vẫn rất ác liệt. Kể từ giữa năm nay, bom đạn rơi cách thị trấn gia đình Yar đang trú ngụ chỉ vỏn vẹn 25 km. “Nơi cháu ở thế nào à? Hôm nay có thể sống, nhưng mai thì không”, cậu bé rụt rè tâm sự.
-Kirkuk từng là nơi cung cấp nhiều cầu thủ giỏi cho ĐT Iraq. Nổi bật nhất là tiền đạo Younis Mahmoud, thủ quân dẫn dắt ĐT Iraq lập kỳ tích khi giành chức VĐ châu Á năm 2007. Younis hiện là tuyển thủ khoác áo ĐT Iraq nhiều lần nhất. Trong khi đó một cầu thủ khác mang họ Saeed, giống như Yar, là Hussein đang giữ kỷ lục ghi bàn cho ĐT Iraq với 61 bàn.