Năm năm trước, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đặt tham vọng trở thành cường quốc bóng đá vào năm 2050. Nhưng sự sụp đổ tài chính của nhà vô địch Super League Trung Quốc đặt ra câu hỏi về mục tiêu cao cả đó.
Jiangsu FC (Giang Tô) hôm Chủ nhật cho biết đã “ngừng hoạt động” - chỉ 4 tháng sau khi vô địch Super League Trung Quốc, điều mà truyền thông nhà nước mô tả là gây sốc.
Trên thực tế, các nhà đầu tư đang lần lượt rút khỏi bóng đá Trung Quốc khi đã có 16 đội ở các cấp độ khác nhau “đóng cửa”.
Tình trạng này hoàn toàn trái ngược với thời điểm Super League phá kỷ lục chuyển nhượng châu Á 5 lần trong vòng chưa đầy một năm, mà đỉnh điểm là việc tiền vệ Oscar của Chelsea gia nhập Shanghai SIPG với giá 60 triệu euro vào tháng 1/2017.
Tiền đạo Carlos Tevez được Shanghai Shenhua đưa về trong cùng kỳ chuyển nhượng với mức lương 730.000 euro một tuần.
Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã mới đây cho biết, mức lương và phí chuyển nhượng tăng vọt khi các CLB đua nhau chi tiêu đã tạo ra “bong bóng” dễ vỡ.
Tân Hoa xã trích dẫn số liệu thống kê của Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc cho biết, chi tiêu trung bình trong mùa giải năm 2018 cho 16 CLB Super League là khoảng 1,1 tỷ nhân dân tệ (170 triệu USD), so với thu nhập bình quân 686 triệu nhân dân tệ.
Trang Sina từng nhận định: "Trung Quốc đang có cách làm bóng đá khác Việt Nam. Bóng đá Việt Nam đang có sự vươn lên mạnh mẽ tại châu lục. Và đó là kết quả của cả một quá trình. Bóng đá trẻ là nền tảng của sự phát triển".
Bên cạnh đó, Sina cũng cho rằng những người làm bóng đá Trung Quốc nên học hỏi HLV Park Hang Seo và bóng đá Việt Nam.
“Chi tiêu của các CLB CSL cao gấp khoảng 10 lần so với K-League của Hàn Quốc và gấp ba lần so với J-League của Nhật Bản”, chủ tịch LĐBĐ Trung Quốc Chen Xuyuan cho biết vào tháng 12 khi giới hạn tiền lương được công bố.
Nhà báo Ma Dexing nói rằng, trong 30 năm đưa tin về bóng đá Trung Quốc, ông đã chứng kiến hơn 200 CLB đóng cửa, cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại và đại dịch Covid-19 khiến Super League bị trì hoãn trong nhiều tháng hồi năm ngoái và không thể gượng dậy.
Chẳng hạn, Tianjin Tigers (Thiên Tân), một trụ cột của Super League kể từ khi thành lập vào năm 2004, dự kiến sẽ giải thể trong vài ngày tới, trong khi công ty mẹ của Hebei FC đang chìm trong nợ nần.
“Nguyên nhân cơ bản là nền tảng của bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc quá yếu”, Ma Dexing - người có 1,5 triệu người theo dõi trên nền tảng Weibo của Trung Quốc giống như Twitter, viết trong một chuyên mục.
Ma Dexing giải thích, các CLB được xây dựng và điều hành bởi các công ty có ít mối liên hệ với cộng đồng nơi đặt trụ sở. Do đó, sự tồn tại của các CLB chuyên nghiệp của Trung Quốc phụ thuộc trực tiếp vào tình hình kinh tế của doanh nghiệp hoặc công ty.
Đó là những gì đã xảy ra với Jiangsu FC, CLB mà gần đây được gọi là Jiangsu Suning. Tập đoàn Suning, cũng sở hữu CLB Serie A Inter Milan, đang gặp khó khăn về tài chính và đã cắt giảm đội ngũ.
Một mùa giải Super League tiết kiệm hơn dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa xuân năm nay, nhưng với những lo ngại về Covid-19, Liên đoàn vẫn chưa công bố ngày bắt đầu. Sau vụ việc của Giang Tô và Thiên Tân, vẫn chưa rõ những đội nào sẽ tham gia.