Về scandal nhận hối lộ của FIFA: Vì sao Mỹ có thể can thiệp vào FIFA? (Kỳ 2)

thứ bảy 30-5-2015 21:05:04 +07:00 0 bình luận
Sự can thiệp của giới chức tư pháp Mỹ vào FIFA – một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Thụy Sĩ – đã đưa nhiều thứ ra ánh sáng, nhưng mặt khác cũng làm dấy lên nhiều quan ngại.

Liệu người Mỹ có đi quá xa hay không, đâu là cơ sở để họ can dự vào việc này và liệu những sự kiện tương tự có tái diễn với bóng đá châu Âu hay không?

Thói quen của người Mỹ

ANH TO

Như đã nói, việc cảnh sát Thụy Sĩ bắt giữ 7 quan chức FIFA tại khách sạn Baur au Lac chủ yếu là nhằm hỗ trợ phía Mỹ, bởi trong số 7 cái tên bị “sờ gáy” thì chỉ có duy nhất 1 người (Nicolas Leoz) thuộc diện Thụy Sĩ cần truy tìm và 6 vị còn lại đều bị tạm giữ để phục vụ cho cuộc điều tra của Mỹ. Có phải các nhà thực thi pháp luật của Mỹ đã đi hơi xa? Thực ra, người Mỹ vốn thích quản “chuyện của thiên hạ” và trong tư duy của họ thì quyền lực của cơ quan tư pháp Hoa Kỳ không hề bị giới hạn trong mảnh đất rộng 9,85 triệu km2 nằm kẹp giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Đơn cử, một khi đã là công dân Mỹ thì bạn sẽ phải đóng thuế thu nhập cho dù có sống ở nơi nào trên thế giới đi chăng nữa và bạn sẽ gặp không ít rắc rối nếu tìm cách trốn tránh nghĩa vụ này. Eduardo Saverin, một trong 5 nhà đồng sáng lập Facebook, thậm chí đã phải xin từ bỏ quốc tịch Mỹ để tránh phải nộp khoản thuế thu nhập lên đến 2,6 tỷ USD (nếu tính theo thị giá cổ phiếu Facebook lúc đỉnh điểm) và trong năm 2014 đã có tới 3.415 người theo chân Saverin. Kể cả những người đã gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng bí mật tại Thụy Sĩ nhằm né thuế cũng không thoát: hàng loạt ngân hàng Thụy Sỹ đã phải chấp nhận nộp phạt để tránh bị phía Mỹ truy tố, trong đó có những cái tên nổi tiếng như UBS (780 triệu euro) hay Credit Suisse (2,6 tỷ euro). Những đối tượng “ngoan cố” (chưa chịu cung cấp thông tin về các chủ tài khoản và cũng chưa nộp phạt) như ngân hàng Julius Baer hay Pictet & Cie thì đang đứng trước nguy cơ phải giải quyết mọi việc nơi tòa án. Nói thế để thấy là chuyện giới chức Mỹ yêu cầu những đồng nghiệp Thụy Sĩ hỗ trợ trong việc giải quyết vụ án FIFA là điều hết sức bình thường và không có gì phải ngạc nhiên cả.

Khi Mỹ trở thành “hiện trường vụ án”

A senior multi-agency U.S. delegation presented the most recent U.S. periodic report on the implementation of the International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination (CERD) at the United Nations August 13-14, 2014. Full text of statement by Loretta E. Lynch, U.S. Attorney, Eastern District of New York. https://geneva.usmission.gov/2014/08/13/32482/ U.S. Mission Geneva/ Eric Bridiers

Câu hỏi tiếp theo, đâu là cơ sở để người Mỹ tham gia vào vụ việc này? Bởi FIFA vốn là một tổ chức phi chính phủ, tọa lạc ở tận châu Âu, bóng đá lại chẳng phải môn thể thao phổ biến nhất ở xứ sở cờ hoa và chỉ có 2/14 nghi phạm (Eugenio Figueredo và Aaron Davidson) mang quốc tịch Mỹ. Bà Jessica Tilipman, giảng viên trường ĐH Luật George Washington, cho biết: “Hệ thống tư pháp Mỹ được phép khởi tố các công dân nước ngoài nếu trong quá trình phạm tội của họ có một chi tiết nào đó dính dáng đến nước Mỹ. Một cú điện thoại tới người nghe ở Mỹ, một bức thư điện tử được gửi qua server đặt tại Mỹ… tất cả đều có thể cấu thành cơ sở pháp lý để Mỹ can thiệp vào vụ án”.

Trong số các tội danh của 14 nghi can mà phía Mỹ đề cập có các mục đưa hối lộ cũng như rửa tiền, và một số hành vi đưa hối lộ/rửa tiền đã xảy ra tại Mỹ hoặc hệ thống ngân hàng Mỹ. Không nói đâu xa, trong số các nghi can thì Eduardo Li là Chủ tịch LĐBĐ Costa Rica, Julio Rocha là cựu Chủ tịch LĐBĐ Nicaragua. Cả hai Liên đoàn này đều là thành viên của CONCACAF – nơi Jeffrey Web giữ chức Chủ tịch – và trụ sở của CONCACAF thì lại đặt tại Miami, Mỹ. Một ngày trước khi cảnh sát Thụy Sĩ xuất hiện tại Baur au Lac vào ngày 27/5 thì các điều tra viên FBI đã khám xét văn phòng CONCACAF tại Miami và điều đó chứng tỏ rằng một số hành vi hối lộ đã diễn ra trên đất Mỹ. Ngoài ra, một trong số các công ty dính líu vào việc đưa hối lộ và chuyển tiền “bẩn” là Traffic Sports USA, vốn đóng tổng hành dinh tại Florida. Chưa hết, vì phần lớn các giao dịch chuyển tiền hối lộ đều được thực hiện bằng USD nên chắc chắn chúng phải trải qua một ngân hàng Mỹ trước khi đến tay người nhận (Bộ Tư pháp Thụy Sĩ cũng đã xác nhận tình tiết này). Ví dụ, vào năm 2013 thì Traffic Sports đã chuyển 11 triệu USD từ tài khoản của mình mở tại Citibank Miami tới một tài khoản của CONCACAF mở tại ngân hàng JP Morgan New York. Tháng 11/2012, Traffic cũng chuyển 1,2 triệu USD từ ngân hàng Delta National Bank tại Miami đến HSBC New York. Năm 2004, Traffic chuyển 1,2 triệu USD khác từ Delta National Bank đến Banco do Brasil New York, sau đó khoản tiền này được chuyển tiếp tới một tài khoản của CONMEBOL mở tại Banco do Brasil Paraguay. Nói như Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch thì: “Các nghi phạm đã lên kế hoạch cho hành động phạm tội của họ trên đất Mỹ, và đã sử dụng hệ thống ngân hàng Mỹ để phục vụ cho những giao dịch chuyển tiền hối lộ”.

Chưa hết, cũng theo bà Lynch thì các nghi phạm đã trao tay nhau số tiền hối lộ lên tới 110 triệu USD để tìm cách đưa Copa America 2016 – giải đấu lẽ ra phải do một quốc gia Nam Mỹ đăng cai – về  tổ chức tại Mỹ. Bên cạnh đó, các giao dịch hối lộ này có liên quan tới việc lựa chọn nước chủ nhà World Cup 2010 và Mỹ là thị trường truyền hình lớn nhất cho các kỳ World Cup. Tóm lại, theo quan điểm của giới chức Mỹ thì các quan chức FIFA cũng như đồng phạm của họ đã tìm cách kiếm lợi bất chính thông qua việc khai thác thị trường bóng đá tại Mỹ, và chừng đó là quá đủ để người Mỹ nhúng tay vào câu chuyện.

UEFA có thể an tâm

Nếu như người Mỹ có thể can dự vào nội tình của FIFA, tổ chức có tiếng nói lớn bậc nhất (nếu không muốn nói là nhất) trong làng bóng đá thế giới thì có khi nào họ tham gia vào các vấn đề của bóng đá châu Âu hay không? Nên nhớ rằng những scandal trong bóng đá lục địa già không phải là ít, từ dàn xếp tỷ số cho đến nhận hối lộ. Tuy nhiên căn cứ trên những quy định pháp lý hiện tại thì khả năng người Mỹ hiện diện ở châu Âu không phải là lớn. Thứ nhất, đồng tiền được sử dụng trong các giao dịch mua bán độ ở bóng đá châu Âu chủ yếu là euro (trong một số trường hợp là bảng Anh hoặc đồng tiền của các quốc gia Đông Âu), do đó chúng chủ yếu chạy qua hệ thống ngân hàng châu Âu và không liên quan gì tới các ngân hàng Mỹ. Thứ hai, địa điểm nơi các giao dịch phi pháp nói trên được thực hiện hầu như cũng luôn luôn nằm ở lục địa già và người Mỹ chẳng có lý do gì để can thiệp. Thứ ba, khán giả truyền hình của các giải đấu bóng đá châu Âu chủ yếu đến từ đại lục Á – Âu và người Mỹ không thể lập luận rằng Mỹ là thị trường truyền hình chính của Premier League hay Champions League. Kết luận lại, giới túc cầu lục địa già có thể an tâm vận hành các hoạt động của mình một cách bình thường mà không cần phải lo đến việc cơ quan an ninh điều tra của Mỹ đột ngột xuất hiện, nhưng người Nga và Qatar thì chưa thể yên tâm như vậy…

Kỳ 3: Liệu World Cup 2018 và 2022 có bị thay đổi địa điểm đăng cai?

Cho dù Mỹ và Thụy Sĩ đã ký hiệp định dẫn độ tội phạm từ 14/11/1990 (và chính thức có hiệu lực từ 10/9/1997), việc di lý các quan chức FIFA về Mỹ cũng không phải là chuyện đơn giản. Phía Mỹ sẽ phải gửi một yêu cầu chi tiết tới Thụy Sĩ, trong đó nêu rõ các tội trạng mà những người này đã mắc và, quan trọng nhất, họ cần phải chứng minh rằng các hành vi rửa tiền, trốn thuế… của những quan chức FIFA nói trên cũng đã vi phạm luật pháp Thụy Sĩ (còn được gọi là nguyên tắc “cùng hình sự hóa” trong luật quốc tế). Không nói đâu xa, trước đây thì Mỹ đã vài lần thất bại trong việc dẫn độ nhiều nghi phạm trốn thuế vì hành vi của họ không bị coi là trốn thuế nếu dựa trên luật Thụy Sĩ. Dự kiến quá trình dẫn độ này sẽ kéo dài tối thiểu là 1 năm và có thể mất nhiều thời gian hơn nếu như các nghi phạm kháng cáo. Một số trường hợp như của đạo diễn nổi tiếng Roman Polanski thậm chí còn kháng cáo thành công và vẫn chưa bị dẫn độ về Mỹ cho dù đã bị phía Thụy Sĩ bắt giữ từ năm 2009.

Quang Hải

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm