Về scandal hối lộ tại FIFA: Kỳ cuối – Khi World Cup đứng trước nguy cơ mất giá

thứ ba 2-6-2015 17:14:10 +07:00 0 bình luận
Dù là nơi hội tụ những tinh hoa của làng túc cầu thế giới, là nơi mang lại doanh thu cao ngất ngưởng từ truyền hình, các quốc gia thành viên UEFA lại không có nhiều tiếng nói trong công tác điều hành của FIFA.

Vì lẽ đó, không có gì lạ khi một số nhân vật trong làng bóng lục địa già – Michel Platini – manh nha ý định tẩy chay World Cup và ngay cả khi điều này không trở thành sự thực đi chăng nữa thì World Cup cũng đang có nguy cơ xuống giá hơn bao giờ hết.

T17

Ngồi mát ăn bát vàng

Quần đảo Cayman, một trong số các vùng lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh, chỉ có diện tích vỏn vẹn 264 km2 – bằng khoảng 40 lần diện tích của một sân bóng đá tiêu chuẩn –  và dân số chưa đầy 60.000 người (còn chưa đủ để lấp đầy những SVĐ như Old Trafford hay Nou Camp) và thậm chí còn không phải là thành viên Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác. Nơi đây vốn chỉ được biết đến với tư cách một thiên đường thuế, du lịch cũng như là địa chỉ quen thuộc cho những ai có nhu cầu rửa tiền (dù rất nhỏ bé, Cayman lại là trung tâm tài chính lớn thứ 5 thế giới với sự hiện diện của gần 300 ngân hàng, trong đó có những cái tên lừng lẫy như HSBC, Deutsche Bank, UBS hay Goldman Sachs) và chẳng có chút liên hệ nào với bóng đá cả. ĐTQG Cayman hiện đang xếp thứ 191 trên BXH của FIFA và tất nhiên chưa từng gây được bất kỳ tiếng vang gì trong khuôn khổ các giải đấu dù là cấp khu vực. Nhưng kể từ năm 2002 đến nay thì FIFA đã đầu tư khoảng 2,2 triệu USD vào việc xây dựng trụ sở mới cho LĐBĐ Cayman cũng như hai sân bóng cỏ nhân tạo, vì thổ nhưỡng trên quần đảo nhỏ xíu này không phù hợp để trồng nhiều cỏ tự nhiên.

Sự nhiệt tình của FIFA không phải xuất phát từ việc Jeffrey Webb, người từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch FIFA và đã có lúc được coi là ứng viên hàng đầu để thế chỗ Sepp Blatter trên cương vị chủ tịch, là một công dân Cayman. Đó là cả một chiến lược của FIFA nhằm lấy lòng những quốc gia nhỏ, những nước hầu như không có bất kỳ tiếng nói gì trong làng túc cầu quốc tế và chỉ biết trông cậy vào sự ban phát quyền lợi của Blatter và các cộng sự. Đơn cử, Bob Kumar – GĐĐH LĐBĐ Fiji – từng tuyên bố “Chúng tôi ủng hộ FIFA, ủng hộ Blatter. Chúng tôi chẳng quan tâm đến những cáo buộc tham nhũng mà người ta đang nói đến” ngay sau khi 7 quan chức FIFA bị bắt giữ tại Zurich. Không ủng hộ cũng không được, bởi toàn bộ khoản kinh phí dùng cho việc phát triển bóng đá của đảo quốc này là do FIFA cấp phát (2,5 triệu USD chỉ tính từ năm 2011 đến nay). Đến thời điểm này mà nói thì chiến lược của Blatter là rất thành công…

Làm nhiều, hưởng ít

Châu Âu là nơi tập trung những ngôi sao sáng nhất, những giải đấu có doanh thu cao nhất, được nhiều người theo dõi nhất (không tính World Cup) trong làng bóng đá thế giới. 26 cầu thủ lọt vào danh sách bầu chọn Quả bóng vàng FIFA 2014 đều đang chinh chiến tại châu Âu, Champions League là đấu trường cấp CLB hấp dẫn nhất hành tinh và 4/5 nhà vô địch thế giới gần nhất (Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha) đều đến từ lục địa già. Không chỉ có thế, châu Âu còn là nơi đóng góp nhiều nhất vào khoản thu nhập khổng lồ của FIFA trong mỗi kỳ World Cup. FIFA đã kiếm được tổng cộng 4 tỷ USD từ World Cup 2014, trong đó 1,7 tỷ đến từ việc bán bản quyền truyền hình, 1,4 tỷ là từ các nhà tài trợ và khoảng 900 triệu USD còn lại xuất phát từ hoạt động nhượng quyền thương mại (cho phép các hãng trò chơi điện tử, các công ty sản xuất đồ lưu niệm… được sử dụng logo và bản quyền hình ảnh của thương hiệu FIFA World Cup trên sản phẩm). Trong 1,7 tỷ USD doanh thu bán bản quyền truyền hình thì lại có khoảng 900 triệu USD (chiếm hơn 50%) đến từ các nhà đài châu Âu, trong khi gần 4,5 tỷ cư dân châu Á chỉ có thể mang lại cho FIFA khoảng 400 triệu USD tiền bản quyền truyền hình mà thôi.

Nói một cách hình ảnh, trong “công ty FIFA” thì “phòng UEFA” là nơi giàu có nhất, kiếm được nhiều tiền nhất, nhưng sự đóng góp ấy lại không đi kèm với quyền phát ngôn. Với cơ chế bầu cử hiện tại, một lá phiếu của Cayman, Fiji, quần đảo Virgin hay Samoa cũng có sức nặng chẳng kém gì phiếu bầu của Anh, Đức, TBN hay Pháp. Các nước nhỏ vừa nhiều, lại vừa dễ bị mua chuộc và sự ủng hộ của họ là quá đủ để Blatter nói riêng hay FIFA nói chung đưa mọi thứ đi theo hướng mà mình mong muốn, bất chấp sự phản đối (nếu có) của các “ông lớn”. Chẳng những không có nhiều tiếng nói, một phần thu nhập do UEFA kiếm được còn bị FIFA mang đi phân bổ lại cho những LĐBĐ nghèo. UEFA không nổi điên mới là lạ.

World Cup mất giá?

Trước áp lực từ phía UEFA (công khai ủng hộ hoàng tử Ali bin Al-Hussein trong cuộc chạy đua đến chức Chủ tịch FIFA), Blatter đã phải tạm thời nhượng bộ và tuyên bố không động đến số vé tham dự World Cup của châu Âu (trước đó ông này từng có ý định cải cách cơ chế thi đấu vòng loại để đảm bảo cho châu Đại Dương có một vé vào thẳng VCK World Cup và châu Âu có thể phải nhường ra một suất). Tuy nhiên chừng đó có vẻ là chưa đủ để xoa dịu cơn thịnh nộ của giới bóng đá lục địa già. Trong một cuộc họp của 54 thành viên UEFA diễn ra cách đây vài ngày, Allan Hansen -thành viên Hội đồng điều hành UEFA – đã đề cập đến khả năng tổ chức một giải đấu “Euro mở rộng” (mời thêm Brazil, Argentina, Uruguay hay Colombia tham dự) diễn ra 2 năm/lần để cạnh tranh với World Cup. Đó có lẽ là một quan điểm có phần cực đoan và nó không nhận được sự đồng thuận từ phía Chủ tịch UEFA Michel Platini – người đồng thời cũng khẳng định sẽ không yêu cầu các ĐTQG châu Âu tẩy chay World Cup 2018 – nhưng sự bất mãn của các nhà điều hành bóng đá châu Âu là rất rõ ràng.

Trong bối cảnh đó, World Cup 2018 rất có thể sẽ không nhận được nhiều sự chú ý như các  kỳ World Cup trước, đặc biệt là khi nó được tổ chức tại Nga – một quốc gia vốn vẫn tồn tại nhiều khoảng cách với các nước Tây Âu – và lại đang dính vào scandal cưỡng bức lao động. Phía Nga đã công khai bày tỏ ý định sử dụng sức lao động của tù nhân vào các công việc phục vụ World Cup như là một phương án nhằm tiết kiệm chi phí nhân công, nhưng có nhiều cáo buộc cho rằng nhà chức trách Nga yêu cầu những tù nhân này phải làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt (lao động 16-17 tiếng ngày và cứ 1 tháng rưỡi mới có một ngày nghỉ). Cần nhớ rằng bóng đá châu Âu vốn chưa bao giờ tách rời hoàn toàn khỏi chính trị (năm 1978, Johan Cruyff từng từ chối tham dự VCK World Cup tại Argentina để phản đối chế độ độc tài tại quốc gia Nam Mỹ này) và nếu NHM Tây Âu cũng như Bắc Mỹ  – nơi có quan hệ thân thiết với Tây Âu và xa cách với Nga – không dành nhiều sự quan tâm đến World Cup 2018 thì đó sẽ là một kỳ World Cup “mất giá” hơn bao giờ hết.

Kể cả khi World Cup 2018 giữ được mức thu nhập từ bản quyền truyền hình ngang bằng với World Cup 2014 thì đó cũng không còn là một con số vượt trội so với doanh thu của Premier League, Champions League hay VCK Euro. Căn cứ trên bản hợp đồng truyền hình mới (có hiệu lực từ mùa giải 2015/16) thì Premier League sẽ kiếm được xấp xỉ 2 tỷ bảng (tương đương khoảng 3 tỷ USD)/mùa từ các nhà đài, tức cao gần gấp đôi so với những gì mà FIFA nhận được trong một kỳ World Cup. Cũng từ mùa 2015/16 thì nguồn thu từ truyền hình của Champions League sẽ đạt mức 1,5 tỷ euro (1,8 tỷ USD)/mùa, tức ngang bằng với World Cup còn dự kiến VCK Euro 2016 sẽ mang lại khoản thu 1,1 tỷ euro (1,3 tỷ USD) từ truyền hình (nhưng nên nhớ là số trận đấu ở Euro ít hơn nhiều so với World Cup).

QUANG HẢI

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm