Với tham vọng nhắm đến tấm HCV Olympic 2020, Trung Quốc vừa gửi nguyên đội U20 nước này sang thi đấu thường xuyên tại giải hạng Tư nước Đức.
Những siêu sao nhận mức lương trên trời nhưng thái độ thi đấu hời hợt, không đóng góp nhiều về chuyên môn, chưa kể vừa dính vào scandal ẩu đả trên sân mà ở đây phải kể ra cựu tiền vệ Chelsea, Oscar.
Tuy nhiên, một nước đi táo bạo vừa được LĐBĐ Trung Quốc thực hiện có thể tạo cơ hội giúp thúc đẩy sự phát triển của cầu thủ trẻ của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Cụ thể, mới đây ông Ronny Zimmermann Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) xác nhận: "Mới chỉ có 19 đội bóng đủ điều kiện tham dự giải hạng 4 của chúng tôi. Và 19 đội bóng này đều nhất trí về việc mời U20 Trung Quốc tham gia giải đấu".
Dự kiến, sự kiện này sẽ chính thức được công bố vào ngày 5/7 tới, khi Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến công du ở thủ đô Berlin, Đức.
Như thế, có thể hiểu U20 Trung Quốc sẽ được thi đấu, cọ xát đều đặn hằng tuần, ở giải đấu bán chuyên của một trong những quốc gia có nền bóng đá phát triển nhất thế giới. Điều này cực kỳ bổ ích, đặc biệt cho những cầu thủ trẻ.
Việc đưa hẳn một đội trẻ sang chơi một giải đấu tại châu Âu là bước đầu cho tham vọng nâng cao trình độ các cầu thủ để đạt kế hoạch do LĐBĐ Trung Quốc đề ra đó là trở thành một trong những cường quốc bóng đá vào năm 2050 và mục tiêu cao nhất là nhắm đến chức vô địch thế giới.
Tất nhiên, chi phí để "biến" U20 Trung Quốc thành "CLB ở giải hạng Tư của Đức" cũng không hề rẻ. Được biết, LĐBĐ Trung Quốc phải trả cho 19 CLB còn lại ở hạng đấu này 15.000 đô la/đội (tương đương khoảng 340 triệu đồng) cho mỗi 2 trận đấu lượt đi-về trong một mùa giải mà họ tiếp đón U20 Trung Quốc trên sân nhà.
Như thế, "phí tham dự" mỗi mùa của U20 Trung Quốc có thể lên tới 285.000 đô la (xấp xỉ 6,5 tỷ đồng).
Trên thực tế, không thiếu những quốc gia trong khu vực châu Á cũng đã có kế hoạch đưa cầu thủ của mình sang châu Âu tôi luyện nhưng chưa thực sự đạt kết quả như ý.
Đầu năm 2016, nhà vô địch giải Ngoại hạng Indonesia, Persib Bandung đã đạt được thỏa thuận cử HLV cùng 3 cầu thủ của mình tới Inter Milan tập huấn nhưng không thu về kết quả đặc biệt nào.
Tiêu biểu nhất có lẽ là trường hợp của bóng đá Thái Lan. Với sự hậu thuẫn của ông chủ Vichai Srivaddhanaprabha, Leicester thậm chí còn mở trung tâm phát hiện tài năng trẻ tại Thái Lan mang tên King Power trước để tìm kiếm đưa các cầu thủ bản địa sang Anh tập huấn.
Tuy nhiên, một đoạn băng sex ghi lại cảnh những giáo viên người Anh quan hệ với gái mại dâm Thái Lan khiến mọi thứ đổ bể và ước mơ đưa Thái Lan góp mặt tại World Cup trong 10 năm nữa của ông chủ Vichai cũng tan thành mây khói.
Tại Việt Nam, tiêu biểu nhất là sự liên kết giữa Hoàng Anh Gia Lai và Arsenal để ra đời học viện HAGL Arsenal JMG cho ra đời những cầu thủ trẻ đầy tài năng như Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh.
Bầu Đức sau đó cũng để những cậu con cưng đi tu nghiệp tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng kết quả thu được cũng rất hạn chế, bởi 3 ngôi sao tương lai của bóng đá nước nhà phần lớn thời gian phải ngồi dự bị tại đội bóng.
Đối với bóng đá Trung Quốc việc cử cả một đội bóng sang trời Âu tham dự một giải đấu chuyên nghiệp rõ ràng là một bước tiến lớn.Tuy nhiên, thời gian sẽ là câu trả lời rõ nhất, rằng kế hoạch này sẽ mang về hiệu quả ra sao và liệu tham vọng trở thành cường quốc bóng đá thế giới vào năm 2050 của họ có cơ hội trở thành hiện thực hay chỉ là... ảo vọng!
"Lứa U20 hiện tại của Trung Quốc có nòng cốt là đội U19 từng dự giải VĐ châu Á hồi năm ngoái, cùng U19 Việt Nam.
Nhưng tại giải đó U19 Trung Quốc chỉ giành 1 điểm, không ghi nổi bàn nào và bị loại ngay từ vòng bảng.
Trong khi đó thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã làm nên kỳ tích cho bóng đá Việt Nam khi xếp hạng 3 chung cuộc và giành vé dự U20 World Cup vừa diễn ra tại Hàn Quốc".