Hãy thử tưởng tượng, nếu các cầu thủ Barcelona cũng giãy đành đạch phản ứng trọng tài, rủ nhau… đi bộ trong phần còn lại trận đấu vì cú sút đưa bóng qua vạch vôi khung thành Betis đến nửa mét không được công nhận thành bàn, sự cố đó sẽ ầm ĩ cỡ nào?
Chắc chắn, đó sẽ là “cơn bão cấp 12” của bóng đá thế giới. Và tân Chủ tịch bóng đá châu Âu, Ceferin, hay Chủ tịch mới của FIFA, Infantino sẽ phải bở hơi tai xử lý hậu quả.
Nhưng điều tồi tệ đó không xảy ra. Ơn giời, trận đấu vẫn diễn ra sòng phẳng dù Barca không hài lòng vì chạy ngược giành lại 1 điểm trên sân nhà cuối tháng trước.
Video Barca bị trọng tài "cướp trắng" 1 bàn thắng
Cách hành xử như vậy - của một CLB khổng lồ ở 1/5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu cũng dễ hiểu. Bởi ở đây, tinh thần chuyên nghiệp luôn được đặt lên cao nhất. Trong đó, những tiêu chí tối quan trọng gồm: Tôn trọng khán giả, tôn trọng các phán quyết của trọng tài và tôn trọng “sự sống” của trận đấu, là điều mà các CLB, cầu thủ thấm rõ nhất.
Chẳng nói đâu xa, một trường hợp ầm ĩ khác vừa xảy ra ở giải Ngoại hạng Anh là việc tiền đạo Alexis Sanchez đã để bóng chạm tay trước khi bay vào lưới Hull City.
Người cầm còi trận đó là trọng tài xuất sắc bậc nhất thế giới, Mark Clattenburg sau đấy phải xin lỗi công khai vì “chót thừa nhận bàn thắng”.
Video tình huống Sanchez "đấm bóng" vào lưới Hull City
Điều đáng nói là phản ứng trong trận của các cầu thủ Hull không gay gắt đến mức phi thể thao. Họ chỉ cố giải thích với trọng tài, tất cả gói gọn trong vài chục giây và không được thì chấp nhận 1 bàn thua.
Nên nhớ Hull chỉ là đội tí hon lên xuống hạng như đi chợ. Vậy mà cách hành xử trước một quyết định “bất công” hứng chịu vẫn rất văn minh, chuyên nghiệp.
Nhưng nói thế không có nghĩa - bằng cách nấp sau tiêu chí “chuyên nghiệp”, những sai lầm của trọng tài tiếp tục được nhắm mắt làm ngơ, hay bỏ qua khi gọi đó là “lỗi mang tính con người” hoặc “một phần không thể thiếu của cuộc chơi”.
Bóng đá đã thay đổi rất nhiều. Những cuộc cách mạng kỹ chiến thuật ngày càng đẩy tốc độ trận đấu lên cao chóng mặt, những tình huống tranh cãi xảy ra cực nhanh và cầu thủ cũng không thiếu tiểu xảo. Trong khi đó, tốc độ quan sát của đôi mắt các trọng tài là không thay đổi.
Những vị vua áo đen buộc phải xử lý, cân nhắc, phán quyết tình huống chỉ trong 1-2 giây, dù pha bóng có rõ ràng hay không. Và như thế, sai lầm không thể tránh khỏi.
Nếu chỉ là sai lầm ở giữa sân, trong một pha bóng vô hại sẽ chẳng có gì để nói. Còn nếu là pha bóng quyết định phạt đền, thẻ đỏ, có công nhận bàn thắng hay không, đấy sẽ là chuyện lớn, bởi kết quả cả trận có thể thay đổi từ đây và thậm chí còn lắm chuyện "bốc mùi" xảy ra.
Video toàn cảnh sự vụ "mất thể diện bóng đá Việt Nam" trong trận CLB TP. HCM - Long An
Điều này lý giải vì sao ngày càng có nhiều những kêu gọi sớm đưa công nghệ vào hỗ trợ công tác trọng tài. Và sự thật, nó đã và đang được áp dụng, từ công nghệ vạch cầu môn (Goal-line, Hawk-eye) đến mới nhất là Video hỗ trợ trọng tài (VAR).
Sau khi bị “cướp trắng” 1 bàn, Barca tuyên bố họ sẵn sàng bỏ tiền túi lắp riêng công nghệ vạch cầu môn ở sân Nou Camp. Tất nhiên, BTC La Liga không đồng ý kiểu chơi sang này.
“Chi phí lắp đặt công nghệ vạch cầu môn ở 2 giải hàng đầu TBN tốn tới 4,5 triệu euro/mùa. Có số ít CLB giàu có nhưng bên cạnh đó là số đông những đội bóng nhỏ khó khăn về tài chính không thể đáp ứng kinh phí”, CT La Liga, Javier Tebas tuyên bố.
Khác với Liga, bóng đá Anh với sự giàu có đã triển khai công nghệ Hawk-Eye tại Premier League từ mùa 2013/14. Với Ligue 1, Bundesliga là từ mùa trước. Còn ở cấp độ ĐTQG, World Cup 2014 lần đầu tiên chứng kiến việc áp dụng công nghệ vạch cầu môn.
Tuy vậy, Goal-line hay Hawk-eye chỉ giúp xử lý những tình huống tranh cãi rằng bóng đi qua vạch cầu môn hay chưa. Còn để bao quat mọi pha bóng tranh cãi trên sân, Video hỗ trợ trọng tài (VAR) mới là công nghệ của bóng đá tương lai.
Hiểu theo cách nôm na nhất, với VAR, các trọng tài có thể xem lại các góc độ quay chậm của mọi pha bóng tranh cãi để từ đó đưa ra phán quyết chuẩn xác nhất.
Tháng 12 năm ngoái, lần đầu tiên FIFA cho thử nghiệm VAR chính thức tại Cúp TG các CLB ở Nhật Bản. Nó đã giúp trọng tài Kassai phát hiện một pha phạm lỗi kín của cầu thủ Aletico Nacional với cầu thủ Kashima và từ đây một quả đá 11m đã được trao.
Hay mới cách đây 2 ngày, trong trận giao hữu trước thềm mùa giải mới MLS (Mỹ), trọng tài cũng đã trưng dụng công nghệ VAR để đuổi cựu tiền đạo Barcelona, David Villa, vì hành vi lén đấm vào mặt cầu thủ đối phương.
Video cựu ngôi sao Barca, David Villa vừa bị đuổi sau khi trọng tài dùng công nghệ VAR xem lại pha đánh nguội
Mùa này, MLS sẽ triển khai VAR rộng rãi ở tất cả các sân bóng. Trong khi đó, với Bundesliga là mùa tới và La Liga, Premier League, Serie A sẽ đều áp dụng kể từ mùa 2018/19, một khi công nghệ này chính thức được FIFA xác nhận sau giai đoạn chạy thử 2 năm.
Khi đó, chắc chắn một điều, số vụ tranh cãi trên sân và “những nỗi oan khuất” mà cầu thủ, đội bóng phải hứng chịu vì những phán quyết sai lầm sẽ giảm đáng kể.
Trở lại với câu chuyện V-League và “sự cố Long An” hôm qua, nếu có công nghệ VAR ở sân Thống Nhất, hẳn đã không có cái gọi là “nỗi hổ thẹn cho nền bóng đá Việt Nam”.
Nhưng với một giải đấu và hầu hết các CLB trong đó không thể “tự thân nuôi miệng” theo đúng tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp, việc chi trăm nghìn hay tới cả triệu đô để lắp đặt công nghệ hiện đại hỗ trợ trọng tài giúp xóa bỏ những pha bóng “khó hiểu”, “những tiếng còi ma”, đích thực giấc mơ quá xa vời.
Mà ngay cả khi có thể, chắc gì người ta đã muốn một sự minh bạch rạch ròi, thay cho những nỗi hổ thẹn đã, đang và sẽ còn tiếp diễn bôi tro trát trấu vào cả một nền bóng đá!