Luật của FIFA vẫn chưa đủ
Theo luật chuyển nhượng của FIFA và LĐBĐ Anh (FA), nếu một CLB muốn mua một cầu thủ đã đăng ký hợp đồng với CLB khác, họ phải nói chuyện trực tiếp với CLB đó chứ không phải với cầu thủ hoặc người đại diện của mình. Cầu thủ và người đại diện chỉ được thảo luận với CLB muốn mua sau khi hai CLB đã đồng ý về mức phí.
Thường thì một CLB muốn mua cầu thủ từ một CLB khác sẽ liên hệ trực tiếp với cầu thủ đó để cố gắng thuyết phục đến với mình nếu xảy ra một cuộc đấu giá giữa nhiều đối thủ.
Ngoài ra, nếu CLB muốn mua cảm thấy CLB hiện tại của cầu thủ không muốn bán, họ có thể liên hệ với cầu thủ đó để thuyết phục anh ta đưa ra yêu cầu chuyển nhượng đối với CLB chủ quản.
Người đại diện thường tham gia rất nhiều vào việc thiết lập cuộc đàm phán giữa CLB và cầu thủ mà mình quản lý. Họ và CLB muốn mua là những người đầu tiên liên hệ với nhau cho một cuộc chuyển nhượng tiềm năng.
Điều 22 Quy định về người đại diện cầu thủ của FIFA cấm họ tiếp cận bất kỳ cầu thủ nào còn hợp đồng với mục đích thuyết phục chấm dứt hợp đồng sớm hoặc vi phạm bất kỳ nghĩa vụ nào được quy định trong hợp đồng lao động.
Trong khi đó, Mục C1 của luật FA cấm một cầu thủ còn hợp đồng, hoặc người đại diện của cầu thủ, nói chuyện với các CLB khác, hoặc được các CLB khác tiếp cận mà không có sự đồng ý của CLB chủ quản.
Bất chấp các điều luật, việc “đi đêm” vẫn xảy ra khi các CLB tìm mọi cách để giành được cầu thủ mà họ theo đuổi, trong khi người đại diện luôn háo hức bỏ túi số tiền hoa hồng khổng lồ mà một thỏa thuận mới mang lại cho họ.
Các phương pháp tiếp cận thường được thực hiện khi cầu thủ rời CLB chủ quản để làm nhiệm vụ quốc tế hoặc thông qua các cuộc gặp bí mật mà công chúng không biết tới.
“Công thức” ngăn chặn cầu thủ “đi đêm”
Việc cầu thủ, người đại diện và CLB muốn mua “đi đêm” với nhau từ lâu đã trở thành bài toán hóc búa cho CLB chủ quản. Nhưng trong những năm gần đây, các CLB đã phần nào có lời giải hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này, đó là điều khoản giải phóng hợp đồng.
Điều khoản mua lại và giải phóng đã trở thành một thành phần thiết yếu trong hợp đồng của một cầu thủ danh tiếng. Nó được thực hiện trên nguyên tắc, nếu một CLB đưa ra giá cao hơn giá giải phóng quy định cho một cầu thủ cụ thể, CLB chủ quản phải cho phép cầu thủ muốn ra đi và CLB muốn mua tham gia đàm phán hợp đồng.
Tóm lại, điều khoản mua lại và giải phóng đều cho phép một cầu thủ quyết định có muốn chuyển đến CLB kích hoạt điều khoản hay không bằng cách đặt giá bằng hoặc cao hơn giá mua hoặc giải phóng của mình.
Về lý thuyết, đây là cách hiệu quả khi CLB chủ quan đặt giá giải phóng cho cầu thủ lên cao ngất trời, thường cao hơn nhiều so với giá trị thực. Điều này cho phép họ chống lại bất kỳ sự lôi kéo nào từ bên ngoài cũng như tình trạng “đi đêm”.
Bù lại, trong trường hợp mất ngôi sao của mình, họ được đền bù bằng một khoản tiền thưởng lớn, như vụ Neymar, với 222 triệu euro mua lại hợp đồng.
Neymar là trường hợp hiếm hoi chứng kiến điều khoản giải phóng với số tiền rất lớn bị phá vỡ. Còn lại, những điều khoản lên tới hàng trăm triệu euro như Gareth Bale (450 triệu), Gerard Pique (450 triệu), Marco Asensio (600 triệu), Vinicius Jr. (600 triệu), Isco (650 triệu), Messi (700 triệu), Luka Modric (750 triệu), Antoine Griezmann (750 triệu)… trở thành bức tường thép ngăn chặn bất kỳ ý đồ “đi đêm” nào.
Ngay như một tài năng mới nổi như Ansu Fati, Barca cũng nhanh chóng khóa chặt bằng điều khoản trị giá 180 triệu euro và chuẩn bị tăng lên 400 triệu euro.
Kỳ 1: Từ trường hợp Kim Huệ tới nghịch cảnh bi hài của bóng chuyền Việt
Kỳ 2: Những cuộc "đi đêm" đình đám làm dậy sóng bóng chuyền nội
Kỳ 3: Ca ”nóng" Kim Huệ và quy chế chuyển nhượng bóng chuyền Việt 10 năm... "lập cho có"!
Kỳ 4: Nghịch cảnh bóng chuyền Việt qua chia sẻ của "người trong cuộc" đặc biệt
Kỳ 5: Nhìn từ vụ Kim Huệ bóng chuyền, VBA ngăn chặn tình trạng "đi đêm" như thế nào?