1. Quan điểm trên đã gây tranh cãi trong một thời gian dài. Nhưng những con số thống kê là một thực tế tất cả phải nhìn vào. Theo đó, kết quả khảo sát của Opta hay phân tích dữ liệu Castrol đã chỉ ra rằng, những chiếc thẻ đỏ – hay nói cách khác, một đội bóng chỉ còn 10 người – làm thay đổi rất ít kết quả trận đấu trong vòng 25 năm qua. Lấy trường hợp của giải VĐQG hấp dẫn bậc nhất hành tinh – Premier League – làm ví dụ điển hình.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1992 đến 2000, với một CLB khi đang có tỷ số hòa, nếu họ bị đuổi người trong 60 phút đầu tiên thì tỷ lệ số đội vươn lên giành chiến thắng là 11,8%. Nếu dính thẻ đỏ trong khoảng từ phút 60 đến 80 thì tỷ lệ chiến thắng là 3,7% và tỷ lệ thậm chí còn nhích lên 4,5% với những đội bóng bị mất người sau phút 80. Nếu so sánh với chính Premier League và 4 giải hàng đầu châu Âu còn lại ở Ý, TBN, Đức và Pháp, kể từ đầu mùa 2006/07 đến nay, tỷ lệ chung tương ứng với các mốc ở trên lần lượt là 13,4%, 8,1% và 4,9%.
Theo hướng ngược lại, ở Premier League trong giai đoạn 1992-2000, khi một CLB đang bị dẫn trước mà lại mất người, sau đó lội ngược dòng giành lại 1 điểm hoặc thậm chí giành chiến thắng thì tỷ lệ này là 11,1% – trong trường hợp họ dính thẻ đỏ ở 1 tiếng thi đấu đầu tiên. Kế đến là 5,9% và 4,8% nếu mất người trong khoảng từ phút 60 đến 80 và kể từ sau phút thứ 80. Và nếu nhìn vào cả 5 giải hàng đầu châu Âu kể từ mùa 2006/07 đến giờ, tỷ lệ chung lần lượt cho các mốc kể trên là 11,5%, 11,4% và 2,7%.
2. Còn nhớ, khi Cameroon gây sốc đánh bại Argentina trong trận mở màn Italia 1990, đó là lần đầu tiên trong lịch sử World Cup một đội tuyển giành kết quả khả quan sau khi bị đuổi người. Nhưng chỉ 11 ngày sau trận đấu khó quên ấy, tuyển Áo đã thắng 2-1 dù bị đuổi 1 cầu thủ khi đang hòa Mỹ 0-0. Nên nhớ, tính từ World Cup 1990 trở về trước, có 37 cầu thủ bị đuổi khi đội bóng của họ đang hòa hoặc thua và không có bất kỳ đội nào có thể cải thiện kết quả chung cuộc.
Trở lại với câu chuyện của Ronaldo và Real Madrid cuối tuần qua. Một mình Ronaldo có hơn chục cú dứt điểm, còn cả thảy Real có 31 pha bắn phá về khung thành Malaga nhưng họ vẫn không thể giành 3 điểm dù đối thủ chỉ còn chơi với 10 người kể từ phút 77. Một lần nữa thực tế khắc nghiệt: 11 người chưa chắc bắt nạt được 10 người dù vượt trội trên mọi khía cạnh, lại được minh chứng. Tất nhiên ở đây cũng phải nhắc đến yếu tố may mắn cho Malaga, ví như thủ thành Kameni (lại là một người Cameroon) đã có một ngày thi đấu xuất thần.
Nhưng trước đó ít hôm, hẳn người ta còn nhớ HLV Arsene Wenger cũng than vãn về khó khăn mà đối thủ Newcastle phải chơi với 10 người từ đầu trận, gây ra cho Arsenal. Trận đó Arsenal chỉ giành chiến thắng sít sao nhờ bàn… phản lưới nhà của hậu vệ Coloccini, còn HLV Wenger nhận xét: “Luôn luôn rất khó khăn khi đối đầu với đối thủ chỉ còn 10 người ở trên sân của họ”. Phải! Nếu đặt sang một bên chuyện cán cân sức mạnh, thực lực của mỗi đội. Hẳn Wenger cũng cần phải nhờ rằng cũng với câu chuyện 10 chọi 11, chính Arsenal của ông từng khiến đối thủ nuốt hận ở một trong những màn lội ngược dòng hấp dẫn nhất lịch sử Premier League. Đó là vào 29/03/2008, khi bị chủ nhà Bolton dẫn trước tới 2-0 và chỉ còn 10 người do dính thẻ đỏ giữa hiệp 1 (Abou Diaby), “Pháo thủ” vẫn xuất sắc lội ngược dòng thắng lại 3-2. Thử hỏi, ngày đó ai cay mũi hơn?
LƯƠNG ANH
Kết quả thống kê của Adam Greenberg, người vừa tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế và Kinh tế lượng ở ĐH Nottingham đã nghiên cứu 1.520 trận đấu tại Premier League từ năm 2009 đến 2013 chỉ ra rằng: Những đội bóng bị đuổi người thường ghi bàn và giành điểm số ít đi so với điểm số trung bình họ giành được khi chơi đủ người.
1,69 điểm (Điểm số trung bình đội chủ nhà giành được khi chơi đủ đội hình, 11-chọi-11 kể từ mùa 2009/10 đến 2012/13)
2,05 điểm (Điểm số chủ nhà thường giành được khi đội khách bị đuổi người, tức nhiều hơn 0,36 điểm)
0,83 điểm (Điểm số trung bình đội chủ nhà giành được khi bị đuổi người, giảm tới 0,86 điểm so với mốc trung bình)