Trung Quốc và tham vọng vẽ lại bản đồ bóng đá thế giới

thứ tư 7-9-2016 12:13:30 +07:00 0 bình luận
Song song với chiến lược "vơ vét" ngôi sao bóng đá thế giới, Trung Quốc còn dần dần thâu tóm các CLB của những giải VĐQG hàng đầu châu Âu.

Trong những năm qua, Trung Quốc không chỉ vơ vét” các ngôi sao bóng đá của thế giới mà họ dần dần thâu tóm các CLB từ nhỏ đến lớn của những giải VĐQG hàng đầu châu Âu.

Tính riêng trong năm 2016, Trung Quốc đã mua lại cổ phần của 10 CLB lớn nhỏ của Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Một nửa trong số đó đổi chủ hoàn toàn khi bán lại 100% cổ phần cho những nhà đầu tư đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới. 

TQ
Sau các siêu sao đến từ châu Âu, Trung Quốc mua... CLB

 Đình đám nhất là thương vụ Sino chi 730 triệu euro mua lại đội bóng giàu truyền thống AC Milan của Ý hôm 5/8. Chưa đầy một tháng sau, đối thủ cùng thành phố Inter cũng rơi vào tay người Trung Quốc. Họ bán gần 70% cổ phần cho tập đoàn Suning với giá 270 triệu euro.

Chuyển sang Tây Ban Nha, nơi CĐV và các chủ tịch đã bắt đầu cởi mở hơn với những nhà tài phiệt ngoại quốc. Espanyol bán 45,1% cổ phần còn Atletico - nhà đương kim á quân châu Âu - dè dặt hơn khi chỉ để tập đoàn Wanda nắm 20% quyền sở hữu CLB. 

ảnh quoteTrong năm 2016, Trung Quốc đã mua cổ phần của 12 đội bóng ở ba nước Anh, Pháp, TBN và Ý. 5 trong số đó đồng ý nhượng lại cả CLB.

Nhưng ông chủ của Granada - CLB suýt xuống hạng mùa trước - tỏ ra quyết đoán và nhanh chóng “tặng” đội bóng này cho Desport chỉ với 37 triệu euro. 3 thương vụ trên ở La Liga đều diễn ra trong năm 2016.

Các CLB Premier League thì luôn háo hức miễn đối tác chiến lược có thật nhiều tiền. Nếu các tỷ phú Trung Quốc nhanh tay hơn người Nga, Mỹ hay Ả-rập, họ có thể thâu tóm Chelsea, Man Utd, Arsenal, Liverpool và Man City.

Cũng trong tháng 8, West Brom được bán đứt cho nhà tài phiệt Lai Guochan với giá 177 triệu euro. Trong khi hai đội bóng ở giải hạng Nhất, Aston Villa và Wolverhampton, trao toàn bộ số phận của mình cho người Trung Quốc. 

TQ
Milan và Inter, 2 đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Ý, đã là của người Trung Quốc

 Cuối năm ngoái, CMC-CITIC Capital bỏ ra 400 triệu euro để mua lại 13% cổ phần của Man City. Số tiền mà giới chuyên gia kinh tế nhận định tập đoàn tài chính này bị “hớ” quá nặng.

Đó là chưa kể những Sochaux, Auxerre và OGC Niza của Pháp. Chỉ có Bundesliga là Trung Quốc không thể đưa “chân rết” đến bởi luật lệ và truyền thống ở đây. 

ảnh quote1,78 tỷ euro là số tiền Trung Quốc bỏ ra để "xâm lược" châu Âu. Trong đó đáng kể nhất là thương vụ mua cổ phần Milan (760 triệu euro), Man City (400) và Inter (270). 

LĐBĐ Đức bắt các CLB Bundesliga phải tuân thủ quy định 50+1, tức thành viên của đội bóng (những cổ động viên có thẻ hội viên) phải được sở hữu tối thiểu 51% cổ phần. Một cá nhân không thể có hơn 49% cổ phần tại một đội bóng Đức.

Khi quyền định đoạt nằm trong tay, chẳng CĐV nào lại muốn CLB rơi vào tay những kẻ “ngoại đạo”. 

TQ
Trung Quốc muốn có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền bóng đá thế giới trong tương lai

 Trong 4 năm trở lại đây, Trung Quốc đã bỏ ra gần 2 tỷ euro để "xâm lược" châu Âu. Giờ đây đối với các CLB từ nhỏ đến lớn khi muốn đổi chủ, nếu vấn đề chỉ là tiền bạc, Trung Quốc sẽ là ứng cử viên nặng ký không thua kém những ông trùm dầu hỏa hay bất động sản từ Trung Đông và Mỹ.

Sau khi dùng tiền mua cổ phần hay thâu tóm lại một CLB ở “Lục địa Già”, các ông chủ Trung Quốc luôn cho xây học viện mang tên CLB đó ở quê nhà. 6 năm gần đây, họ đã 4 lần mang được trận Siêu cúp Ý đến Bắc Kinh (2009, 2011, 2012) và Thượng Hải (2015). Trong mùa Hè, Real Madrid, Chelsea, Man Utd và rất nhiều CLB đình đám khác của châu Âu nối tiếp nhau đến Trung Quốc du đấu.

Tham vọng của Trung Quốc rất rõ ràng. Họ muốn trở thành một phần quan trọng của bóng đá châu Âu cũng như thế giới ở bất cứ khía cạnh nào.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm