Các trọng tài đã được phân công nhiệm vụ như thế nào khi từ Premier League đến La Liga, Serie A, đội ngũ "cầm cân nảy mực" này đang là vấn đề gây tranh cãi?
Cuộc đua vô địch tại La Liga có thể được quyết định bởi trọng tài. Không ít người hâm mộ đã có ý nghĩ ấy khi chứng kiến cuộc chiến căng thẳng giữa Real Madrid và Barcelona liên quan đến công tác trọng tài.
Mức độ tranh cãi ở giải đấu hàng đầu Tây Ban Nha đã tăng cực điểm và trọng tâm được đặt vào trận đấu giữa Real Madrid và Villarreal hồi cuối tuần qua mà quả phạt đền gây tranh cãi góp phần đem về 3 điểm trọn vẹn cho đội bóng áo trắng.
Khi mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, Barcelona quyết định phá vỡ sự im lặng bằng cách sử dụng mạng xã hội để tấn công trọng tài. Quan điểm được đưa ra là các trọng tài đang ủng hộ Real Madrid và Blaugrana sẽ không chịu đứng yên. Barcelona không nói suông, họ sử dụng 4 phương tiện truyền thông để bảo vệ cuộc chiến của mình.
Chiến dịch tố cáo trọng tài thiên vị Real Madrid và xử ép Barcelona đã được các báo thân Barca thực hiện với tần suất lớn với những bằng chứng rõ ràng. Thậm chí, họ còn đưa ra giả thuyết rằng, nếu không có những sai lầm của đội ngũ “cầm cân nảy mực”, Barcelona bây giờ bỏ xa Real Madrid trên bảng xếp hạng về điểm số.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao một đội bóng lớn, có tầm ảnh hưởng như Barcelona lại thua thiệt so với Real Madrid về các quyết định của trọng tài?
Ủy ban kỹ thuật Trọng tài là một tổ chức trực thuộc Liên đoàn bóng đá Hoàng gia Tây Ban Nha (RFEF), chịu trách nhiệm cho các hoạt động và tổ chức của trọng tài người Tây Ban Nha, chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm trọng tài cho các trận đấu.
Theo quy chế của Ủy ban kỹ thuật Trọng tài, việc phân công các trọng tài điều khiến trận đấu không bị giới hạn bởi những thách thức, điều kiện. Trọng tài có thể không tránh khỏi việc được chỉ định các trận đấu được đặt trong dấu hỏi, trừ khi có những lý do thuyết phục để Ủy ban kỹ thuật Trọng tài cân nhắc ở một số trường hợp.
Trong khi Barcelona nằm trong xứ Catalan đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha thì Real Madrid lại là đội bóng hoàng gia thuộc Liên đoàn bóng đá Hoàng gia Tây Ban Nha nên được coi như một đứa con cưng. Vì thế, không có gì lạ khi Real Madrid được trọng tài ưu ái mà nó đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” suốt nhiều năm qua.
Video: Quả phạt đền gây tranh cãi ở trận Villarreal - Real Madrid
Trong khi đó, tại Anh, căng thẳng giữa CLB và trọng tài tuy không liên quan đến cuộc đua giành chức vô địch nhưng cũng làm dậy sóng liên quan đến “ông vua áo đen” nổi tiếng nhất xứ sương mù. Sự kiện trọng tài số một Mark Clattenburg bỏ Premier League sang Saudi Arabia khiến cho cuộc khủng hoảng trọng tài của bóng đá Anh thêm tồi tệ.
Kể từ khi ra đời vào năm 2001, Hiệp hội các trọng tài chuyên nghiệp của Anh (PGMOL) chịu trách nhiệm điều hành tất cả các trận tại Premier League, FA Cup, League Cup.
PGMOL cũng có trách nhiệm đào tạo, phát triển và tư vấn đối với 109 trọng tài và 206 trợ lý, đứng đầu là Mike Riley (một cựu trọng tài PGMOL) và một đội ngũ quản lý, huấn luyện viên.
PGMOL gồm 18 quan chức cao cấp nhất làm việc trong ban Select Group. Từ đầu mùa giải 2016/17, ban này đã lựa chọn 27 trọng tài làm nhiệm vụ điều hành tất cả các trận đấu tại Premier League.
Tuy nhiên, bất cập đã nảy sinh trong PGMOL khi “ông trùm” Mike Riley thao túng tổ chức này khiến những trọng tài nổi tiếng như Howard Webb, Mark Clattenburg bất mãn.
Trước Clattenburg, Howard Webb và Mark Halsey đều thôi việc rất sớm và mọi người phải đặt câu hỏi rằng tại sao lại như vậy. Theo cựu trọng tài người Anh Keith Hackett, Clattenburg quyết định rời Premier League là do ít được sự ủng hộ từ PGMOL.
Khi Clattenburg dính vào scandal gọi John Obi Mikel là “đồ con khỉ” và Juan Mata là “đồ Tây Ban Nha” vào năm 2012, ông không nhận được sự ủng hộ của cơ quan này. Đấy là lý do mà Clattenburg càng ngày càng mất niềm tin vào PGMOL.
Video: Clattenburg liên quan đến scandal với Mikel và Mata năm 2012
Nếu như tại Tây Ban Nha, tranh cãi về trọng tài thường là chuyện nội bộ giữa Real Madrid và Barcelona, thì ở Italia, nó luôn liên quan đến cái tên Juventus.
Hồi ức về scandal trọng tài trong trận Inter - Juventus năm 1998 lại ùa về khi một kịch bản tương tự vừa xảy ra ở trận Juventus - Napoli thuộc lượt đi vòng bán kết Coppa Italia. Napoli đã bị từ chối quả phạt đền và ngay sau đó Juventus phản công để nhận được… một quả phạt đền.
Sau vụ Calciopoli, thế lực đen trọng tài không còn đứng sau Juventus, nhưng rõ ràng, tầm ảnh hưởng của “Lão bà” đủ lớn để nhận được sự ưu ái của đội ngũ “cầm cân nảy mực”.
Ở Hiệp hội Trọng tài Italia (AIA), một thành viên của Liên đoàn bóng đá Italia, luôn tồn tại mối nghi ngờ về việc người đứng đầu tổ chức này là người thân Juventus. Đấy là lý do mà từng xảy ra tranh cãi trong việc bổ nhiệm “sếp” của Hội đồng Trọng tài Serie A (CAN).
Hội đồng Trọng tài Serie A có trách nhiệm chỉ định trọng tài và trợ lý cho các các trận đấu tại Serie A và Coppa Italia. Từ tháng 4/2014 đến nay, cựu trọng tài Domenico Messina đã đảm nhiệm người đứng đầu CAN phụ trách trọng tài cho Serie A. Messina chính là người từng bị điều tra trong vụ Calciopoli nhưng sau đó được tha bổng.