Sự quá tải về mặt giác quan
Những ánh đèn rực rỡ, âm thanh ầm ĩ, khung cảnh náo nhiệt…những sự kiện thể thao lớn luôn kích thích sự hưng phấn ở mỗi người. Thế nhưng, với một số CĐV, sự quá tải về mặt giác quan lại là ác mộng của họ. Theo Joanne Lake, cô nhận được nhiều lời khuyên trên mạng xã hội rằng, nếu họ không thể, họ không nên tới sân cổ vũ bóng đá. Tuy vậy thì Lake cũng tự hỏi rằng, “Tại sao những đứa trẻ tự kỷ lại không thể theo dõi bóng đá? Có gì khác biệt với họ?”
Vấn đề là cậu con trai của Lake, Edward, được chẩn đoán tự kỷ năm nó lên 3 tuổi. Điều đáng nói là Edward sinh ra trong một gia đình đam mê bóng đá. Cha cậu, Paul Lake, từng thi đấu cho Man City và được đánh giá là một trong những tài năng triển vọng nhất của bóng đá Anh trước lúc chấn thương khiến ông buộc phải kết thúc sự nghiệp trong thập niên 90.
Cũng vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi bóng đá là niềm đam mê của Edward, từ việc theo dõi các trận đấu cho đến việc ghi nhớ các thống kê. Tuy nhiên, đến các SVĐ lớn lại là rắc rối lớn cho Edward, cũng như nhiều người mắc bệnh tự kỷ.
Thống kê cho thấy ở Anh có khoảng 700.000 người mắc bệnh tự kỷ, trong khi con số này ở Mỹ là 1/68 trẻ. Theo Joanne Lake cho biết, ban đầu, con trai cô cũng gặp rắc rối với âm thanh. Mặc dù đã đeo tai nghe để hạn chế âm thanh, đôi lúc cô buộc phải đưa cậu bé ra ngoài để nó bình tĩnh trở lại. Dần dần, Edward nhận biết được vấn đề và rồi cậu bé đến sân mà không cần tai nghe nữa.
Thay vào đó, cậu bé giờ phải làm quen với kích thích thị giác như đèn chiếu, ánh sáng, sự náo nhiệt của SVĐ…Thật may cho Edward là mẹ cậu sẵn sàng làm tất cả vì cậu. Thậm chí, cô còn kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho những người không gặp may như gia đình cô.
Theo tổ chức National Autistic Society (NAS) của Anh, bệnh tự kỷ ảnh hưởng đến giao tiếp và mối quan hệ của người bệnh với những người xung quanh. Vì thế, kết quả thăm dò năm 2014 của NAS với những cá nhân, gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh tự kỷ cho thấy, 43% những người không tham gia thể thao đều cho rằng, những khó khăn về mặt cảm xúc như âm thanh, tầm nhìn và mùi vị là lý do chính. “Một người mắc bệnh tự kỷ quá nhạy cảm với âm thanh. Điều này có thể khiến họ lo lắng và thậm chí là đau đớn về mặt thể xác,” bà Amy Webster của NAS cho biết. “Những vấn đề này khiến họ gặp khó khăn trong môi trường thể thao và ở một số trường hợp là ngăn cản họ tham gia. Chẳng hạn như một số người mắc bệnh tự kỷ ngửi thấy mùi chlorine trong bể bơi sẽ không bơi, số khác thì không mặc áo tập chỉ bởi vì họ cảm thấy chất liệu có thể làm họ đau đớn.”
Những ích lợi của các hoạt động thể thao
Cũng vì thế mà NAS có chương trình Active for Autism, nơi các HLV hiểu rất rõ căn bệnh tự kỷ có thể giúp người tập khắc phục vấn đề bằng các phương pháp và bài tập đặc biệt. Thông điệp mà NAS muốn gửi đến là người mắc bệnh tự kỷ nên được tham gia và hưởng những ích lợi của các hoạt động thể thao.
Còn theo chuyên gia bệnh tự kỷ Anna Kennedy, các CLB bóng đá cũng nên chung tay nhằm giúp đỡ trẻ mắc bệnh tự kỷ và gia đình của chúng. Bản thân Kennedy có hai cậu con trai đều mắc bệnh tự kỷ là Patrick và Angelo. Bà đã phải thế chấp căn nhà của mình để thành lập một trường học đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ ở London sau khi Patrick và Angelo bị từ chối.
Và Kennedy cũng nhớ rất rõ cái cảnh bà buộc phải rời sân Wembley chỉ sau 15 phút vì con trai bà không chịu được tình trạng cảm xúc quá tải. Kể từ đó, bà đã làm việc với hai CLB là West Ham và Sunderland nhằm tìm ra giải pháp giúp trẻ em tự kỷ được tận hưởng niềm vui xem bóng đá như những người bình thường. Chẳng hạn như West Ham đang cân nhắc kế hoạch dành riêng một khu vực thích hợp cho trẻ em và người mắc bệnh tự kỷ cổ vũ, trong khi Sunderland cũng xem xét tới các lựa chọn khác. "Một khu vực yên tĩnh hơn ở trong sân sẽ giúp trẻ em và các gia đình được tận hưởng không khí của trận đấu, được cổ vũ cho những đội bóng mà họ yêu thích," Kennedy nói. "Theo tôi thì điều này là không quá khó."
Còn Joanne Lake cho biết, trước mùa giải 2015/16, cô đã viết thư cho CLB Man City để hỏi xem họ có thể sắp xếp một khu vực thích hợp tại sân Etihad hay không. Dù sao thì Man City cũng là một trong số ít các CLB ở Anh thực sự quan tâm đến mọi đề xuất của CĐV. Trước đây, họ đã chào đón Edward và để cậu bé được các cầu thủ dẫn ra sân trước giờ bóng lăn.
Tuy vậy để có được cảm giác đó, Edward đã phải vượt qua nhiều khó khăn để thích nghi dần, chưa kể cậu bé cũng rất thông minh khi nhớ được nhiều con số thống kê. Ngoài ra, Edward còn phải đối mặt với một trong những rào cản lớn ở người mắc bệnh tự kỷ là nỗi sợ thất bại. Theo Lake tiết lộ, cậu bé đã trải qua cảm giác này ở trận chung kết FA Cup năm 2013 khi Man City, đội bóng mà cậu yêu thích, gặp Wigan. Trên giấy tờ thì Man City mạnh hơn rất nhiều nhưng cuối cùng, Wigan đã ghi bàn vào phút bù giờ và bất ngờ giành chức vô địch.
Giờ thì Edward đã có thể đến sân nhưng cũng chính cảm giác sợ thua khiến cậu bé không muốn đá bóng và chuyển sang tập bóng rổ. Mỉa mai ở chỗ là trong khi Man City gặp rất nhiều khó khăn ở mùa giải năm nay thì Edward ngày càng tiến bộ hơn. Chẳng hạn như cậu không còn phải đeo tai nghe khi vào sân nữa hay học được cách thích nghi với không khí xung quanh.
Nói như Joanne Lake thì “bóng đá dành cho tất cả, tại sao những người mắc bệnh tự kỷ lại khác chứ?”