Từ câu chuyện cổ tích của Leicester City tại Premier League, màn trình diễn kỳ diệu của ĐT xứ Wales ở VCK EURO 2016 cho đến sự trở lại của sơ đồ 3 trung vệ… tất cả đều góp phần tạo nên những xu hướng chiến thuật bóng đá mới trong năm 2016.
Sự trở lại của sơ đồ 4-4-2
Thành công của Leicester City với chức vô địch Premier League 2015/16 chính là minh chứng tiêu biểu nhất cho sự trở lại vô cùng mỹ mãn của sơ đồ chiến thuật 4-4-2, một hệ thống tưởng chừng như đã trở nên lỗi thời trong bóng đá hiện đại.
Đích thân HLV Claudio Ranieri, vị kiến trúc sư vừa mang đến thành công cho đội bóng chủ sân King Power đã chia sẻ rằng ý tưởng ban đầu của mình với sơ đồ 4-4-2 là để nhằm mục đích kết hợp giữa văn hóa truyền trống bóng đá Anh cùng nền tảng chiến thuật vững chắc của người Italia. Hoặc hiểu một cách đơn giản hơn nữa, chính là việc xây dựng lối chơi phòng ngự-phản công thông qua những cầu thủ giàu năng lượng, bền bỉ và tốc độ.
Dễ dàng nhận thấy rằng, Leicester không hề sở hữu những ngôi sao chất lượng hàng đầu Premier League. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đội bóng của Ranieri không thể chơi kiểm soát bóng một cách linh hoạt và ổn định như nhiều "đại gia" khác.
Lợi thế duy nhất mà họ sở hữu chỉ là những cầu thủ luôn làm việc chăm chỉ, bền bỉ và sẵn sàng chiến đấu đến cùng. Chính bởi vậy, thay vì cố gắng theo đuổi một lối chơi tấn công trong hoàn cảnh thiếu thốn những điều kiện cơ bản, Leicester đành phải chấp nhận lấy phòng ngự làm nền tảng.
Liên tục chơi lùi sâu và chấp nhận “hấp thụ” những cuộc tấn công cho đến khi đối phương để mất bóng. Để rồi, chỉ cần vài đường chuyền trực tiếp lên phía trên, tất nhiên là phải kết hợp với tốc độ khủng khiếp của những mắt xích thiết yếu như Jamie Vardy hay Riyad Mahrez, thầy trò HLV Ranieri đã tìm kiếm được bàn thắng. Một công thức chiến thắng thực sự đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều tính nhẫn nãi hơn bao giờ hết.
Một trong những ví dụ điển hình nhất, chính là bàn thắng của Vardy ở trận thắng 3-0 trước Man City.
Điều thú vị là không chỉ Leicester City mà còn khá nhiều đội bóng khác ở châu Âu cũng đang có xu hướng trở lại với sơ đồ 4-4-2, hoặc ít nhất là tìm cách xây dựng lối chơi thông qua một hệ thống bản lề tương tự, đơn cử như Arsenal chẳng hạn.
Sau khi chứng kiến Vardy tỏa sáng và trở thành nguồn cảm hứng giúp Leicester đăng quang tại Premier League, ban lãnh đạo Pháo thủ đã quyết định lên kế hoạch chiêu mộ tiền đạo người Anh về sân Emirates. Tuy nhiên, thái độ chần chờ giống như mọi năm vẫn là nguyên nhân khiến cho đội bóng thành London thất bại trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè. Cuối cùng, HLV Arsene Wenger đành phải chấp nhận sử dụng kế hoạch B, đó là đưa Alexis Sanchez lên chơi như một mũi nhọn cao nhất trên hàng công.
Cần phải nhấn mạnh rằng, cả Leicester lẫn Arsenal đều không áp dụng sơ đồ 4-4-2 theo kiểu... truyền thống. Trên thực tế, cách thức thể hiện sơ đồ cũng chỉ mang tính tương đối. Thay vào đó, sự vận hành linh hoạt mới chính là chìa khóa quyết định để đạt được hiệu quả cuối cùng. Vì sao Riyad Mahrez có thể chơi tự do mà không phải tham gia phòng ngự quá nhiều? Shinji Okazaki và hậu vệ phải Danny Simpson đã thay ngôi sao người Algeria làm việc đó.
Tương tự, đối với Arsenal, khi mà “số 9 ảo” Sanchez có thừa nền tảng thể lực để tham gia vào quá trình tranh cướp bóng ngay bên phần sân đối phương, đồng nghĩa rằng Oezil sẽ được tự do hơn để tập trung vào nhiệm vụ sáng tạo.
Giới chuyên môn cũng bắt đầu đưa ra những phân tích về sơ đồ hiện tại của Pháo thủ có nhiều nét tương đồng với đội hình bất bại ở mùa giải 2003/04, khi mà CLB thành London đoạt được chức vô địch Premier League gần nhất.
Vào thời điểm ấy, Arsenal có thể ra sân dưới sơ đồ chiến thuật 4-4-2 hoặc 4-2-3-1 đều được, tuy nhiên họ chẳng bao giờ vận hành lối chơi một cách cứng nhắc như vậy. Xét trên một phương diện nào đó, Sanchez cũng khá giống với Henry trong quá khứ, Oezil thì đang chơi ở vị trí của Bergkamp trước đây, Walcott thi đấu gần như Ljungberg…
Ở đấu trường châu lục, sơ đồ 4-4-2 có thể không quá phổ biến nhưng cũng chứng kiến nhiều đổi thay thú vị. Tại kỳ EURO 2016 vừa qua, “hiện tượng” Iceland đã loại ĐT Anh khỏi vòng 1/8 bằng chính lối chơi "kick and rush" (chạy và sút) cũng như sơ đồ chiến thuật truyền thống 4-4-2 của người Ăng-lê. Hay như ĐT Bồ Đào Nha chẳng hạn, với cặp tiền đạo kỳ lạ Ronaldo - Nani, đều xuất thân từ những cầu thủ chạy cánh, đội bóng của HLV Fernando Santos đã lần đầu tiên giành được chức vô địch châu Âu bằng một lối chơi hết sức nhạt nhòa.
Thậm chí, cả hai CLB lọt vào chung kết Champions League mùa trước cũng có xu hướng sử dụng sơ đồ 4-4-2 tùy theo từng điều kiện và hoàn cảnh phù hợp. Về phần Atletico dưới triều đại Diego Simeone, đây vốn là một công thức bản lề đã được duy trì thường xuyên trong nhiều năm qua. Thế nhưng, ngay cả với Real Madrid, mỗi khi rơi vào tình cảnh thiếu vắng một trong ba mắt xích BBC (Bale-Benzema-Ronaldo) trên tuyến đầu, Zidane vẫn thường cân nhắc chuyển sang vận hành đội hình 4-4-2.
Sơ đồ 3 trung vệ trở thành… thời thượng
Không khó để nhận thấy, Antonio Conte chính là vị chiến lược gia điển hình nhất trong việc sử dụng sơ đồ 3 trung vệ. Từ thời còn dẫn dắt Juventus cho đến khi làm việc cùng ĐT Italia tại VCK EURO 2016 vừa rồi, nhà cầm quân 47 tuổi luôn mang đến những bất ngờ về mặt chiến thuật dành cho giới mộ điệu.
Thật đáng tiếc là sau những chiến thắng vang dội trước Bỉ và Tây Ban Nha, người Ý đã không thể vượt qua ĐT Đức trên chấm luân lưu định mệnh và phải nói lời dừng bước tại vòng tứ kết EURO 2016. Dẫu vậy thì vào thời điểm hiện tại, Conte vẫn đang tiếp tục lý tưởng hóa con đường riêng của mình, khi mà hệ thống 3-4-2-1 (đôi lúc là 3-4-3) do ông xây dựng ở Chelsea liên tiếp giành được những thành công vang dội.
Mặc dù vậy, một trong những “hiện tượng” lớn nhất phải kể đến khi nhắc về sơ đồ 3 trung vệ chính là ĐT xứ Wales của HLV Chris Coleman. Cũng tại kỳ EURO mùa Hè vừa rồi, đội bóng thuộc vương quốc Anh đã khiến cả châu Âu phải kinh ngạc bằng một lối chơi giàu năng lượng và hiệu quả khó lường dưới hệ thống 3-4-2-1. Từ Gareth Bale hoạt động như một mắt xích tự do trên hàng công cho đến Aaron Ramsey hoạt động như một box-to-box (tiền vệ con thoi) làm nhiệm vụ kết nối phía sau, thầy trò Coleman đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên lọt vào tới bán kết.
Thời điểm hiện tại, Man City dưới thời Pep Guardiola cũng đang cố gắng xây dựng hệ thống 3 trung vệ để vận hành lối đá kiểm soát bóng. Tuy nhiên, những kết quả nghèo nàn tại Premier League đã phần nào cho thấy những ý tưởng của nhà cầm quân người Tây Ban Nha, hoặc ít nhất là trên phương diện nhân sự của The Citizens, đang thực sự gặp vấn đề.
West Ham hay Watford là những đội bóng khác chủ động áp dụng sơ đồ 3 trung vệ ở mùa giải năm nay. Mặc dù vậy, do khả năng hạn chế của các cầu thủ trong đội hình, việc họ không thể thu được thành công như dự kiến cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Dẫu sao thì một hệ thống chiến thuật phức tạp như đội hình 3 hậu vệ cũng cần phải đòi hỏi nhiều hơn các yếu tố tiên quyết, từ chất lượng con người cho đến cách thức vận hành phù hợp.