Thuốc giảm đau - Kẻ thù giấu mặt của cầu thủ nhà nghề

chủ nhật 17-7-2016 14:40:48 +07:00 0 bình luận
Nghề nào đều có giá của nó, kể cả bóng đá với mặt trái là yêu cầu duy trì phong độ buộc cầu thủ chuyên nghiệp phải lạm dụng thuốc, bất chấp nội tạng bị tàn phá.

Nghề nào đều có giá của nó, kể cả bóng đá với mặt trái là yêu cầu duy trì phong độ buộc cầu thủ chuyên nghiệp phải lạm dụng thuốc, bất chấp nội tạng bị tàn phá.

Daniel Agger treo giày ở tuổi 31

Cựu tuyển thủ Đan Mạch Daniel Agger vừa phải tuyên bố giải nghệ hồi cuối tuần trước, dù mới 31 tuổi!

Thời đỉnh cao phong độ, Daniel Agger được xem như trụ cột ở hàng thủ Liverpool với khả năng hỗ trợ tấn công tốt, nhưng những chấn thương lắt nhắt đã buộc anh phải rời sân Anfield.

Sau 2 mùa bóng ở Brondby (Đan Mạch), Daniel Agger rốt cuộc không còn chịu nổi cảnh phải dùng thuốc giảm đau đều đặn để đảm bảo thể lực thi đấu.

Daniel Agger
Daniel Agger

“Trong suốt sự nghiệp, tôi đã dùng quá nhiều thuốc giảm đau. Tôi biết điều đó chẳng hay ho gì, nên hôm nay mới quyết định dừng lại”, Daniel Agger tâm sự như vậy trên The Sun.

Agger tiết lộ, anh buộc phải đi đến quyết định treo giày sau sự cố nhầm lẫn thuốc trị viêm khớp với càphê, cũng như thú nhận chẳng còn nhớ diễn biến của hiệp 1 trận đấu với FC Copenhagen.

“Tôi phải chấm dứt hành trình của mình”, cựu trung vệ Liverpool gián tiếp thừa nhận anh hiện không thể thi đấu đỉnh cao mà chẳng cần sự trợ giúp của thuốc giảm đau.

Tâm sự của Stefan Kiessling và Moritz Volz

Daniel Agger chẳng phải cầu thủ nhà nghề duy nhất chịu những cơn đau kéo dài dai dẳng. “Ngày nào mà tôi chẳng đau”, Stefan Kiessling – chân sút hàng đầu của Leverkusen cùng chung cảnh ngộ.

Trong cuộc phỏng vấn với Bild Zeitung mới đây, tiền đạo người Đức cho biết: “Bất cứ ai quen biết tôi đều có thể khẳng định rằng ngay bây giờ, tôi không thể đạt được tốc độ cao nhất”.

Nguyên nhân là do thường thi đấu rất xông xáo, “The Kiess” dễ dàng trở thành mục tiêu để đối phương tắc bóng nên mũi nhọn 32 tuổi này thuộc nhóm cầu thủ bị phạm lỗi nhiều nhất tại Bundesliga mùa qua.

Stefan Kiessling
Stefan Kiessling

Bằng chứng là dù không thường xuyên thi đấu trong giai đoạn đầu mùa 2015/16, Stefan Kiessling vẫn tham gia vào 822 pha tranh chấp. Chỉ có 4 đồng nghiệp tại Bundesliga có số lần va chạm nhiều hơn chân sút của Leverkusen, theo thống kê của hãng Deltatre.

Nhưng đối với giới “quần đùi, áo số” hiện nay, phải chịu những cơn đau dằn vặt như Stefan Kiessling và Daniel Agger không còn là chuyện lạ.

Trong quyển sách “Unser Mann in London” của Moritz Volz, cựu hậu vệ Arsenal khẳng định hầu hết cầu thủ đều luôn cảm thấy đau nhức trong suốt mùa bóng.

Hiện 33 tuổi và khoác áo 1860 Munich, Moritz Volz tiết lộ lần hiếm hoi trong mùa bóng mà anh không cảm thấy đau nhức là khi sắp bình phục sau một chấn thương nghiêm trọng và giai đoạn điều trị sắp chấm dứt.

Trong quãng thời gian khác của mùa bóng, anh luôn phải cố gắng chịu đựng những cơn đau.

Không được nghỉ, phải dùng thuốc giảm đau

Những câu chuyện của Stefan Kiessling, Moritz Volz và Daniel Agger chứng tỏ yêu cầu về thể lực ngày càng cao ở cầu thủ nhà nghề, nhưng chuyện đó không mới, vì ngày nay, các cầu thủ phải thi đấu mỗi tuần 2 trận là chuyện quá bình thường.

Trong hoàn cảnh như vậy, nghỉ ngơi có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng đấy lại là một nhu cầu quá xa xỉ với giới cầu thủ.

Họ buộc phải làm quen với cuộc sống mà trên người lúc nào cũng có những vết bầm tím, hoặc những chấn thương vặt vãnh nhưng gây đau nhức thường xuyên.

Moritz Volz thời khoác áo Fulham
Moritz Volz thời khoác áo Fulham

Tình cảnh ấy khiến các cầu thủ phải cầu cứu tới thuốc giảm đau để đảm bảo thể hiện được phong độ tốt nhất.

Từng làm chuyên gia thể lực cho Schalke, Thorsten Rarreck khẳng định với tờ báo Đức Handelsblatt về việc có tới 2/3 cầu thủ ở Bundesliga đang dùng thuốc giảm đau như... ăn cơm.

Các loại thuốc giảm đau phổ biến là Ibuprofen và Diclofenac do không nằm trong danh mục cấm của WADA, và nếu cẩn thận hơn thì cầu thủ tránh sử dụng trước thời điểm bị kiểm tra chất kích thích.

Dùng thuốc giảm đau như trị bệnh bằng thạch tín

Tuy nhiên, Ibuprofen, Diclofenac hoặc các thuốc giảm đau khác đều có tác dụng phụ. Chí ít là nếu dùng trong thời gian dài, nội tạng có nguy cơ bị phá hủy.

Vì thế, những ai tin rằng giới cầu thủ thường có sức khỏe tốt hơn người bình thường thì đấy là sự ngộ nhận nghiêm trọng. Đúng là các cầu thủ hiện có những chế độ ăn kiêng riêng biệt, nhưng việc dùng thuốc giảm đau chẳng có lợi cho sức khỏe chút nào.

Cũng theo Thorsten Rarreck, nguyên nhân phần nào còn do cơ thể có khả năng tự điều trị cơn đau, nên việc dùng thuốc giảm đau không khác gì việc “cưỡng bức” cơ thể vận hành quá tải.

Müller-Wohlfahrt
Müller-Wohlfahrt

Hậu quả là trong thể thao hiện đại, điều trị và dùng thuốc đang trở thành hai khái niệm khác nhau!

Thorsten Rarreck giải thích: “Hãy hình dung cảnh chúng ta dùng ngón tay chọc mạnh vào cái búa. Thay vì dừng lại để tránh đau, chúng ta dùng thuốc giảm đau để tiếp tục chọc tay vào cái búa. Hành động ấy không chỉ ngớ ngẩn, mà còn nguy hiểm”. 

Dùng thuốc chưa đủ thì tiêm

Thế nhưng, thỉnh thoảng các cầu thủ dùng thuốc giảm đau vẫn chưa giải quyết được vấn đề.

Stefan Kiessling từng phải nhờ bác sĩ Müller-Wohlfahrt tiêm cho vài mũi vào lưng và hông. Mục đích của ngôi sao này là có 3-4 tháng mất hẳn cảm giác đau để chơi bóng với phong độ tốt nhất.

Đấy cũng là tâm lý chung của các cầu thủ nhà nghề, khiến hiện tượng tiêm thuốc giảm đau ngày càng phổ biến.

Đặc biệt khi bước vào giai đoạn then chốt của mùa bóng, các cầu thủ đều sẵn sàng mạo hiểm tiêm thuốc như Cristiano Ronaldo từng làm không ít lần.

Marijana Kovacevic
Marijana Kovacevic

Bởi lẽ, đội bóng rất cần phong độ đỉnh cao của họ ở những giai đoạn đó, khi chỉ cần 1-2 bàn thắng là đủ để tạo ra sự khác biệt giữa dự Champions League với Europa League, hay trụ hạng hoặc rớt hạng.

Trong bối cảnh đó, tiêm chất Actovegin của bác sĩ Müller-Wohlfahrt hay dùng nhau thai ngựa của bác sĩ Marijana Kovacevic ở Belgrade đều trở thành chọn lựa ưu tiên của giới cầu thủ chuyên nghiệp.

Ngặt nỗi, những phương pháp điều trị kể trên đều chưa được kiểm chứng hoàn hảo, bao gồm cả giải pháp tiêm cortisone – một loại hoócmôn có tác dụng chống viêm và dị ứng.

Nói cách khác, giới bóng đá cần xem việc dùng thuốc giảm đau chỉ là giải pháp ngắn hạn và cần tìm ra biện pháp lâu dài nhằm tránh những hiệu ứng phụ ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của VĐV.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm