Đó là một ngày giữa tháng Sáu ở thành phố Rotterdam (Hà Lan), nơi trận đấu cuối cùng tại bảng A thuộc VCK EURO 2000 giữa Bồ Đào Nha và Đức diễn ra.
Trong bầu không khí cuồng nhiệt trên SVĐ Feijenoord Stadion, những người Đức đang chiếm ưu thế hoàn toàn trước đại diện đến từ bán đảo Iberia. Nhưng rồi, mọi thứ dần trở nên vô nghĩa đối với nhà ĐKVĐ châu Âu khi bên phía Bồ Đào Nha xuất hiện một “kẻ phá bĩnh kỳ lạ”. Không ai khác, đó chính là Sergio Conceicao, một trong những chân chạy cánh xuất sắc nhất của bóng đá thế giới vào giai đoạn cuối thế kỷ XX, một kẻ được người đời nhớ đến với cú hat-trick “huyền thoại” vào lưới ĐT Đức tại EURO năm 2000.
Mặc dù vậy, thật đáng tiếc là con đường sự nghiệp của cầu thủ này lại chẳng khác nào một "ngôi sao băng", sớm vụt sáng rồi vụt tắt trong những nỗi nuối tiếc đầy khó hiểu.
CHO NHỮNG NGÀY THANH XUÂN RỰC CHÁY TRÊN ĐẤT Ý
Mùa Hè năm 1998, sau khi giành được hai chức VĐQG Bồ Đào Nha liên tiếp cùng Porto, cái tên Sergio Conceicao bắt đầu thu hút sự chú ý của cả châu Âu.
Rất nhanh chóng, chàng trai đến từ vùng Baixo Mondego (miền Trung BĐN) lọt vào tầm ngắm của Ban lãnh đạo Lazio, nơi vị chủ tịch “khét tiếng” Cragnotti đang tiến hành một cuộc cách mạng nhân sự toàn diện CLB chủ sân Olimpico, với những bản hợp đồng hết sức đình đám như Marcelo Salas, Alen Boskic, Christian Vieri, Ivan de la Pena, Dejan Stankovic hay Pavel Nedved…
Chẳng cần mất quá nhiều thời gian đàm phán với Porto, cái tên Sergio Conceicao trong phút chốc đã trở thành một phần của dàn tinh tú đang hiện diện ở đội bóng thủ đô Rome.
Bất chấp sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các ngôi sao trong đội hình, thế nhưng Conceicao vẫn được xem là sự lựa chọn hàng đầu dành cho vị trí hành lang cánh phải của Lazio.
Dưới sơ đồ 4-4-2 cổ điển mà HLV Sven Goran Eriksson thường xuyên sử dụng, tiền vệ người Bồ Đào Nha cùng với Pavel Nedved chính là hai “hạt nhân” giữ vai trò hết sức quan trọng giúp Biancocelesti tạo ra yếu tố đột biến đáng kể trong lối chơi từ hai biên. Thậm chí, phong độ xuất sắc của Conceidao còn khiến rất nhiều tên tuổi lớn khác bên phía Lazio phải chấp nhận trở thành “người thừa” tại sân Olimpico, tiêu biểu như De la Pena hay Stankovic chẳng hạn.
Mùa giải 1998/1999, Sergio Conceicao đóng góp 6 bàn thắng trên mọi đấu trường (5 bàn ở Serie A), giúp đội quân của HLV Eriksson về nhì trong cuộc đua giành Scudetto với AC Milan.
Tuy nhiên, ở mặt trận châu lục, các Laziale đã được sống trong niềm hạnh phúc vô bờ sau khi chứng kiến đội bóng thủ đô Roma đoạt được chiếc cúp C2 cuối cùng trong lịch sử với chiến thắng 2-1 trước Mallorca.
Bản thân Conceicao, chính là hình mẫu của một chuyên gia chạy cánh điển hình vào thời điểm bấy giờ với khả năng xuyên phá cực kỳ mạnh mẽ dựa vào tốc độ cũng như nền tảng kỹ thuật cá nhân khéo léo. Không quá rườm rà nhưng cũng không phải mẫu tiền vệ chơi đơn giản, ngôi sao của Lazio khi ấy giống như một phiên bản nâng cấp của Luis Nani hay Ricardo Quaresma, vừa tinh tế vừa hiệu quả và đặc biệt phù hợp trong sơ đồ 4-4-2 vẫn còn đang thịnh hành trên toàn châu Âu.
Video: Những bàn thắng của Conceicao ghi cho Lazio
Chỉ đúng một năm sau đó, thế hệ tài năng của Lazio dưới thời Chủ tịch Cragnotti lại tiếp tục viết nên một câu chuyện lịch sử khác với chức vô địch Serie A mùa bóng 1999/2000 đồng thời đăng quang luôn cả danh hiệu Coppa Italia. Về phần Conceicao, mặc dù không ghi được nhiều bàn thắng như ở mùa trước (4 bàn trên mọi đấu trường) nhưng chẳng ai có thể phủ nhận những đóng góp hết sức quan trọng của tiền vệ người Bồ vào lối chơi chung bên phía đội bóng chủ sân Olimpico. Bằng một phong cách tràn đầy sức sống, chàng trai sinh năm 1974 luôn được xem là nguồn năng lượng bất tận bên hành lang cánh phải của Lazio, với những tình huống dọn cỗ chuẩn xác, tạo điều kiện cho chủ công Salas ghi bàn đều đặn.
GIẤC MƠ CHÂU ÂU DANG DỞ VÀ SỐ MỆNH CỦA MỘT NGÔI SAO BĂNG
Cũng trong mùa Hè năm 2000, Sergio Conceicao cùng với thế hệ được đánh giá là mạnh nhất trong lịch sử nền bóng đá Bồ Đào Nha (Figo, Rui Costa, Joao Pinto, Fernando Couto, Nuno Gomes…) đã tham dự VCK EURO được tổ chức tại Hà Lan và Bỉ. Trình diễn một lối chơi hoa mỹ và quyến rũ bậc nhất châu Âu, đội bóng đến từ bán đảo Iberia nhanh chóng toàn thắng cả 3 trận ở vòng bảng, trong đó có màn vùi dập nhà ĐKVĐ Đức tới 3 bàn không gỡ.
Có lẽ, sâu thẳm trong ký ức của những CĐV Die Mannschaft kỳ cựu, cái tên Conceicao vẫn luôn là một nỗi ám ảnh cực kỳ khó phai với cú hat-trick lịch sử vào lưới thủ thành huyền thoại Oliver Kahn. Lọt vào tới bán kết cho đến khi phải dừng bước trước ĐT Pháp sau tình huống bị thổi phạt đền 11 mét trong hiệp phụ (thua chung cuộc 1-2), người Bồ đành chấp nhận bỏ lại ước mơ châu Âu đã cận kề, một cái kết thực sự nuối tiếc cho “thế hệ vàng” dang dở của Seleccao năm ấy.
Video: Bồ Đào Nha của Conceicao gây sốc trước ĐT Đức tại EURO 2000
Quay trở lại Lazio sau một kỳ EURO nồng nàn cảm xúc, thật bất ngờ khi Conceicao nhanh chóng bị đem trao đổi như “vật tế thần” trong thương vụ chiêu mộ Hernan Crespo từ Parma. Không hề phàn nàn hay oán trách số phận, tiền vệ người Bồ Đào Nha vẫn luôn nỗ lực thể hiện bản thân mình trên sân cỏ.
Ghi được 7 bàn thắng trong cả mùa giải 2000/2001, Conceicao đã có những đóng góp nhất định khi giúp cho đội bóng chủ sân Ennio Tardini đứng thứ 4 tại Serie A đồng thời lọt vào đến trận chung kết Coppa Italia (thua Fiorentina 1-2 sau hai lượt trận). Mặc dù vậy, giai đoạn khoác áo Inter Milan ở hai mùa giải sau đó đã chứng kiến Conceidao dần dần biến mất trên bản đồ bóng đá thế giới. Không còn được trọng dụng thường xuyên do phong độ sa sút một cách khó hiểu, cựu ngôi sao Porto chỉ ghi được vỏn vẹn 1 bàn cho đội bóng thành Milano sau 41 lần ra sân.
Khoảng thời gian lượt đi mùa giải 2003/2004, sau khi được ban lãnh đạo Lazio mở đường cứu rỗi, cầu thủ người Bồ cũng không để lại bất kỳ dấu ấn nào đáng kể. Để rồi, anh phải chấp nhận quay về Porto như một điều tất yếu.
Tại quê nhà, có vẻ như sân Dragao vẫn luôn là miền đất lành đối với Conceicao khi anh đoạt được chức VĐQG Bồ Đào Nha lần thứ 3 trong cuộc đời, bất chấp việc chẳng ghi được bàn thắng nào trong suốt giai đoạn lượt về. Cảm thấy không còn đủ kiên nhẫn với “tài năng chết yểu” của Sergio Conceicao, Porto đành quyết định bán cựu ngôi sao Lazio sang Bỉ cho Standard Liege. Trong vòng 3 năm phiêu lưu trên mảnh đất gần bờ biển Bắc, tiền vệ sinh năm 1974 này cũng kịp hắt lên những tia sáng cuối cùng với 21 bàn thắng cùng danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Pro League ở mùa giải 2004/05.
Khi mà ánh bình minh của cuộc đời dường như đã vụt tắt hoàn toàn, sự nghiệp của Conceicao cũng bước vào giai đoạn xuống dốc không phanh tại các đội bóng không mấy tên tuổi ở Kuwait và Hy Lạp. Đến tháng 10/2009, cựu danh thủ người Bồ Đào Nha chính thức tuyên bố giải nghệ trong màu áo PAOK FC (Hy Lạp) đồng thời chuyển sang làm giám đốc kỹ thuật cho đội bóng này.
Thời điểm hiện tại, dẫu rằng Sergio Conceicao đã bắt đầu thu được nhiều thành tựu nhất định trên băng ghế huấn luyện, tuy nhiên đối với những ai từng hết lòng hâm mộ ngôi sao chạy cánh của Lazio trong quá khứ, thì tất cả những ký ức về anh tại Serie A vẫn luôn là một điều gì đó không bao giờ có thể xóa nhòa.
Trải qua những năm tháng thực sự cuồng say và có phần dang dở ấy, người ta chỉ càng thêm nuối tiếc hơn cho số phận chẳng hề trọn vẹn của Sergio Conceicao, một kẻ lãng tử luôn xuất hiện với mái tóc trải chuốt bồng bềnh từng reo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp các sân cỏ nước Ý, nhưng rồi lại vô tình mang theo số mệnh của một ngôi sao băng đen đủi…