Điều gì sẽ xảy ra nếu Blatter rời Thụy Sỹ?
Sepp Blatter không nằm trong các nhân vật cấp cao của FIFA bị FBI truy tố và yêu cầu dẫn độ. Và theo hãng thông tấn BBC, trong trường hợp ngược lại, Blatter với quốc tịch Thụy Sỹ sẽ được bảo vệ, không bị dẫn độ khỏi Thụy Sỹ vì Điều 7 của IMAC (luật chính phủ Thụy Sỹ) cấm dẫn độ công dân quốc gia này. Nếu muốn “sờ gáy” Blatter, phía Mỹ chỉ có thể yêu cầu các nhà chức trách Thụy Sỹ thay mặt tiến hành các thủ tục tố tụng chống lại Blatter.
Nếu Blatter ra khỏi biên giới Thụy Sỹ và các nhà chức trách Mỹ gửi bản cáo trạng chống lại ông tới quốc gia Blatter đặt chân đến, khả năng Blatter bị yêu cầu dẫn độ sẽ lớn hơn. Giả sử đó là quốc gia có thỏa thuận dẫn độ với Mỹ, khi đó quá trình dẫn độ bình thường có thể được thực hiện.
Phía Mỹ có thể tìm kiếm giải pháp được biết đến như một “thông cáo đỏ” Interpol – gần như một lệnh bắt giữ quốc tế. Theo đó các thông tin liên quan đến cá nhân bị truy nã vì phạm tội nghiêm trọng sẽ được phát đi, và nó sẽ dẫn đến việc bắt giữ và tạm giam một nghi can, người đã rời quốc gia nơi họ được bảo vệ luật cấm dẫn độ.
Nguy cơ bị bắt khi ra nước ngoài cao, điều này sẽ khiến Blatter rất khó thực hiện vai trò Chủ tịch FIFA. Và đây cũng là một cách lý giải về việc Blatter không thể không từ chức.
Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều tấn công Blatter
Vì sao Blatter từ chức? Người đàn ông 79 tuổi này không thể chịu đựng trước áp lực từ nhiều phía. Khi FBI (Cục Điều tra Liên bang, cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ) bắt 7 quan chức FIFA vì tham nhũng, và đó đều là những đồng minh của Blatter, ông vẫn tự tin. Và Blatter đã thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch nhiệm kỳ mới hôm 29/5.
Vậy mà chỉ 4 ngày sau, áp lực đã quật ngã Blatter. Ngoài việc FBI mở những cuộc tấn công trực diện vào đầu não FIFA, còn áp lực nào khiến một “bố già” mạnh mẽ như Blatter phải đầu hàng?
Theo tờ The New York Times, FBI đang thu thập tài liệu để điều tra và sẵn sàng khởi tố Blatter. The New York Times cũng dẫn lời các quan chức FIFA nói rằng Blatter cảm thấy áp lực mà ông đối mặt quá lớn.
Trên thực tế, áp lực lớn nhất Blatter cảm nhận được là những vấn đề chính trị, mà ở đó ông như một con cờ không hơn không kém. Hầu hết các chính phủ có tiếng nói lớn nhất trên thế giới đều tấn công Blatter.
Cụ thể là Mỹ, Anh và Pháp chống lại Blatter. Thủ tướng Đức Angela Merkel không lên tiếng, nhưng thành viên trong Chính phủ của bà không ủng hộ Blatter. Chỉ có Nga bảo vệ Blatter, vì từng nhận được món quà từ ông: đăng cai World Cup 2018.
Tổng thống Vladimir Putin đã trực tiếp bênh vực Blatter, nhưng không đủ giải tỏa áp lực.
Blatter từ chức là một chiến thắng của Chính phủ Mỹ. Bóng đá chưa bao giờ được xem là môn thể thao danh giá trong mắt người Mỹ, nhưng giá trị toàn cầu của nó là không thể bàn cãi. Thế nên, với việc lật đổ triều đại Blatter tồn tại trong 17 năm, Mỹ mặc nhiên được tôn vinh làm trong sạch bóng đá thế giới.
FIFA là tổ chức phi chính phủ. FIFA luôn trừng phạt các LĐBĐ nếu để chính phủ can thiệp sâu vào chuyên môn. Bây giờ, tổ chức nắm quyền lực tối cao của thế giới bóng đá bị đánh tan tác chỉ vì trò chơi chính trị.
Blatter đã xây dựng mạng lưới “chân rết” rất rộng trong nội bộ FIFA. Việc ông từ chức đồng nghĩa sẽ có biến động khủng khiếp. Khi Blatter chính thức ra đi, chậm nhất là giữa tháng 3/2016, FIFA hứa hẹn thay đổi mạnh mẽ, và bóng đá cũng bước vào một cuộc cách mạng mới.
Blatter nhận được sự ủng hộ từ 133 thành viên, mặc dù 7 quan chức dưới quyền ông bị FBI bắt giữ.
NGỌC LINH – ĐỨC HIỂN