MSL phá hỏng kế hoạch của FAS
Vừa vô địch Malaysian FA Cup hồi đầu năm nay sau thành công ở MSL, LionsXII tiếp tục tạo ấn tượng ở mùa này khi vào đến tứ kết Malaysia Cup kéo dài tới giữa tháng 12/2015. Nhưng kể từ mùa tới, đại diện của Singapore sẽ không còn được tranh tài ở giải VĐ Malaysia. Đó là quyết định của FAM khi thanh lý hợp đồng 4 năm với LĐBĐ Singapore (FAS), chấm dứt sự hiện diện của đảo quốc sư tử ở MSL kể từ năm 2012. Đồng thời, phán quyết này cũng có nghĩa là từ nay, Harimau Muda của Malaysia sẽ không góp mặt ở S.League.
Theo tiết lộ của truyền thông Đảo quốc Sư tử, đây là hành động giận dỗi của FAM liên quan tới việc ăn chia bản quyền truyền hình và những thứ linh tinh khác. Ngặt nỗi, lệnh trục xuất LionsXII của FAM đã làm đảo lộn mọi toan tính của FAS. Bởi thoạt đầu, FAS dự kiến để LionsXII chơi ở MSL thêm một năm nữa, rồi bê nguyên xi lực lượng đi dự Asean Super League ra mắt vào năm 2017. Song song đó, Courts Young Lions – một đội khác của Tuyển U.23 Singapore sẽ trám vào chỗ trống ở MSL.
Nhưng giờ đây, phản ứng của FAM đã buộc FAS phải điều chỉnh phương án sẵn có. Sau mấy tuần thảo luận để tìm kiếm các giải pháp như giải tán LionsXII để các cầu thủ ra nước ngoài hoặc chịu giảm lương để gia nhập các CLB ở S.League, FAS rốt cuộc đã chọn phương án vẫn để LionsXII làm đại diện duy nhất của Singapore dự Asean Super League 2017, thay vì 2 suất như số phân chia cho các “chiếu trên” khác gồm Australia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Myanmar và Philippines.
Nhưng trong thời gian chờ đợi, LionsXII sẽ thi đấu tại S.League 2016. Song song đó, FAS cam kết sẽ trả lương cho các cầu thủ lẫn BHL LionsXII cao như thời còn chơi ở MSL. Dù vậy, tương lai của LionsXII vẫn đầy biến số. Vì theo đánh giá của giới quan sát, Asean Super League đang có nguy cơ thất bại ngay từ trước lúc chào đời do chi phí đắt đỏ nên các nước trong khu vực chưa hẳn cử đội mạnh nhất dự giải, thậm chí không cử bất cứ đội nào!
Cơ hội đổi đời của S.League
Giữa lúc FAS đang loay hoay tìm cách giải quyết tương lai cho LionsXII, không ít nhà chuyên môn ở nước này tin rằng đối tượng cần quan tâm nhất hiện nay phải là S.League mới đúng. Bởi lẽ, LionsXII chỉ là sản phẩm lỗi do không hoàn thành sứ mệnh đào tạo đội ngũ kế thừa xuất sắc cho Tuyển Singapore.
Cựu tuyển thủ Aleksandar Duric phân tích: “Mọi người đều thấy thành tích thi đấu của ĐTQG trong năm nay và ắt hẳn có cùng suy nghĩ với tôi là nên giải tán cả LionsXII lẫn Young Lions bởi họ chẳng học hỏi được điều gì. Tại sao không chia hai đội này thành từng nhóm 3-4 cầu thủ rồi chia đều cho các CLB khác của S.League? Hơn nữa, LionsXII rõ ràng là dự án chưa bao giờ cho thấy hiệu quả, nên đúng là cần dừng lại để tập trung toàn bộ cho S.League nhằm giúp giải VĐ Singapore hấp dẫn hơn, vì tôi e ngại rằng nếu tình hình này kéo dài thì vài năm tới, Singapore sẽ không còn giải VĐQG chất lượng nữa”.
Nỗi lo của Duric là có cơ sở, dù khi chào đời vào tháng 04/1996 bằng trận giao hữu giữa Thái Lan với S.League All Stars, giải VĐ Singapore đón nhận hơn 25.000 CĐV cùng Thủ tướng Goh Chok Tong đến dự lễ khai mạc. Thời đó, bầu không khí chẳng khác nào lễ hội với 18 CLB thừa mứa siêu sao như các tuyển thủ Iran, Mohammad Khakpour và Hamid Reza Estili từng dự VCK World Cup 1998, thậm chí còn ghi bàn tại Pháp. Nhưng 20 năm sau, S.League đang phơi bày diện mạo khác hẳn.
Hiện nay, các khán đài gần như vắng tanh do NHM thích ngồi nhà xem các giải VĐQG hàng đầu châu Âu hơn. Áo đấu của các CLB không còn là vật lưu niệm được người Singapore yêu thích. Các cầu thủ đi uống cà phê hoặc vào bar chẳng được ai chú ý. Do đó, từng có ý kiến đề xuất khai tử S.League và chỉ tập trung nguồn nhân lực vào 3-4 đội đại diện cho Singapore dự các giải như MSL hoặc Asean Super League. Các CLB còn lại đều chuyển thành nghiệp dư.
Vấn đề đặt ra ở đây là lẽ nào FAS có thể chấp nhận để bóng đá Singapore rơi vào tình trạng “đồ đá” như vậy? Vì cần nhớ rằng với đội ngũ bao gồm các cầu thủ thuộc S.League, họ từng vô địch Đông Nam Á liên tiếp 2 kỳ (các năm 2004 và 2007). Đấy là chưa kể xóa bỏ S.League sẽ gây tác động lớn cho xã hội, vì mỗi 10 CLB gồm ít nhất 30 cầu thủ cùng 10 thành viên BHL, nghĩa là quyết định này sẽ đẩy hơn 400 con người ra đường đối mặt với tương lai khó lường.
Quan trọng không kém, giới trẻ Singapore chẳng thể trưởng thành với tình yêu bóng đá mà không có thần tượng bản xứ như NHM Việt Nam hiện đang phát cuồng vì Công Phượng hoặc Công Vinh… Bên cạnh đó, nguồn tài năng của Singapore rất dễ thui chột do không có cơ hội thi đấu thường xuyên nếu các lãnh đạo chỉ chú trọng đầu tư vào vài CLB như nuôi “gà nòi”.
Bởi hiện nay, đầu vào của tài năng trẻ Singapore là Học viện bóng đá quốc gia (NFA) với đầu ra là LionsXII hoặc Courts Young Lions ở S.League. Theo tính toán thì cứ 10 “sản phẩm” hoàn thiện của NFA sẽ có 1 được đá cho Young Lions hoặc LionsXII. Tỷ lệ ấy chắc chắn chỉ càng giảm thê thảm, nếu số đội thi đấu đỉnh cao của Singapore chỉ còn có 3-4. Ngoài ra, người Singapore lẽ nào không thấy xấu hổ khi có người Hàn Quốc như ngôi sao lừng danh một thời Jang Jung vừa tuyên bố: “Hãy quên MSL đi. Và tập trung cho S.League. Bước ngoặt này chỉ có lợi cho S.League. Người Singapore hãy làm cho giải VĐ của mình mạnh mẽ hơn, coi nào!”.
LionsXII là thành phần Tuyển U.23 Singapore, song có vài cầu thủ quá tuổi trong đội để dìu dắt các tài năng trẻ. Dù vậy, LionsXII không được phép tuyển cầu thủ nước ngoài.