Chính phủ Trung Quốc dùng từ “đốt tiền” để miêu tả cách mua sắm của các CLB Chinese Super League và tuyên bố sẽ đưa ra giải pháp sát sao để ngăn chặn tình trạng này.
Tháng trước, Thượng Hải SIPG phá kỷ lục chuyển nhượng Trung Quốc để mang Oscar về từ Chelsea với giá 60 triệu bảng. Không lâu sau đó, đội bóng cùng thành phố Thượng Hải Shenhua bỏ ra 40 triệu bảng để mua Carlos Tevez kèm theo mức lương cao nhất thế giới 615 nghìn bảng/tuần.
Trong một năm rưỡi trở lại đây, các CLB của Chinese Super League (CSL) đua nhau thực hiện những thương vụ đình đám và tốn kém tương tự.
Hôm nay, phát ngôn viên của Tổng cục thể thao Trung Quốc (CGAS) nói đây là cách làm “đốt tiền” và chiến lược này có thể khiến hàng loạt CLB trên trở thành “nấm mồ khổng lồ”.
Phát ngôn viên của CGAS cho biết họ đang thiết lập quy định mua cầu thủ nước ngoài và “sẽ tăng cường kiểm tra và giám sát hoạt động tài chính của các CLB.
Kết hợp điều chỉnh việc mua bán cầu thủ ngoại và giới hạn thu nhập cầu thủ ở mức hợp lý. Tất cả để kiểm soát chuyện chi tiêu và đảm bảo các điều kiện tài chính tốt”.
Trong tháng 12, người đại diện Jorge Mendes cho biết thân chủ Cristiano Ronaldo nhận được lời đề nghị về thu nhập lên đến 85 triệu bảng/năm.
Bên cạnh đó là mức phí chuyển nhượng 250 triệu bảng cho Real Madrid – con số gấp 2,5 lần kỷ lục chuyển nhượng 89 triệu bảng mà Man Utd trả cho Paul Pogba mùa Hè năm ngoái.
Siêu sao Lionel Messi của Barca cũng được mời chào tương tự và báo chí Tây Ban Nha đồn thổi đá là lý do Leo trì hoãn việc gia hạn hợp đồng.
Tuần trước, HLV Arsene Wenge của Arsenal và Antonio Conte của Chelsea bày tỏ mối lo ngại trước túi tiền không đáy của CSL.
Hai nhà cầm hàng đầu của Premier League lo sợ các cầu thủ hàng đầu châu Âu sẽ rời bỏ môi trường bóng đá đỉnh cao vì không cưỡng lại được mà lực của đồng tiền.
Chẳng nói đâu xa, việc tiền vệ ngôi sao người Bỉ Axel Witsel vừa "bẻ kèo" bỏ rơi Juventus để chạy tới Trung Quốc nhận mức lương 18 triệu euro/năm là minh chứng rõ nét.
Do đặc thù giải vô địch quốc gia Trung Quốc sẽ bắt đầu vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 11. Từ giờ cho đến lúc khai mạc hứa hẹn sẽ có rất nhiều vụ chuyển nhượng “bom tấn” khi mà các CLB có thể mua sắm tới tận cuối tháng 2.
Trước mùa giải mới, CSL đã siết chặt luật để tạo thêm cơ hội cho cầu thủ bản địa, qua đó hạn chế việc mua sắm “điên cuồng” của CLB. Nhưng xem ra chỉ biện pháp mạnh từ chính phủ mới giải quyết triệt để vấn đề này.
Luật mới của CSL
1. Hai đội có cùng điểm số, bên nào sở hữu cầu thủ Trung Quốc ghi nhiều bàn hơn sẽ xếp trên.
2. Hệ thống 3+1: Mỗi đội được phép sử dụng 3 cầu thủ nước ngoài, cộng 1 cầu thủ không phải người Trung Quốc tới từ châu Á.
Những lời hứa hẹn của CGAS cũng khá giống với Luật Công bằng tài chính mà UEFA đã ban hành và áp dụng nhiều năm qua của châu Âu. Theo đó, các đội bóng giàu có phải tính toán kỹ càng trước mỗi lần “vung tiền” mua ngôi sao mà vẫn có thể cân bằng cán cân tài chính, tránh thua lỗ.
Những Man City, PSG đều đã bị phạt rất nặng và chỉ được mua cầu thủ trong một khoản ngân sách giới hạn nhất định, do vi phạm Luật công bằng tài chính. Giờ thì hẳn nhiều CLB lớn ở châu Âu muốn thấy "chiếc vòng kim cô" tương tự chụp lên đầu những CLB tham lam đang tìm mọi cách vơ vét ngôi sao từ Cựu lục địa bằng những mức lương và phí chuyển nhượng không tưởng.