Khủng bố Stade de France: Bóng đá và mạng sống

thứ hai 16-11-2015 22:34:59 +07:00 0 bình luận
Sau vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris người ta bỗng nhận ra bóng đá chẳng còn là thứ có ý nghĩa nhất ở đời, chỉ có mạng sống mới là quan trọng nhất.

Sau hàng loạt vụ nổ bom ở Paris khiến hơn trăm người chết và hơn 200 người bị thương, các nước đã bày tỏ niềm cảm thông và chia sẻ với người Pháp qua nhiều hình thức. Chẳng hạn như giới bóng đá, Bundesliga dự kiến sẽ dành 1 phút mặc niệm và mọi cầu thủ ra sân đều đeo băng đen trong vòng đấu cuối tuần này. Trong khi ấy, LĐBĐ Anh đã chủ động giao quyền quyết định có đá hay hủy trận giao hữu với Pháp tại Wembley rạng sáng mai cho bên phía khách. Và nhằm xoa dịu nỗi đau cùng sợ hãi của người Pháp, xứ sở sương mù đang có kế hoạch khiến thầy trò Didier Deschamps có cảm giác thi đấu tại Wembley như đá trên sân nhà.

Thông qua mấy người bạn đang sống và làm việc ở Paris, không khó nhận ra cư dân ở đây cũng đang tìm cách vượt qua nỗi sợ. Giờ đây sau các vụ nổ, họ đã trở lại nhịp điệu sống bình thường với cảnh sáng cắp ô đi, tối cắp về. Tất cả như chẳng buồn để ý sự thật là lần đầu tiên trong thời bình, chính phủ Pháp vừa ra lệnh giới nghiêm, dù chỉ là “bán giới nghiêm”, nghĩa là giới nghiêm ở vài khu vực nhất định. Thế nhưng, bất chấp mọi nỗ lực của chính quyền nhằm trấn an người dân, cũng như tự thân họ cố gắng, cuộc sống của người Paris nói riêng và người Pháp nói chung từ sau ngày 13/11/2015 chắc chắn không còn như trước. Đấy cũng là thừa nhận của các cầu thủ đang thi đấu tại Pháp, khi cho biết là từ đây, họ bỗng nhận ra bóng đá chẳng còn là thứ có ý nghĩa nhất ở đời. Chỉ có mạng sống mới là quan trọng nhất.

Trong lúc ước nguyện lớn nhất của người Pháp hiện là được sống, người Syria cũng đang cầu điều tương tự. Vì để trả đũa IS tàn phá Paris, Pháp cũng vừa ném bom hàng loạt xuống Raqqa (Syria). Thế nhưng, hành động này có thể thay người Pháp trút giận, hay càng khiến họ phải sống trong lo sợ? Bởi lẽ, chẳng phải vô cớ mà IS tàn phá Paris, khi trước đó, Pháp là 1 trong những nước ném bom hăng nhất ở Syria khi các cường quốc tìm cách thò tay can thiệp vào nội bộ nước này.

Rốt cuộc, xem ra chỉ dân là khổ, vì trở thành mục tiêu công kích hoặc trả đũa khi các nước chưa thể giải quyết được mâu thuẫn về quyền lợi hoặc chính trị. Lẽ nào ngày nay, mọi mâu thuẫn không thể giải quyết được trên bàn đàm phán, mà cứ phải ném bom và xả súng vào kẻ khác trong lúc biết thừa rằng quá khó để ngăn đối phương trả đũa cũng bằng bom và súng trên lãnh thổ của mình?

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm