Quá trình “tiến hoá” kinh hoàng của TTCN: Bi kịch không điểm cuối

thứ sáu 19-12-2014 19:00:21 +07:00 0 bình luận
(Thethao24.tv) – Từ cột mốc 100 triệu USD cho tới 100 triệu euro và nay là 100 triệu bảng mua một cầu

(Thethao24.tv) – Từ cột mốc 100 triệu USD cho tới 100 triệu euro và nay là 100 triệu bảng mua một cầu thủ, giới truyền thông đang liên tục đánh tráo khái niệm nhằm duy trì một chướng ngại mà thị trường chuyển nhượng (TTCN) không vượt qua nổi. Thế nhưng, quá trình “tiến hóa” của TTCN phải chăng phải có giới hạn?

FOOTBALL - CHAMPIONS LEAGUE -  FC BARCELONA v PARIS SG

100 triệu bảng nhỏ như con thỏ
Với những con số đang leo thang như tên lửa trên TTCN, 100 triệu bảng chỉ nên xem như một cột mốc trong bảng Kỷ lục thế giới (KLTG), thậm chí là một cột mốc sắp trở thành dĩ vãng. Vì từ thời sơ khai khi phí chuyển nhượng một cầu thủ chạm ngưỡng 1.000 bảng vào năm 1905 lúc Alf Common rời Sunderland sang Middlesbrough, giá trị cầu thủ đã gia tăng tới gần 100.000 lần khi Real Madrid mua Gareth Bale của Tottenham với giá 85,3 triệu bảng. Cứ theo xu thế ấy, chẳng mấy chốc sẽ có một cuộc chuyển nhượng trị giá 100 triệu bảng.
Thậm chí, ngày đó có thể xảy ra ngay trước năm 2016. Cơ sở để đưa ra dự báo ấy là do tính từ năm 1975 với vụ chuyển nhượng đầu tiên vượt mốc 1 triệu bảng liên quan đến Giuseppe Savoldi (rời Bologna đến Napoli) thì bình quân hàng năm, phí chuyển nhượng KLTG tăng đều đặn 12%. Cứ đà này tiếp diễn thì tới năm 2016, cầu thủ cao giá nhất thế giới sẽ ở mức 100 triệu bảng và tới năm 2020, rất có thể sẽ xuất hiện đội bóng sẵn sàng móc hầu bao bỏ ra 240 triệu bảng để mua một ngôi sao! Điều đáng chú ý là ngay cả luật Công bằng tài chính xem ra vẫn chưa đủ để ngăn chặn xu thế ấy, mà chỉ gây ra chút khó khăn buộc các đội phải vắt óc tìm cách lách luật.
Một cuộc đua không có điểm cuối
Quá trình “tiến hoá” của TTCN đang diễn ra kinh hoàng như thế, song những người liên quan ắt hẳn chẳng cảm thấy lạ lùng. Bởi lẽ, ai cũng hiểu chỉ có là đội bóng giỏi nhất, có giải VĐQG hùng mạnh nhất thì mới tha hồ hốt bạc từ quảng cáo, truyền hình cùng những khoản khác. Mà muốn đạt được điều đó, bắt buộc phải có đầu tư. Đấy là một cuộc đua không có điểm cuối.
Vì vậy mà trong một cuộc trò chuyện, chủ tịch La Liga Javier Tebas không cảm thấy lo lắng, mà còn ủng hộ các đại gia như Barcelona và Real Madrid phá “két” mua cầu thủ. Ông giải thích: “Chúng tôi không thể nào dừng lại, khi muốn La Liga có 500 cầu thủ giỏi nhất thế giới và có những đội bóng mạnh nhất thế giới”. Bi kịch của Man Utd ở mùa này càng là bài học cho các đội đang muốn bỏ ít, hưởng nhiều: chỉ vì “Quỷ đỏ” mất quyền dự Champions League, Nike không ngần ngại xén mất một khoản tiền lớn, bất chấp đối tác là một thương hiệu hàng đầu thế giới.
Trong bối cảnh chữ ký của sao trở thành mục tiêu phải đoạt được bằng mọi giá, ngày mà chướng ngại 100 triệu bảng sụp đổ hứa hẹn đến càng nhanh hơn. Cụ thể là Hè 2015, nếu Man City không thể vô địch Champions League có thể khiến Sergio Aguero phải tìm đường sang Barcelona/Real Madrid. Thậm chí, nếu Lionel Messi ngỏ ý rời Nou Camp để tìm thách thức mới, đừng nói 100 triệu bảng, ngay cả ngưỡng 200 triệu bảng cũng có thể bị vượt qua.

 

MINH CHÂU

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm