Thoạt đầu, Frank Lampard ắt hẳn cũng tưởng bở: MLS toàn hàng thải hoặc hết “đát”, nên chừng nào không cạnh tranh nổi ở ManCity rồi mới sang. Điều đó giải thích tại sao tiền vệ này lẽ ra phải gia nhập New York City FC (NYCFC) từ 1/1/2015 theo hợp đồng cho mượn, nhưng rốt cuộc vẫn ở lại với chủ sân Etihad. Hóa ra, đó là quyết định bi đát cho cả hai. Vì trong phần lớn thời gian còn lại của mùa bóng, Frank Lampard phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị ManCity. Vì không có ngôi sao này, NYCFC gặp nhiều vất vả ở giai đoạn đầu của mùa bóng họ ra mắt giải vô địch Mỹ (MLS). Mãi đến lúc nhận ra không còn khả năng chơi bóng ở Premier League, Frank Lampard mới đến đất Mỹ sau kỳ nghỉ cùng vợ mới cưới tại Dubai.
“Tôi rất ghét mấy tháng 1, 2, 3, vì cầu thủ nào mà chẳng muốn thi đấu. Tôi không cần phải nói dối: Tôi tới đây do NYCFC đang đá rất hay”, Frank Lampard tâm sự ngay khi vừa đầu quân cho NYCFC với mức lương tới 6 triệu USD/năm, nhưng giờ đây nhớ lại, người Mỹ thật sự có quyền cười khinh. Bởi lẽ, chấn thương ở bắp đùi trong buổi tập sau đó đã khiến ngày chào sân của tiền vệ Anh phải lùi thêm thời gian nữa. Hậu quả là sau khi bình phục, anh chỉ đá được 10 trận và ghi vỏn vẹn 3 bàn. MLS khởi tranh vào tháng 3, nhưng phải tới đầu tháng 8, tiền vệ Anh mới được tung vào sân thay người ở cuối trận. MLS kết thúc vào tháng 10 thì tới trung tuần tháng 9, Frank Lampard mới ghi được bàn đầu tiên.
Cái giá mà NYCFC phải trả là mất suất dự vòng play-off, còn HLV Jason Kreis phải gia nhập đoàn quân thất nghiệp. Thế nhưng, Frank Lampard vẫn được giữ lại, vì Patrick Vieira – tân HLV NYCFC rất mến mộ tài năng của anh thời họ cùng chinh chiến ở Premier League, cho dù trong những màu áo khác nhau. Ngặt nỗi, Patrick Vieira có lòng, nhưng Frank Lampard chẳng thể ra sức. Sau khi tuyên bố vung vít đầy khí thế trước mùa bóng 2016, lão tướng 37 tuổi lại bị đau bắp chân nên cho tới nay, anh vẫn chưa đá một phút nào. Mất một suất “vượt khung” theo luật Beckham (cầu thủ được mua hoặc hưởng lương hơn mức lương trần nhằm giúp MLS thu hút ngôi sao quốc tế), NYCFC phải đợi tới tận hôm nay mới chấm dứt được chuỗi 7 trận không thắng khi thắng ngược Vancouver Whitecaps 3-2 nhờ cú đúp của David Villa.
Hoàn cảnh tệ như vậy chẳng phải là điều mà NHM NYCFC muốn thấy. Patrick Vieira ắt hẳn cũng nghĩ như vậy, nhưng chưa tiện quyết định “trảm” Frank Lampard mà thôi. Bởi lẽ, thật tốt cho NYCFC nếu Frank Lampard biết điều mà ra đi, hoặc tuyên bố giải nghệ. Lúc đó, NYCFC mới có điều kiện bổ sung nhân tố mà đội bóng đang cần: Tuyến giữa quá thừa người dù toàn “hàng lởm”, trong lúc David Villa rất cần thêm tiền đạo để san sẻ gánh nặng ghi bàn, hoặc tăng cường trung vệ giỏi cho một trong 3 dàn thủ kém nhất MLS 2016. Nói cách khác, Frank Lampard đang bị xem như vụ giao dịch tệ hại nhất lịch sử MLS, khiến những nỗi thất vọng trước đây về Lothar Matthaeus hoặc Rafael Marquez có khác nào đem đom đóm ra so sánh với ánh trăng.