Platini: Một kết cục như những đồng cấp?

thứ sáu 2-10-2015 16:30:55 +07:00 0 bình luận
Đến giờ, Platini vẫn là người duy nhất trong 6 chủ tịch Liên đoàn khu vực có tiếng nói trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn World Cup 2018 và 2022 vào tháng 12/2010 chưa bị kết tội, bị cấm tham gia vào các hoạt động bóng đá hay khiển trách.

Người đầu tiên gục ngã 3 tuần trước cuộc bỏ phiếu ở Zurich là Reynald Temarii người Tahiti. Chủ tịch LĐBĐ châu Đại dương (OFC) bị cấm 1 năm vì vi phạm các nguyên tắc bảo mật và trung thành của FIFA khi bị các phóng viên của tờ Sunday Times quay phim bí mật trong lúc đàm phán với phía Mỹ về phiếu bầu World Cup 2022. Temarii đã đòi 2,3 triệu USD coi như là tiền hỗ trợ học viện bóng đá ở New Zealand. Đến năm 2015, ông bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 8 năm vì nhận 300.000 USD từ Mohamed bin Hammam người Qatar, cựu chủ tịch LĐBĐ châu Á (AFC) trong vụ kiện Sunday Times.

Platini: Một kết cục như những đồng cấp?Người thứ hai là Jack Warner, thành viên Ủy ban điều hành (UBĐH) FIFA từ năm 1983 và chủ tịch LĐBĐ Bắc, Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF) từ năm 1990, đã phải rút lui vào tháng 6/2011 sau khi FIFA bắt đầu cuộc điều tra ông về những cáo buộc tham nhũng, hối lộ. Warner là một trong 14 người bị Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) kết tội tham nhũng và đang có nguy cơ bị dẫn độ vào Mỹ.

Tiếp đó là Bin Hammam, người bị cấm tham gia vào các hoạt động bóng đá suốt đời vì đã dùng tiền mua phiếu bầu cho Qatar từ các thành viên của châu Phi và châu Á.

Tương tự như vậy, Nicolas Leoz, chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ (CONMEBOL) từ năm 1986, cũng đã phải rút lui vào tháng 4/2013. Giờ đã 87 tuổi và đang sống tại quê hương Paraguay, Leoz chưa biết có bị dẫn độ sang Mỹ hay không sau kết luận của FBI hồi tháng 5 vừa qua.

Mỉa mai ở chỗ, hai người kế nhiệm Warner và Leoz là Jeffrey Webb ở CONCACAF và Eugenio Figueredo ở CONMEBOL cũng bị kết tội và bắt giữ ở Zurich.

Tính ra, những nhân vật quyền lực của bóng đá thế giới giờ chỉ còn Platini và người đồng cấp ở LĐBĐ châu Phi (CAF) Issa Hayatou. Thực ra, Hayatou, người đang giữ vai trò Chủ tịch tạm quyền ở FIFA, cũng đã nhúng chàm. Năm 2011, ông bị Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) khiển trách vì nhận tiền từ ISL vào năm 1995, thời điểm scandal của ISL có liên quan đến cựu Chủ tịch FIFA Joao Havelange. Bên cạnh đó, Hayatou, Chủ tịch CAF từ năm 1988, cũng bị tố cáo nhận hối lộ từ Qatar cùng 2 thành viên khác của UBĐH FIFA, Jacques Anouma và Amos Adamu.

Thế nên, nếu mọi tội lỗi của tất cả đều đã bị phơi bày ra ánh sáng, việc Platini là người duy nhất trong sạch là rất… khó tin. Vấn đề là khi nào, thay vì là có hay không, chân tướng của chủ tịch UEFA sẽ lộ ra (?).

MẠNH HÀO

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm