Bóng đá ngày càng hiện đại với sự trợ giúp của công nghệ không khó để phát hiện các hành vi bạo lực trên sân cỏ, nên các cầu thủ có “tán gia, bại sản” vì một phút bốc đồng cũng không có gì lạ.
Sự vụ ầm ĩ mới nhất liên quan đến tuyển thủ Trung Quốc, Qin Sheng của CLB Shanghai Shenhua. Anh này vừa bị phạt 35.000 bảng (tương đương khoảng gần 1 tỷ đồng) và cắt lương thưởng đến hết mùa giải năm nay với lỗi giẫm chân tiền vệ ngôi sao Axel Witsel của Tianjin Quanjian trong một trận đấu tại giải VĐQG Trung Quốc.
Không những thế, BLĐ Shanghai Shenhua còn quyết định đẩy Sheng xuống tập ở đội trẻ và "đóng băng" khả năng chuyển nhượng cho đến khi hợp đồng của cầu thủ này hết hạn.
Video Qin Sheng phạm lỗi với Axel Witsel
Rõ ràng, án phạt cực nặng của Shanghai Shenhua không có mục đích gì khác ngoài việc răn đe các cầu thủ tránh xa tệ nạn bạo lực sân cỏ.
“Hành vi vô kỷ luật của Qin Sheng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của CLB Shanghai Shenhua, thậm chí là cả nền bóng đá Trung Quốc. Cậu ta khiến nỗ lực của mọi người trong việc xây dựng hình ảnh đẹp cho CLB, giải đấu, coi như đổ sông đổ biển”, Chủ tịch Wu Xiaohui của Shanghai Shenhua tuyên bố.
Đáng nói hơn nữa, trường hợp của Qin Sheng không phải thiểu số khi lối đá phi thể thao đã trở thành thói quen của nhiều cầu thủ Trung Quốc, dù các quan chức bóng đá cấp cao nước này đang cố gắng xây dựng hình ảnh đẹp cho Chinese Super League bằng cách đề ra lối hành xử văn hóa trên sân, bên cạnh việc chiêu mộ hàng loạt ngôi sao nổi tiếng của bóng đá thế giới như Axel Witsel, Oscar, Tevez, Alex Teixeira, Pelle, Ramires...
Năm 2009, tiền vệ Cui Peng của CLB Shandong Luneng từng bị treo giò 5 trận và nộp phạt khoảng 4.400 bảng (tương đương 120 triệu đồng), án phạt kỷ lục vào thời điểm đó, vì thúc cùi chỏ vào mặt một cầu thủ của CLB Shaanxi.
Trước đó, cầu Li Kai của CLB Dalian Shide cũng phải nộp phạt số tiền tương đương hơn 80 triệu đồng sau hành vi ném chai nước vào đám đông NHM. Khi đó, chủ tịch đương nhiệm của LĐBĐ Trung Quốc, Nan Yong tự tin tuyên bố, các án phạt nặng sẽ “làm sạch bóng đá Trung Quốc và loại bỏ các hành vi bạo lực trên sân cỏ”.
Nhưng thực tế lại vẫn chưa được như mong muốn, bằng chứng các sân cỏ Trung Quốc vẫn xuất hiện những pha bóng bạo lực. Trước khi Axel Witsel bị phạm lỗi, cựu cầu thủ Chelsea, Ramires và người đồng hương Alex Teixeira thậm chí còn bị đánh hội đồng ngay trên sân trong cuộc loạn đả giữa Jiangsu Suning và Wuhan Hongxing tại Cúp quốc gia Trung Quốc mùa Hè năm ngoái.
Video Ramires và Alex Teixeira bị đánh hội đồng ngay trên sân
Ở quốc gia láng giềng là thế, nhìn sang bóng đá Việt Nam, khán giả V.League cũng được chứng kiến vô số hành vi bạo lực rợn người. Riêng trung vệ Quế Ngọc Hải của CLB Sông Lam Nghệ An bị treo giò 6 tháng, phạt 15 triệu đồng và bồi thường hơn 800 triệu đồng chi phí chữa trị cho Anh Khoa, sau cú vào bóng nguy hiểm khiến tiền vệ của SHB Đà Nẵng gãy chân.
Đáng buồn ở chỗ, mới đây Anh Khoa đã phải giải nghệ sau 2 năm vật lộn điều trị chấn thương.
Chưa hết, thủ môn Bửu Ngọc của CLB XSKT.Cần Thơ cũng bị treo giò 4 trận, nộp phạt 15 triệu đồng với pha đạp thẳng vào đầu gối Duy Long của CLB Sài Gòn vào tháng 07 năm ngoái. Tất nhiên, đây chỉ là vài tình huống tiêu biểu trong vô số hành vi bạo lực sân cỏ tại Việt Nam, dù các án phạt ngày càng nặng thì có vẻ vẫn chưa giải quyết triệt để gốc rễ vấn nạn này.
Video 2 tình huống phạm lỗi của Ngọc Hải và Bửu Ngọc
Thực tế, bạo lực không chỉ xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới chức không riêng gì bóng đá Việt Nam, hay bóng đá Trung Quốc. Và ngay tại những nền bóng đá tiên tiến, treo giò và phạt tiền thật nặng cũng là cách làm phổ biến nhằm răn đe các cầu thủ.
Không nói đâu xa, Chelsea và Tottenham mới bị phạt kỷ lục 600.000 bảng (tương đương khoảng 17 tỷ đồng) vì không kiếm soát được cầu thủ khiến ẩu đả xảy ra giữa hai đội vào cuối mùa giải năm ngoái. Trước đó, CLB Hearts cũng từng bị LĐBĐ Scotland phạt 100.000 bảng (tương đương khoảng 2,8 tỷ đồng) vì lỗi tương tự vào năm 2011.
Trong quá khứ, Roy Keane thậm chí còn phải trả đủ 150.000 bảng (khoảng 4,2 tỷ đồng) để nộp phạt chỉ vì một phút bốc đồng, đạp gãy chân đối thủ Haaland bên phía Man City.
Ngược lại, một số cầu thủ cũng may mắn thoát án phạt tiền, dù hành vi của họ cực kỳ phi thể thao. Ví như Zlatan Ibrahimovic (3 trận) và Tyrone Mings (5 trận), một người giẫm vào mặt đối thủ, một người thúc cùi chỏ vào mặt đối phương để trả đũa, nhưng cả hai đều chỉ nhận án treo giò chứ không phải nộp bất kỳ xu nào.
Rạng sáng nay, Marcos Rojo tái hiện đúng tình huống phạm lỗi của Mings khi giẫm vào đầu của Eden Hazard. Nhưng liệu hậu vệ Man Utd có phải nộp phạt số tiền "bèo bọt" tương đương 1 tuần lương, hay chỉ bị treo giò vài trận (dự kiến là 5 trận) rồi lại vào sân và tiếp diễn những hành động tương tự?
Video chơi xấu của Ibrahimovic, Mings và Rojo
Rõ ràng, ngay cả khi bị phạt nặng thì không dễ loại tức thì bỏ những hành vi bạo lực. Nhưng án phạt nghiêm khắc là cần thiết, rất cần thiết. Và sau cùng tất cả phải trở lại vấn đề gốc rễ, đó là giáo dục và định hướng triết lý bóng đá "sạch", tinh thần Fair-play, tính nhân văn của thể thao nói chung cho các cầu thủ từ bé. Đó mới là cách phát triển bền vững!