Paolo Maldini: Nghề tay trái có “hái ra tiền”?

thứ sáu 22-5-2015 23:48:15 +07:00 0 bình luận
Paolo Maldini là cựu danh thủ thứ 3 sau David Beckham và Ronaldo béo đầu tư vào một đội bóng ở Mỹ.

Và cũng giống như 2 người đồng nghiệp, Maldini không bỏ ra cả đống tiền chỉ vì niềm đam mê bóng đá. Huyền thoại AC Milan cất công lặn lội từ Italia sang xứ Cờ hoa với mục đích lớn nhất là kiếm tiền, rất nhiều tiền.

t8

Tham vọng của Maldini

Thông tin Paolo Maldini sắp quay trở lại với bóng đá trong cương vị ông chủ của một đội bóng đang gây xôn xao dư luận Italia, châu Âu và dĩ nhiên là cả thành phố Miami, nơi nhận được sự đầu tư của huyền thoại AC Milan. Theo tiết lộ của truyền thông Italia, Maldini đang lên kế hoạch thành lập một đội bóng mới lấy tên là Miami FC. Đội bóng của anh sẽ bắt đầu thi đấu ở giải hạng 2 của Mỹ là North American Soccer League (NASL) từ năm 2016.

Để có thể triển khai dự án này, Paolo Maldini đã bắt tay hợp tác với tỷ phú Riccardo Silva, ông chủ của tập đoàn truyền thông MP & Silva (Media Partners & Silva Limited), đơn vị phân phối bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao hàng đầu thế giới như Premier League, La Liga, Serie A, Bundelisga, Ligue 1, MLS, NBA, Formula 1, …

Cựu đội trưởng AC Milan vui mừng chia sẻ với báo chí: “Tôi vui mừng và tự hào được là một phần của dự án này. Tôi rất tin tưởng vào sự phát triển của bóng đá Mỹ trong thời gian tới, và đây là một dự án hoàn hảo để phát triển một đội bóng hàng đầu tại một trong những thành phố quan trọng nhất trên thế giới. Chúng tôi tin rằng NASL đang phát triển vô cùng mạnh mẽ sẽ là nền tảng tuyệt vời để mang lại thành công cho đội bóng và lợi nhuận cho các nhà đầu tư”.

Đáng chú ý, Paolo Maldini luôn miệng khẳng định “Miami là quê hương thứ 2 của tôi trong 15 năm qua” và anh “rót tiền” vào Miami FC với mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của thể thao thành phố. Nhưng ở thời đại kim tiền như hiện nay, bao nhiêu người có thể tin Maldini bỏ ra cả một đống tiền chỉ vì… tình yêu? Mục đích chính của việc đầu tư phải là thu lợi nhuận. Ở một nền bóng đá còn chưa phát triển xứng với tiềm năng như Mỹ, cựu đội trưởng Milan sẽ có rất nhiều cơ hội để làm giàu.

Maldini có nhiều lợi thế hơn Beckham

Ngày 5/2/2014, David Beckham đạt được thỏa thuận sở hữu đội bóng Miami MLS. Nhưng hơn một năm sau ngày thành lập, NHM vẫn chưa biết đội bóng của Beckham sẽ bắt đầu thi đấu tại giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) vào lúc nào và ở đâu? Đề xuất xây dựng một sân vận động mới của Beckham đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân và chính quyền thành phố Miami. Hệ quả là đội bóng của anh có thể sẽ phải mượn tạm sân vận động của trường Đại học quốc tế Florida để bắt đầu thi đấu tại MLS vào năm 2017.

Liệu Paolo Maldini có rơi vào hoàn cảnh như Beckham? Một nguồn tin thân Maldini cho biết: “Câu lạc bộ của chúng tôi sẽ chơi bóng tại một trong những SVĐ hiện đại nhất thế giới ở Miami”. Lời tuyên bố này hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ ngoài Riccardo Silva, Paolo Maldini còn nhận được sự hỗ trợ của một nhóm các nhà đầu tư quốc tế, đứng đầu là Antonio Barreto – một vận động viên, một doanh nhân và quan trọng nhất, ông là một người con của thành phố Miami. Rõ ràng, Barreto hiểu rõ Miami và tiếng nói của ông sẽ có trọng lượng với người dân, chính quyền thành phố hơn hẳn Maldini và Riccardo Silva. Đó là lý do chính giúp ông được chọn làm Giám đốc điều hành của Miami FC.

Bên cạnh đó, đội bóng của Maldini còn nhận được sự ủng hộ lớn của Ban tổ chức NASL. Ông Bill Peterson, Ủy viên của NASL cho biết: “Việc thành lập Miami FC là một minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng của giải đấu, NASL ngày càng được biết đến rộng rãi trên bản đồ bóng đá thế giới. Riccardo Silva là một ông chủ tuyệt vời trong lĩnh vực truyền thông và ông ấy cùng những đối tác của mình đã quyết định sẽ đưa Miami và NASL trở thành một phần quan trọng của bóng đá thế giới. Chúng tôi tự hào được hỗ trợ họ thực hiện nhiệm vụ này”.

Lãi nhiều, rủi ro cũng không ít

Trong khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm chạp thì doanh thu của 20 đội bóng giàu nhất thế giới tăng tới 14% trong năm 2014, trong đó Real Madrid dẫn đầu với khoản tiền gần nửa tỷ bảng. Nếu chỉ nhìn vào thống kê của công ty Kiểm toán-Tài chính toàn cầu Deloitte, nhiều người sẽ nhầm tưởng rằng bóng đá đang là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Thực tế không hẳn như vậy.

Cần phải khẳng định rằng những CLB kiếm tiền giỏi chỉ tập trung ở châu Âu, những đội bóng đến từ các nền bóng đá “kém phát triển” như Mỹ rất khó thu hút được NHM thế giới và thu về những khoản lợi nhuận kếch xù từ bản quyền truyền hình. Cuối năm ngoái, cựu danh thủ Rivaldo đã phải rao bán CLB Mogi Mirim đang thi đấu tại giải hạng 3 Brazil vì lý do tài chính. Đội bóng Salford City của Ryan Giggs và Gary Neville chỉ là một đội bóng không chuyên đang thi đấu lẹt đẹt ở giải hạng 8 nước Anh và khó có thể trở thành một đội bóng chuyên nghiệp chứ chưa nói tới chuyện mang lại lợi nhuận lớn cho chủ đầu tư. Trong khi đó, Beckham vẫn đang loay hoay, chưa biết phải làm cách nào để có một sân bóng riêng ở Miami.

Tất cả đều cho thấy việc Maldini đầu tư vào Miami FC là một canh bạc không hơn không kém.

Với việc trở thành ông chủ của Miami FC, Paolo Maldini sẽ có cơ hội gặp lại 2 người đồng nghiệp cũ là David Beckham và Ronaldo béo. Nếu đội bóng Miami MLS của Beckham thi đấu ở giải MLS, thì Ronaldo lại có cổ phần ở Fort Lauderdale Strikers, một đội bóng có trụ sở ở Miami và cùng thi đấu ở giải NASL như Miami FC.

Trước khi lấn sân sang công việc kinh doanh bóng đá, Paolo Maldini từng thử sức trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thành công nhiều mà rắc rối cũng chẳng ít. Cựu đội trưởng AC Milan từng bị cáo buộc hối lộ và trốn thuế trong một dự án ở Tuscany.

NGUYỄN MAI

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm