Thắng đương nhiên vui, thua mai làm lại. Vận động viên chuyên nghiệp lại khác, họ bước vào mỗi trận đấu, mỗi cuộc thi không khác gì một luật sư bước vào phiên biện hộ, một bác sỹ chuẩn bị ca mổ… Nói cách khác, bóng đá cũng là một nghề để kiếm tiền.
Nhưng thể thao là công việc có đặc thù riêng, vô cùng khắc nghiệt; tuổi đời ngắn, rủi ro nghề nghiệp lớn. Hầu hết trong các môn thể thao, tuổi “hưu” của một vận động viên chuyên nghiệp thường ở ngưỡng 40. Nghiệt ngã hơn, ai đen đủi thì dính chấn thương nặng và phải dừng cuộc chơi giữa chừng.
Sự chuẩn bị cho cuộc sống sau khi giã từ sự nghiệp chính là điều đáng bàn ở đây. Con đường quen thuộc hay có thể nói sự lựa chọn khả dĩ nhất, duy nhất của các cựu cầu thủ là theo nghiệp HLV, hoặc ai may mắn hơn sẽ được CLB giữ lại và nhắm cho một vị trí tại đội bóng. Không phải ai cũng có con đường thuận lợi như vậy.
Số đông cầu thủ giải nghệ đều khó khăn trong việc tìm công việc kiếm sống và không phải ai cũng có tiềm lực kinh tế để tìm hướng khác. Những năm tháng chỉ biết quả bóng khiến họ bỏ qua học hành, dẫn đến không đủ hành trang để tránh xa những cám dỗ chết người trong suốt sự nghiệp và kết cục là trắng tay khi treo giày.
“Tôi nói với họ rằng sự nghiệp của họ không kéo dài như họ muốn và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lên kế hoạch tài chính nhưng đó là thực tế khó chấp nhận. Các cầu thủ rơi vào nhóm người không được giáo dục như người giàu khác xung quanh họ”, Peter Kelsey, người tư vấn cho những người giàu có, bao gồm các cầu thủ và diễn viên truyền hình tại Anh chia sẻ. Rất nhiều ngôi sao Premier League từng là triệu phú nhưng bị phá sản vì không quản lý được tài chính như Kelsey đề cập; có thể kể Keith Gillespie, Celestine Babayaro, Eric Djemba-Djemba…
Bóng đá Việt Nam cũng chứng kiến không ít trường hợp tương tự. Những bê bối về các vụ bán độ thời gian qua, về cầu thủ A hay B dính dáng đến chất gây nghiện càng khiến cái nhìn của xã hội đối với môi trường bóng đá tiêu cực hơn và làm các bậc phụ huynh e ngại cho con cái trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Đương nhiên đấy chỉ là trường hợp thiểu số, nhưng ở đời phàm cái gì xấu xa thường rất khó gột rửa.
Làm thế nào để thay đổi định kiến là chuyện không hề đơn giản.
Q. NGUYÊN