4 năm chiến tranh
Đó là một trận đấu mà họ phải thắng, trước một đối thủ họ cần đánh bại vì nhiều lý do. U.16 Syria đứng nghiêm trang khi quốc ca vang lên, trước trận đấu cuối cùng của họ ở vòng bảng giải AFC Championship tại Bangkok, Thái Lan vào năm ngoái.
Họ đã vượt qua những trở ngại lớn để có mặt tại đây. Kể từ năm 2011, Syria lâm vào nội chiến ác liệt và khiến hàng trăm nghìn người phải bỏ mạng. Hơn 7 triệu người mất nhà ở. 4 triệu người khác phải rời bỏ đất nước, sống tị nạn trong những khu trại tại Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Jordan, hay đặt số phận trong tay bọn buôn người trong hành trình đến châu Âu.
Trong khi đó, giải vô địch Syria vẫn diễn ra quanh ngoại ô thủ đô Damascus, khu vực vẫn thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. Mặc dù thế, chiến tranh chẳng từ nơi nào, chẳng buông tha một ai. Bom vẫn rơi trên những thành phố như Homs, Aleppo và giết chết hàng chục cầu thủ, còn một số gia nhập quân nổi dậy nhằm chống lại lực lượng của Tổng thống Bashar Al Assad.
Điều ngạc nhiên là cầu thủ trẻ Syria đã trưởng thành trong những hoàn cảnh như thế. Họ vượt qua vòng loại của một số giải khu vực, lọt vào tứ kết các giải U.16, U.19 và U.23 kể từ khi chiến tranh nổ ra. Thậm chí, U.23 Syria chỉ cách 90 phút là giành vé tham dự Olympic 2012.
Và giờ, họ đã có mặt ở Thái Lan để gặp Iran trong một trận đấu thực sự quan trọng. Chiến thắng sẽ đưa U.16 Syria lọt vào tứ kết và nếu vào đến bán kết, họ sẽ giành quyền tham dự giải U.17 thế giới trong tháng 10/2015 ở Chile.
Đội trưởng của U.16 Syria là tiền vệ Mohammed Jaddou, người đã đóng vai trò quan trọng giúp họ đánh bại U.16 Iran 2-1, trước khi đè bẹp U.16 Uzbekistan 5-2. Tiếc là Jaddou đã bị treo giò ở bán kết và không có cậu, U.16 Syria để thua 1-7 trước U.16 Hàn Quốc. Mặc dù thế, việc có mặt tại bán kết là đủ giúp họ có mặt tại Chile, trước lúc tất cả nhận ra điều gì đang xảy ra ở đất nước của mình.
Trốn khỏi Syria
Jaddou giờ đứng trong căn bếp của ngôi nhà mới tại một làng nhỏ ở miền nam nước Đức. Cậu sống tại đây cùng với 5 người Syria khác, trong đó có cha và chú, những người cũng đã phải rời bỏ đất nước của mình.
Bất chấp vai trò quan trọng của cậu với U.16, sức hút được tham dự một giải trẻ đã làm nên tên tuổi của những cầu thủ như Cesc Fabregas và Landon Donovon, Jaddou và gia đình quyết định dấn thân vào hành trình kinh hoàng kéo dài trong 2 tháng nhằm trốn khỏi Syria. Đầu tiên, họ đến Thổ Nhĩ Kỳ, rồi từ đó đi thuyền tới Italia, băng qua Địa Trung Hải, một chuyến đi mà theo Tổ chức di dân quốc tế, đã có hơn 2.000 người thiệt mạng trong năm 2015.
“Tôi sẽ không bao giờ quên được những gì xảy ra”, Jaddou nói về chuyến đi suýt khiến cậu mất mạng. “Chúng tôi tận mắt thấy chết chóc”.
Jaddou lớn lên ở thành phố bờ biển Latakia và được CLB địa phương Hutteen phát hiện khi mới 8 tuổi. Cậu bỏ học sau đó bởi bóng đá quan trọng hơn tất cả, trước lúc chiến tranh nổ ra. Chiến tranh ngày càng ác liệt và khiến việc đi lại của Jaddou khó khăn hơn vì các khu vực liên tục bị chính phủ, quân nổi dậy và lực lượng IS thay phiên nhau chiếm giữ. Chính trong những cuộc giao tranh như vậy, một đồng đội và là bạn thân nhất của Jaddou, cậu bé 15 tuổi Tarek Ghrair đã thiệt mạng ở Homs trước khi giải U.16 châu Á diễn ra ở Thái Lan. Jaddou đã giữ hình ảnh của Ghrair trên điện thoại của mình và khóc trong hai ngày. “Cậu ấy không phải là một người bạn. Cậu ấy là một người anh em”, Jaddou nhớ lại.
Điều tồi tệ nhất là Jaddou bị hai phía lôi kéo. Quân nổi dậy đe dọa cậu, trong khi chính phủ cũng dọa sẽ chấm dứt sự nghiệp của cậu nếu rời bỏ đội tuyển. Cái giá của một lời từ chối là không hề nhỏ, như trường hợp thủ môn Abdelbasset Saroot của Al Karama, đội bóng thành công nhất giải vô địch Syria, khi anh mấy lần chết hụt chỉ vì chống chính phủ. Còn theo kênh Al Arabiya, một thủ môn khác chơi cho đội tuyển Syria và Al Karama là Mosab Balhous đã bị cầm tù vì che giấu quân nổi dậy.
Mơ đến Ronaldo
Sức ép và nỗi sợ chơi bóng ở Syria với một cầu thủ trẻ như Jaddou là quá đủ. Đầu năm nay, cậu cố gắng đến Đức, đất nước mà cậu mơ ước được thi đấu tại đây từ khi còn nhỏ, nhưng không được do toàn đội chuẩn bị tham dự giải U.17 thế giới ở Chile. Lúc này, cha cậu bán nhà, vay mượn được 13.000 USD để trả cho bọn buôn người và đưa gia đình đến Thổ Nhĩ Kỳ, rồi họ đi thuyền tới Italia.
Con thuyền dài khoảng 66m chật kín người, tính ra hơn 130 đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Vì thế, chỉ 6 giờ sau khi khởi hành, nó bắt đầu chìm. Chúng tôi đã phải vứt hết mọi thứ xuống biển, quần áo, đồ ăn, để giữ cho thuyền nổi, Jaddou nhớ lại. Không ai dám chợp mắt dù một giây. Nếu chúng tôi ngủ và không tát nước ra khỏi thuyền, chúng tôi sẽ chết hết”.
Cho đến lúc lực lượng an ninh Italia phát hiện ra con thuyền ở ngoài khơi Sicily, Jaddou lênh đênh trên biển trong 5 ngày và cả 5 ngày không ngủ.
Khi đến Italia, Jaddou di chuyển lên phía bắc cùng cha và chú cho tới lúc họ đến Milan. Họ ngủ vạ vật ở nhà ga thành phố và tiêu những đồng cuối cùng khi trả tiền cho một tay buôn người lái xe đưa họ tới Munich. Cuối cùng thì họ cũng dừng chân trên ngọn đồi ở ngoại ô thị trấn nhỏ Oberstaufen, gần biên giới Áo và Thụy Sĩ.
Lúc này đây, Jaddou đang tập luyện cùng Ravensburg, một đội bóng ở hạng 5 của Đức. Ravensburg có đội U.19 rất khá và nhiều cầu thủ trong số họ đã khoác áo Freiburg ở giải Bundesliga.
Ít nhất thì Jaddou giờ đã an toàn. Mặc dù vậy, cậu vẫn lo sợ sẽ bị trục xuất khỏi Đức và càng lo hơn khi mẹ cùng hai cậu em trai còn chưa thoát khỏi Syria.
Ước mơ của Jaddou là khoác áo một CLB hàng đầu châu Âu ở Bundesliga hay bất cứ đâu và được thi đấu với thần tượng Cristiano Ronaldo. Sau cùng thì Syria bị tàn phá tan hoang và bóng đá đã biến mất, như cậu bé nói.
Mạnh Hào
Giải U.17 thế giới tại Chile sẽ khởi tranh từ ngày 17/10 và kéo dài đến ngày 08/11 với 24 đội tham dự. U.17 Syria nằm ở bảng F cùng Pháp, New Zealand và Paraguay. Họ là một trong 3 đại diện của châu Á, bên cạnh Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.