Gruppo Zucchi là tập đoàn dệt may có tiếng tại Italia. Năm 2009, Buffon đầu tư vào tập đoàn này với 2% cổ phần, rồi tăng dần lên từ 11%, 20% và cuối cùng là với 20 triệu euro, thủ thành Juventus và ĐT Italia nắm giữ tới 56% cổ phần, giành quyền kiểm soát Zucchi.
Nhưng từ khi Buffon trở thành ông chủ mới của Zucchi thì hoạt động kinh doanh của tập đoàn này lại xuống dốc thảm hại. Năm 2010, một năm sau khi “Người nhện” trở thành sếp lớn, Zucchi lỗ 20,2 triệu euro. Đến năm 2013, Zucchi tiếp tục lao dốc với khoản lỗ 20,7 triệu euro. Trước thực trạng này, cuối năm 2013, Buffon cùng các cổ đông đã phải tiếp xúc với các ngân hàng chủ nợ, đồng thời cũng là những cổ đông gồm Unicredit (4,727% cổ phần), Intesa Sanpaolo (3,466%) và Popolare di Milano (2,521%) để tái cấu trúc lại công ty, xin vay thêm vốn để tiếp tục hoạt động.
Nhưng đến cuối tháng 12 năm ngoái, tình hình bi đát không được cứu vãn, số nợ của Zucchi tăng lên tới 92 triệu euro. Do vậy, hội đồng quản trị đã phải ủy quyền cho Chủ tịch tập đoàn, ông Matteo Zucchi triệu tập Đại hội đồng cổ đông để quyết định vận mệnh của Zucchi trong cuộc họp cuối tháng 03/2015. Trong cuộc họp này, Buffon lại thuyết phục các ngân hàng cổ đông tiếp tục bơm vốn nhưng bị từ chối, vì Zucchi làm ăn không hiệu quả, vi phạm các nghĩa vụ tài chính như cam kết năm 2013.
Để cứu công ty tránh khỏi tình trạng phá sản trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ và bết bát như hiện nay, các cổ đông lớn như Buffon cần đầu tư thêm ít nhất 26 triệu euro. Nhưng tiền ở đâu ra? Hoạt động của Zucchi thực chất đóng băng từ tháng 04/2015 để chờ các nhà đầu tư.
Ai cứu Zucchi? Theo nguồn tin từ Sole 24 Ore, Buffon đã chấp nhận “giải pháp an toàn” là chấp nhận mất trắng 20 triệu euro, nhượng lại toàn bộ 56% cổ Zucchi cho quỹ đầu tư của nước Pháp, Astrance Capital SAS. Trước mắt, Astrance Capital SAS sẽ cơ cấu lại các khoản nợ, đầu tư 10 triệu euro tái hoạt động Zucchi. Các nhà phân tích cho rằng, Buffon nên tập trung cứu Scudetto cho Juventus, hơn là cứu Zucchi, bởi kinh doanh nằm ngoài khả năng của anh.
Tân Phong