Dưới đây chính là 7 thương vụ chuyển nhượng thần kỳ đã trở thành tiền đề cho những câu chuyện cổ tích như vậy.
1.Eric Cantona – Manchester United (1992/93)
Thời điểm tháng Mười Một năm 1992, M.U của Sir Alex Ferguson đang rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng khi chỉ đứng thứ 10 trên bảng xếp hạng Premier League, mùa giải đầu tiên chuyển đổi từ giải hạng nhất sang giải Ngoại hạng Anh. Trải qua 15 trận, Quỷ đỏ chỉ ghi được vỏn vẹn 14 bàn, giành chiến thắng 5 lần, một thành tích quá đỗi nghèo nàn để người hâm mộ sân Old Trafford nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn dành cho thầy trò Fergie.
Mặc dù vậy, cú điện thoại đến Leeds United cùng bản hợp đồng mang tên Eric Cantona sau đó đã dần dần thay đổi tất cả. Rất nhanh chóng, cựu danh thủ người Pháp trở thành một vầng hào quang mới tại M.U đồng thời góp công lớn (ghi 15 bàn thắng) giúp cho đội bóng thành Manchester giành được chức vô địch quốc gia sau 26 năm dài chờ đợi.
Bằng trí tưởng tượng phong phú của một người nghệ sĩ cũng như niềm đam mê đích thực đối với thế giới bóng đá, Cantona chính là “chất xúc tác” quan trọng kéo Quỷ đỏ vượt qua cơn khủng hoảng. Để rồi lần đầu tiên sau ngần ấy năm, người hâm mộ M.U cũng phần nào được tái hiện lại hình ảnh của những huyền thoại Denis Law, George Best hay Bobby Charlton, sau khi chứng kiến Cantona thi đấu.
2.Dennis Bergkamp – Arsenal (1995/96)
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Arsenal là một đội bóng hoàn toàn khác biệt so với những gì mà Pháo thủ vẫn đang trình diễn vào thời điểm hiện tại. Tính trung bình từ mùa giải 92/93 cho đến 94/95, đội bóng thành London chỉ ghi được vỏn vẹn 48 bàn thắng mỗi mùa. Tuy nhiên, bước ngoặt đã diễn ra kể từ khi ban lãnh đạo CLB quyết định chiêu mộ tiền đạo người Hà Lan, Dennis Bergkamp với mức giá 7,5 triệu bảng, một con số kỷ lục thời bấy giờ.
Cộng thêm sự xuất hiện của HLV Arsene Wenger sau đó, bằng một phong cách mới có phần phóng khoáng hơn trong tấn công đồng thời linh hoạt hơn về mặt đấu pháp, Bergkamp đã trở thành một “số 10” hoàn hảo bên phía Arsenal. Sở hữu sự nhạy cảm tuyệt vời của một “trequartista” truyền thống (số 10 cổ điển), ngôi sao người Hà Lan chính là điểm tựa quan trọng để “Giáo sư” gây dựng nên một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho Pháo thủ.
3.Claude Makelele – Chelsea (2003/04)
“Makelele sở hữu nền tảng kỹ thuật cá nhân ở mức độ trung bình, thiếu tốc độ và kỹ năng cần thiết để vượt qua đối thủ. Hơn 90% đường chuyền của cậu ấy là chuyền ngang hoặc đưa bóng về phía sau. Bản thân Makelele cũng hiếm khi thực hiện được những đường chuyền ở cự ly dài hơn 3 mét”, đây chính là lời nhận xét của Chủ tịch Florentino Perez dành cho cựu tiền vệ người Pháp.
Hơn một thập kỷ trước, Makelele đã trở thành nạn nhân tiêu biểu đến từ chính sách Galaticos diễn ra tại Real Madrid. Dưới sự hào nhoáng của những siêu sao như Zidane hay Figo, Makelele đã phải chấp nhận chuyển sang thi đấu cho Chelsea. Mặc dù vậy, chẳng mấy ai ngờ rằng điều này lại là bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với The Blues. Chính nhờ sự hiện diện đáng tin cậy của Makelele ở phía sau mà Lampard đã liên tiếp trải qua những mùa bóng bùng nổ, qua đó góp công lớn giúp Chelsea chấm dứt cơn khát danh hiệu vô địch quốc gia vào năm 2005.
4.Edgar Davids – Barcelona (2003/04)
Mùa Đông năm 2003, thời điểm mà thầy trò HLV Frank Rijkaard đang sa lầy ở nửa dưới bảng xếp hạng La Liga, cộng thêm quãng thời gian “trắng tay” kéo dài suốt từ năm 1999, bầu không khí u ám dường như đã bao trùm trên khắp sân Nou Camp. Tuy nhiên, bằng sự xuất hiện tài tình của Edgar Davids với một bản hợp đồng cho mượn 6 tháng, mọi thứ bỗng dưng trở nên thay đổi hoàn toàn.
Trong vai trò của một tiền vệ phòng ngự thuần túy, ngôi sao người Hà Lan với những tiếng “gầm gừ” quen thuộc đã khiến giới mộ điệu phải đặt cho anh biệt danh “Pit-bull”. Edgar Davids không chỉ mang đến chất thép cần thiết cho tuyến giữa Barca mà còn lần lượt giải phóng cả Ronaldinho lẫn Xavi Hernandez khỏi nhiệm vụ phòng ngự. Bằng một hành trình kỳ diệu trong giai đoạn lượt về mùa giải 2003/04, đội bóng xứ Catalonia đã trải qua chuỗi 17 trận liên tiếp bất bại (chỉ hòa 3 trận) đồng thời cán đích ở vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng.
Mùa giải tiếp theo, Barca đăng quang chức vô địch và bắt đầu tạo nền tảng cho một thập kỷ thống trị thế giới túc cầu. Đương nhiên, vai trò của Edgar Davids cũng phần nào trở nên thầm lặng hơn. Mặc dù vậy, tất cả đều hiểu rằng, tiền vệ người Hà Lan với cặp kính đen huyền thoại chính là nhân tố đã phần nào mang đến những hiệu ứng khác biệt cho CLB chủ sân Nou Camp.
5.Juninho Pernambucano – Lyon (2001/02)
Trước mùa giải 2001/02, Lyon chưa bao giờ giành được chức vô địch nước Pháp trong suốt lịch sử 102 năm tồn tại. Tuy nhiên, bằng một “phép màu” lạ thường nào đó mà theo như người ta lý giải, bắt nguồn từ niềm cảm hứng mang tên Juninho, đội bóng chủ sân Gerland thậm chí đã thống trị Ligue 1 trong vòng 7 năm liên tiếp (từ 2001/2002 đến 2007/2008), đoạt được tổng cộng 14 danh hiệu lớn nhỏ.
Khả năng chuyền bóng chuẩn mực ở vị trí tiền vệ trung tâm giúp Juninho dễ dàng biến mọi trận đấu trở thành trò chơi do chính mình kiểm soát. Theo thống kê, trong số 100 bàn thắng của huyền thoại người Brazil cho Lyon, có tới 44 tình huống là sút phạt bóng chết, một thành tích mà có lẽ đến David Beckham cũng phải ghen tị.
Sự xuất hiện của Juninho trên sân cỏ đã giúp đội bóng nước Pháp trở thành một tập thể hoàn toàn khác biệt, sẵn sàng tiếp cận khung thành đối phương từ mọi tình huống tưởng chừng như đơn giản nhất. Bản thân Juninho, chính là một di sản đích thực của thế giới bóng đá.
6.Andrea Pirlo – Juventus (2011/12)
Mười năm cống hiến trong màu áo AC Milan đã chấm dứt với Pirlo bằng một bản hợp đồng tự do để chuyển sang Juventus. Dưới thời HLV Max Allegri, tiền vệ người Italia không còn chỗ đứng ở sân San Siro. Tuy nhiên, đối với Antonio Conte, một nghệ sĩ đích thực Pirlo lại là một tài sản vô cùng quý giá.
Trong vai trò của một “regista” thuần túy (tiền vệ tổ chức lùi sâu), đồng thời được bao bọc bởi những “box-to-box” (tiền vệ con thoi) như Marchisio, Vidal hay về sau là Pogba, cựu ngôi sao Milan đã nhanh chóng phát huy trọn vẹn khả năng chuyền bóng ma thuật của mình. Mùa giải 2011/12, Juventus lần đầu tiên đoạt Scudetto kể từ sau vụ scandal Calciopoli năm 2006 khiến Lão Bà rơi vào khủng hoảng (phải xuống chơi ở Serie B).
Liên tiếp những năm qua, đội bóng thành Turin vẫn duy trì sự thống trị ở Serie A nhờ vào nguồn cảm hứng mang tên Pirlo. Thậm chí, ngay cả khi Conte đã ra đi thì Pirlo vẫn tiếp tục giữ vai trò là “hạt nhân” quan trọng nhất giúp cho Bianconeri lọt vào trận chung kết Champions League mùa giải năm ngoái, dưới thời Allegri, người từng ruồng rẫy anh ở Milan.
7.Gabriel Batistuta – AS Roma (2000/01)
Trải qua phần lớn thời gian của sự nghiệp trong màu áo Fiorentina, cái tên Batistuta đã trở thành một biểu tượng sống ở thành phố Florence. Thế nhưng, phải đến khi quyết định chia tay đội bóng chủ sân Artemio Franchi vào năm 2000, cựu danh thủ người Argentina mới giành được danh hiệu Scudetto đầu tiên và cũng là cuối cùng trong sự nghiệp, tại AS Roma.
Chấp nhận chi ra tới 23,5 triệu bảng cho một tiền đạo chuẩn bị bước sang “tuổi băm”, nhiều người nghĩ rằng Fabio Capello là một “kẻ điên”. Tuy nhiên, bằng phong độ tuyệt vời của một sát thủ đích thực bên cạnh những người đồng đội tài năng khác, như Franncesco Totti hay Vincenzo Montella chẳng hạn, “Vua sư tử” (biệt danh của Batistuta) đã ghi tổng cộng 20 bàn thắng ngay trong mùa giải đầu tiên thi đấu cho Giallorossi đồng thời giúp các Romanista giải cơn khát vô địch Serie A sau 18 năm dài chờ đợi.