Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Chiến thắng 4-1 của Chelsea trước Walsall ở League Cup rạng sáng qua có thể xem như bằng chứng mới và hùng hồn nhất cho thấy… tiền lương trong bóng đá đang lạm phát tới mức lố bịch như thế nào. Bởi lẽ, đây mới là lần đầu tiên Radamel Falcao được đá chính từ lúc đến Chelsea, nhưng sự kiện này xem ra chẳng hay ho cho lắm, vì ngôi sao người Colombia không ghi nổi bàn nào trước đội bóng có tổng giá trị chỉ tương đương với tiền lương một tuần của anh. Chính xác hơn, Falcao đang được hưởng 140.000 bảng/tuần, trong lúc tổng số tiền mà ban lãnh đạo CLB thuộc League One này từng bỏ ra để tậu toàn bộ lực lượng hiện nay chỉ tốn 150.000 bảng.
Thực trạng này giải thích tại sao tiền lương của cầu thủ đang trở thành vấn đề nhạy cảm và dễ gây bức xúc cho các giới khác, đặc biệt nếu nhớ rằng Falcao hiện chẳng phải siêu sao cỡ như Lionel Messi hoặc Cristiano Ronaldo, mà chỉ là “hàng lởm” từng bị Man Utd rủ bỏ, Monaco không muốn giữ, còn Chelsea đang thử nghiệm để xem HLV Jose Mourinho có thể giúp tiền đạo này tìm lại phong độ đỉnh cao trước lúc chấn thương nghỉ đá gần một năm hay không. Thế nhưng, các thành viên của Walsall ắt hẳn chỉ càng cảm thấy “đắng lòng” hơn nếu phải gặp Falcao sớm hơn một năm, lúc chân sút này còn được nhận tới 285.000 bảng/tuần ở Man Utd. Dù vậy, cuộc hội ngộ kỳ dị rạng sáng qua trên sân Bescot có lẽ cũng đủ khiến các CLB bên ngoài Premier League cảm thấy tủi thân, nếu biết rằng mức lương “khủng” như vậy vẫn chưa đủ để Falcao chen được vào Top 10 ở Anh.
Tiếc con săn sắt, mất bầy cá rô
Nhưng nếu cần tìm kẻ để trút giận, các CLB nhỏ xem ra cần phải lặn lội sang Bỉ và ngược dòng thời gian trở lại thời điểm của năm 1990 để đè ban lãnh đạo RFC de Liege ra đập một trận nhừ tử. Bởi đấy chính là lúc họ quyết định thanh lý hợp đồng với Jean-Marc Bosman. Nhưng thay vì phải trả 2.180 bảng, họ chỉ dự định thanh toán vỏn vẹn 540 bảng. Nào ngờ, ý định tiết kiệm 1.640 bảng của Liege đã đẩy mọi CLB châu Âu vào cảnh trầm luân trong vòng xoáy của đồng tiền, cũng như giúp các cầu thủ hàng đầu cùng đại diện của họ đếm tiền mệt mỏi.
Bởi lẽ, ở mùa 1995/96, quỹ lương của các CLB Bundesliga chỉ chiếm 1/3 tổng chi phí. Đấy cũng là tình hình chung ở Premier League, Serie A hoặc Ligue 1. Chẳng hạn ở Italia, 20 CLB Serie A có tổng quỹ lương 189 triệu bảng, bình quân 9 triệu bảng/CLB, trong lúc Anh lần lượt là 197 triệu bảng và gần 10 triệu bảng/CLB. Nhưng đến mùa 1999/2000, quỹ lương ở Premier League đã tăng tới 319%. Đến năm 2003, quỹ lương của Serie A đã đội lên tới 453%. Còn ở La Liga năm 1998, quỹ lương chiếm tới 45% ngân sách hoạt động so với 3 năm trước chỉ có 33%, cùng lúc ở Đức, thông số này là 50%.
Bosman ra đường, cầu thủ lên hương
Về phần Bosman, tiền vệ này cũng chẳng vui sướng gì: Hiện là kẻ nát rượu và sống lay lắt dựa vào gần 1 triệu bảng mà UEFA bồi thường sau phán quyết ngày 15/12/1995, anh thất nghiệp suốt 20 năm qua và ngày càng cảm thấy ấm ức do mọi nỗ lực của bản thân hóa ra chỉ để làm giàu cho kẻ khác. Vì nếu vào năm 2000, khi Roy Keane trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử kiếm được tới 50.000 bảng/tuần thì ngày nay, đấy chỉ là thu nhập của nhiều cầu thủ thuộc loại trung bình ở Premier League.
Còn theo thống kê gần đây của FIFA thì từ năm 2013, những cầu thủ được chuyển nhượng quốc tế với giá ít nhất là 26 triệu bảng đều được trả lương bình quân tới 5,8 triệu bảng/năm, tương đương 111.538 bảng/tuần. Nếu chỉ tính 26 vụ chuyển nhượng đắt giá nhất, mỗi cầu thủ liên quan đều bỏ túi khoảng 12,4 triệu bảng/năm, tương đương 238.462 bảng/tuần. Còn nếu tính rộng ra thì chỉ cần đó là một vụ chuyển nhượng quốc tế, cầu thủ liên quan đều được nhận bình quân 260.000 bảng/năm. Đấy là thu nhập mà mọi ngành nghề khác đều ao ước. Đồng thời, đấy cũng là gánh nặng khiến các CLB châu Âu đang ngày càng cảm thấy quá tải, nhưng vẫn phải cắn răng thừa nhận và mắng thầm ban lãnh đạo Liege.
Minh Châu