Lãi gì bằng buôn cầu thủ: Đi tìm chân dung "con buôn" (bài 2)

thứ tư 20-7-2016 8:45:04 +07:00 0 bình luận
Mua bán cầu thủ thực sự đã giúp cho "các con buôn" như người đại diện, các CLB hay công ty kinh doanh quyền sở hữu cầu thủ giàu lên nhanh chóng.

Mua bán cầu thủ thực sự đã giúp cho "các con buôn" như người đại diện, các CLB hay công ty kinh doanh quyền sở hữu cầu thủ giàu lên nhanh chóng. 

Những trạm trung chuyển ở châu Âu

Với các cầu thủ vô danh ngoài châu Âu, muốn ngay lập tức kiếm tìm cơ hội chơi bóng tại cựu lục địa là chuyện không đơn giản. Nguyên nhân một phần là do giấy phép hành nghề, "tấm bằng" mà những lao động bên ngoài khối EU phải kiếm cho bằng được.

Kế đến là hộ chiếu EU nhằm giúp các ngoại binh có giá hơn, vì CLB muốn có họ không sợ mất 1 suất dành cho cầu thủ ngoài châu Âu. Trước khi Liên hiệp Anh tách ra khỏi EU, tấm hộ chiếu này càng có giá trị do giấy phép hành nghề ở Anh rất khắt khe.

Vậy là những nước vừa có chế độ cởi mở với làn sóng người nhập cư, vừa có hệ thống cơ sở hạ tầng danh cho bóng đá khá ổn như Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha và kể cả Pháp đã trở thành trạm trung chuyển lý tưởng cho các ngoại binh.

Royal Antwerp (áo sọc) từng đào tạo cầu thủ giùm Man Utd.
Royal Antwerp (áo sọc) từng đào tạo cầu thủ giùm Man Utd.

Trong đó, các cầu thủ gốc Phi thường chọn điểm đặt chân đầu tiên là Pháp, Bỉ hoặc Hà Lan do có mối quan hệ đô hộ - thuộc địa ngày trước. Tương tự là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha với khu vực Nam Mỹ, chưa kể Bồ Đào Nha còn có quy chế biệt đãi những người đến từ Brazil.

Hệ quả là từ đây, bóng đá châu Âu hình thành những mối quan hệ mang tính cung và cầu, như Royal Antwerp (Bỉ) thường đào tạo cầu thủ hộ cho Man Utd, Vitesse Arnhem (Hà Lan) sắm vai trò tương tự với Chelsea, VVV-Venlo (Hà Lan) làm trạm trung chuyển đến West Ham, thậm chí Lille (Pháp) cũng chuyên bán cầu thủ cho Newcastle.

Nổi bật trong số các CLB được coi như trạm trung chuyển và nói thẳng ra là "con buôn cầu thủ" phải kể tới Porto, đội bóng kiếm tiền bằng công thức cổ điển là mua rẻ, bán đắt từ sau ngày được Jose Mourinho đưa đến ngôi vô địch Champions League năm 2004.

Porto độc chiếm ngôi đầu danh sách các đội bóng bán cầu thủ kiếm lời khủng trong giai đoạn từ 2005/06 đến nay, khi xuất khẩu hàng tá cầu thủ mà trong đó có không ít ngôi sao đắt giá. Ở đây có thể kể ra như trường hợp của Jackson Martínez đến Atlético Madrid 37 triệu euro, Danilo sang Real 31 triệu euro, chưa kể Eliaquim Mangala (Man City, 30 triệu euro), James Rodriguez (Monaco, 45 triệu euro), Hulk (Zenit, 55 triệu euro), Radamel Falcao (Atlético Madrid, 40 triệu euro), Ricardo Carvalho (Chelsea, 30 triệu euro)… Thường thì số tiền lãi từ kinh doanh cầu thủ chiếm đến 60% doanh thu mỗi mùa của CLB này.

Không khó nhận ra hiện trạng này qua các con số chi và thu vào của Porto từ thị trường chuyển nhượng. Ví dụ như mùa trước, họ bỏ ra khoảng 44 triệu euro để bổ sung lực lượng, nhưng thu đến gần 140 triệu euro do bán cầu thủ. Mùa 2014/15 cũng không khác, khi Porto dùng 44 triệu euro mua cầu thủ mới, nhưng khoản chi ấy chỉ bằng khoảng 1/2 số tiền thu về nhờ thanh lý cầu thủ.

Porto kiếm tiền bằng công thức mua rẻ, bán đắt.
Porto kiếm tiền bằng công thức mua rẻ, bán đắt.

Thành công của Porto đến từ 2 điểm đáng chú ý: Tận dụng triệt để chính sách ưu đãi từ phía chính phủ BĐN đối với những cầu thủ đến từ Brazil và đội bóng này thường xuyên dự Champions League. Nhờ đó, Porto không cần trả lương cao vẫn thu hút nhiều ngoại binh chất lượng từ xứ sở Samba do họ có cơ hội “chào hàng” trước các đội lớn ở Champions League.

Hệ quả là trong hơn thập niên qua, không có mùa nào mà số tiền Porto chi cho mua sắm cao hơn so với thu được bằng cách bán cầu thủ, và thường thì chênh lệch tính bằng hàng chục triệu cho tới cả trăm triệu euro. Dù vậy, truyền thông quốc tế vẫn ví von Porto như quả bom nổ chậm, vì đâu phải lúc nào họ cũng đảm bảo dự Champions League cũng như tìm được lực lượng kế thừa xứng đáng như bao năm qua và quan trọng là xây dựng hình ảnh một CLB giàu tham vọng chinh phục các danh hiệu.

Giampaolo Pozzo - mô hình con buôn hiện đại

So với cách làm của BLĐ Porto, cách làm của doanh nhân Italia, Giampaolo Pozzo rất khác: Ông này sở hữu một lúc 3 CLB, bao gồm Udinese (Italia), Watford (Anh) và Granada (Tây Ban Nha).

Nhờ đó, Giampaolo Pozzo thoải mái chuyển đổi cầu thủ giữa 3 CLB để vừa giúp họ trụ hạng, vừa tạo điều kiện để trui rèn cầu thủ, đặc biệt ở những môi trường khác nhau, đồng thời còn là cơ hội giới thiệu cầu thủ để bán.

Giampaolo Pozzo triển khai mô hình 3 CLB - 1 ông chủ.
Giampaolo Pozzo triển khai mô hình 3 CLB - 1 ông chủ.

Hiệu quả của cách làm này không khó nhận ra, chỉ cần xét đến các vụ giao dịch liên qua tới 9 cầu thủ như Handanovič, Sanchez, Isla, Inler, Candreva, Asamoah, Dossena, Benatia, Pereya. Udinese đã bỏ ra tổng cộng chỉ 8,9 triệu euro để mua họ, nhưng thu về tới hơn 144 triệu euro khi bán ra. Thử hỏi còn có nghề nào kiếm tiền sướng như thế?

Do đó, đừng bất ngờ khi cách làm này giúp Udinese thường đứng trong danh sách các CLB kiếm tiền nhiều nhất châu Âu nhờ bán cầu thủ (Alexis Sanchez, Benatia, Zapata, Handanovic, Candreva, Cuadrado...) mà vẫn yên ổn ở Serie A.

Trong khi ấy, Watford và Granada dù chơi phập phù ở Premier League và La Liga thì không thể phủ nhận rằng những đội bóng này vẫn rất thành công do hầu như không phải bỏ tiền để tăng cường lực lượng, mà nếu có thì các phi vụ lớn hầu như đều "tiền ta vào túi ta" do dính líu tới Udinese.

Ngoại lệ chỉ có mùa qua 2015/16 là Watford bạo chi với 71 triệu euro, nhưng lý do không khó hiểu: Giampaolo Pozzo muốn CLB của ông trụ hạng ở mùa đầu dự Premier League, chưa kể thu nhập từ bản quyền truyền hình ở Anh đảm bảo giảm thiểu tổng chi phí mua sắm. Hơn nữa, ông vẫn tỏ ra rất biết cách kiếm tiền từ việc chuyển nhượng cầu thủ khi 2 trong các vụ chiêu mộ lớn nhất của Watford đều có đối tác là Udinese.

Mô hình công ty quản lý cầu thủ

Trong thế giới con buôn cầu thủ, công ty quản lý cầu thủ cũng là đối tượng hưởng lợi rất lớn từ thị trường chuyển nhượng. Mô hình này thường thấy ở thị trường Nam Mỹ, như DIS Esporte cũng là con buôn có hạng.

Trên thực tế, những công ty như DIS Esporte bị xem như bên thứ 3 nắm quyền sở hữu cầu thủ, sau CLB và bản thân cầu thủ. Đây là điều mà FIFA đã cấm tiệt, sau khi quyết định hủy bỏ quyền đồng sở hữu nổi tiếng của làng bóng Italia năm ngoái.

DIS Esporte nắm tới 68% quyền sở hữu hình ảnh thương mại của Ganso.
DIS Esporte nắm tới 68% quyền sở hữu hình ảnh thương mại của Ganso.

Dù vậy, mô hình này vẫn tồn tại và sống khỏe. Bằng chứng là năm trước, gia đình Neymar từng bán 40% quyền sở hữu giá trị thương mại của ngôi sao Barcelona cho DIS Esporte.

Hoặc ở Hè 2016, Sevilla vừa mua Paulo Henrique Ganso từ Sao Paulo (Brazil) với giá 10 triệu euro, nhưng phi vụ chỉ chốt lại sau khi nhận được sự đồng ý từ DIS Esporte, công ty nắm tới 68% quyền sở hữu hình ảnh thương mại của cầu thủ này.

Khi người đại diện cũng là con buôn

Điều đáng chú ý nữa là việc buôn bán cầu thủ chính là quan hệ mật thiết cầu thủ - người đại diện. Trong môi trường bóng đá hiện đại, những tay đại diện lắm mưu mô như Jorge Mendes, Mino Raiola không còn đơn thuần chỉ lo giải quyết đàm phán hợp đồng cho các thân chủ mà còn đạo diễn cả những vụ chuyển nhượng và những kế hoạch đánh bóng tên tuổi nhằm thổi phồng giá trị của thân chủ.

Chẳng hạn tại Real Madrid, Cristiano Ronaldo phải là cầu thủ có giá chuyển nhượng cao nhất để đánh bóng thêm hình ảnh của CR7 nhằm tăng thêm giá trị quảng cáo. Điều đó giải thích tại sao Real Madrid từng giấu kín giá trị chuyển nhượng thật của Gareth Bale là 90 triệu bảng, thay vì 78 triệu bảng như ban đầu, vì Cristiano Ronaldo rời Man Utd đến Bernabeu 4 năm trước chỉ với giá 80 triệu bảng.

Tại Real Madrid, Cristiano Ronaldo phải là cầu thủ có giá chuyển nhượng cao nhất để đánh bóng thêm hình ảnh của CR7.
Tại Real Madrid, Cristiano Ronaldo phải là cầu thủ có giá chuyển nhượng cao nhất để đánh bóng thêm hình ảnh của CR7.

Và tất nhiên, đằng sau các vụ chuyển nhượng đình đám ấy phải có ảnh hưởng của các siêu cò có quan hệ mập mờ với các HLV hoặc ban lãnh đạo CLB như Jorge Mendes, Mino Raiola hoặc Pere Guardiola – những người được hưởng hoa hồng từ cả hai phía trong mọi vụ chuyển nhượng.

Đơn cử như từ hồi hợp tác với Jose Mourinho năm 2004, Jorge Mendes từng đưa một loạt thân chủ của ông ta như Ricardo Carvalho, Paulo Ferreira, Tiago và Maniche theo chân “người đặc biệt” sang Chelsea. Vụ giao dịch ấn tượng nhất là lúc Jorge Mendes kéo Diego Costa đến Chelsea giúp Jose Mourinho xây dựng đội hình ưng ý để giành ngôi vô địch Premier League 2014/15, sau khi chủ động ép Atletico Madrid không được bán tiền đạo này với giá rẻ hơn trước đó 12 tháng. 

Bao giờ bong bóng nổ?

Thế nhưng, kiếm tiền dễ quá sẽ khiến người trong cuộc khó nắm bắt đâu là điểm dừng. Mới đây, Philippe Piat – chủ tịch Hiệp hội cầu thủ nhà nghề thế giới (FIFPro) có cơ sở để lo ngại thị trường chuyển nhượng giờ ngày càng giống bong bóng có nguy cơ nổ tung bất cứ lúc nào.

Philippe Piat – chủ tịch Hiệp hội cầu thủ nhà nghề thế giới (FIFPro)

Philippe Piat – chủ tịch Hiệp hội cầu thủ nhà nghề thế giới (FIFPro)

Philippe Piat giải thích: “Khi một cầu thủ Bỉ như Kevin De Bruyne được bán với giá 80 triệu euro, chủ tịch Real Madrid có thể hét giá Cristiano Ronaldo đến 1 tỷ euro. Ngược lại, có nhiều cầu thủ không tốn phí ở khắp các giải VĐQG tại Đông Âu hoặc Nam Mỹ. Giá trị cầu thủ đang bị thổi phồng quá đáng và giá trị của cả TTCN cũng bị ảnh hưởng. Không ai biết giá cầu thủ còn phi mã tới đâu, nhưng rủi ro TTCN sụp đổ vì những mức giá không tưởng là có thể nhìn thấy”.

Đúng là thị trường chuyển nhượng ngày càng mong manh do thực tế, có tới 67% giá trị các vụ chuyển nhượng chỉ được trao tay giữa các CLB thuộc 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, với 100 CLB, và trong đó chỉ có chừng 10-20 các CLB lớn giàu tiềm lực tài chính chi phối, như tiết lộ của Jonas Baer-Hoffmann - giám đốc chính sách ở FIFPro.

Hãy nhớ, bản thân nhiều CLB lớn giờ đang sống nhờ vào bầu sữa của các ông chủ đại gia và thật khó tưởng tượng liệu một ngày họ kiếm đâu ra tiền để mua cầu thủ nếu bầu sữa bị cắt. Hẳn những Chelsea, Man City... không bao giờ dám nghĩ đến thảm kịch đó. 


Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm