Người Anh vốn nổi tiếng bảo thủ. Và ở cái xứ sở tôn thờ những giá trị truyền thống ấy, người ta không dễ chấp nhận các ông chủ nước ngoài, đặc biệt là những ông chủ đến từ châu Á. Điển hình như Vincent Tan. Không lâu sau doanh nhân người Malaysia này trở thành ông chủ của Cardiff City, người hâm mộ xứ Wales đã gọi Vincent là “kẻ độc tài” và muốn ông “cút về nước”.
Dân Cardiff giận sôi máu vì Vincent chẳng đầu tư được gì nhiều cho đội bóng nhưng lại biến “Chim xanh” (The Bluebirds - nickname của CLB) thành Rồng đỏ và “nhuộm” luôn màu áo xanh truyền thống hơn 100 năm của Cardiff thành màu đỏ, chỉ vì… Trung Quốc, thị trường làm ăn lớn của Vincent thích màu đỏ.
Nhưng Vichai Srivaddhanaprabha thì khác. Ông tôn thờ và tôn trọng những giá trị truyền thống, không thay đổi những gì thuộc về tình yêu và bản sắc của Leicester City vì lý do thương mại như Vincent Tan.
Vichai cũng rút kinh nghiệm từ Thaksin Shinawatra khi mua Man City, ấy là thay vì làm truyền thông ầm ỹ, chạy đua tiền bạc để “lấy số” trên thương trường thì gia đình Vichai lặng lẽ xây dựng Leicester với những kế hoạch mang tính chiến lược dài hơi nhưng rõ ràng và chắc chắn, giống như từ năm 1989, Vichai từng bước biến King Power từ vài cửa hàng nhỏ ở Bangkok trở thành một tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan và thế giới. Bằng chứng là, chân sút vang danh tới… Hollywood - Jamie Vardy được nhà Srivaddhanaprabha mua với giá 1 triệu bảng. Một tên tuổi quan trọng khác Riyad Mahrez đến với King Power với chi phí chỉ 400.000 bảng.
Người Leicester yêu nhà Srivaddhanaprabha, những người Thái sắp đưa The Fox vào lịch sử giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Nhưng quan trọng hơn, gia đình Srivaddhanaprabha còn làm lay động hàng triệu người dân quê hương mình.
Thái Lan là một quốc gia Phật giáo, gia đình Srivaddhanaprabha là những Phật tử. Trước mỗi giải đấu, Leicester đều có những chuyến du đấu Thái Lan và các cầu thủ đều… vào chùa. Thậm chí trước mỗi trận đấu quan trọng của “Bầy cáo”, Vichai còn mời các nhà sư Thái Lan đến King Power hành lễ.
Mùa Hè năm ngoái, 3 cầu thủ Tom Hopper, Adam Smith và James Pearson dính bê bối tình dục ở Thái Lan, lập tức họ bị sa thải. Cậu con trai Aiyawatt - người trực tiếp cùng ông bố Vichai điều hành Leicester cho biết: “Chúng tôi không chấp nhận những hành động ngu ngốc. Chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng Leicester như một gia đình, lắng nghe tất cả những vấn đề của các thành viên gia đình. Đó là nền văn hóa Thái”.
Phần lớn người dân Thái Lan là fan của hai đội bóng Premier League là Man Utd và Liverpool. Nhưng giờ đây, người Thái ủng hộ Leicester, cho dù đoàn quân của Ranieri gặp bất cứ đối thủ nào ở Premier League. Bởi lẽ, gia đình Srivaddhanaprabha không thay đổi bản sắc truyền thống của Leicester, không biến “Cáo” thành “Voi” nhưng lại đưa được “văn hóa Thái” tới đội bóng này, khiến cho người Thái Lan cũng có cảm giác như Leicester chính là đội bóng của mình vậy.
Vào những ngày cuối tuần, Thái Lan lại sôi động hướng tới nước Anh để cổ vũ cho Leicester. Trong các ngôi chùa, người ra có thể bắt gặp hình ảnh cầu nguyện cho Leicester.
Sau khi Leicester City thuộc về nhà Srivaddhanaprabha mùa Hè 2010, Thái Lan xuất hiện những shop bán đồ lưu niệm của “Bầy cáo”. Thời điểm đó, chẳng ai để ý tới những cửa hàng Leicester City ở Bangkok. Nhưng hiện tại? Câu chuyện cổ tích sắp thành hiện thực trên sân cỏ Premier League đã khiến đường phố Thái Lan ngập tràn khăn và áo màu xanh truyền thống của Leicester City. Câu chuyện đó một lần nữa minh chứng, muốn thành công trong bóng đá, người ta cần sự kiên nhẫn và cái tâm, chứ không đơn thuần chỉ vì mục đích thương mại kiểu Vincent Tan.
Người Thái có Leicester City. Một chút liên tưởng, người Việt có đội bóng nào để yêu và tự hào như thế? Đầu năm 2008, thời điểm Leicester vẫn đang vật lộn với cuộc chiến trụ hạng ở Championship, ông bầu Đoàn Nguyên Đức từng gây sốc cho cả người Việt lẫn người Anh khi hỏi mua 20% cổ phần của đại gia Premier League Arsenal. Không mua được Arsenal nhưng trước đó, bầu Đức đã ký hợp tác với đội bóng London, mở Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, đồng thời ký hợp đồng quảng bá trên sân Emirates.
Lò HAGL với lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… từng làm nức lòng người hâm mộ Việt ở ĐT U.19. Họ lập tức được đôn lên đội hình một của HAGL đá ở V.League và… suýt xuống hạng ở mùa giải năm ngoái nhưng dân vẫn sướng. Vì trong tương quan so sánh với bóng đá Thái bao năm qua, người hâm mộ Việt biết yêu đội bóng nào?
Thôi thì người Thái có Leicester, còn người Việt có… HAGL.