Bén duyên xe đạp từ năm 14 tuổi, Nguyễn Thùy Dung đã chấp nhận đánh đổi những thú vui đời thường như các bạn bè đồng lứa khác để dấn thân vào hành trình gian khổ gắn với những nắng, mưa, bụi đường… của xe đạp. Dung còn phải tự thân vận động gia đình để giúp cô mua sắm trang thiết bị rất đắt để tập luyện và thi đấu. Chỉ sau 2 năm ăn tập, Dung đã đoạt 3 HCV cá nhân giải VĐQG, được đặc cách vào ĐTQG.
Dù đã trở thành tài năng trẻ sáng giá nhất của xe đạp Việt Nam song Dung chỉ được ngành thể thao Hà Nội đầu tư nửa vời, gần không có chế độ đãi ngộ gì, với một bản hợp đồng chủ yếu để ràng buộc. Chính vì thế, khi nhận được lời mời từ đội Cấp thoát nước môi trường Bình Dương vào 2008, chị đã quyết tâm ra đi.
Không chỉ có điều kiện tập luyện, thi đấu và mức lương thưởng vượt trội so với ở đất Thủ đô mà Dung còn được cam kết dành sẵn một suất làm cán bộ, nhân viên của công ty sau khi giải nghệ. Đó là một sự khác biệt hoàn toàn mà nếu gắn bó với thể thao Hà Nội trong cả sự nghiệp, dù có thành tích xuất sắc đến mức nào, cua-rơ này cũng gần như không có hi vọng gì.
Và một cuộc tranh chấp ầm ỹ của làng thể thao Việt đã khởi đầu từ đây, với hậu quả là Dung bị “treo giò” tới 2 năm. Khi Thùy Dung tham dự bất cứ giải đấu nào trong màu áo đội đua đất Thủ thì cô đều bị Hà Nội kiện tụng. Quãng thời gian đó với Dung là ác mộng, bởi lẽ hàng ngày Dung chỉ tập chay để duy trì phong độ rồi đứng làm khán giả xem đồng đội đua tranh.
Khi người lớn chỉ lo “dằn mặt”
Ở trường hợp của Thùy Dung, vin vào hợp đồng còn hiệu lực đến 2010 cùng sự phức tạp cố hữu nên các ngành thể thao Hà Nội thay vì cùng giải quyết sự vụ cho thỏa đáng đã quyết “dằn mặt” quân cũ cùng Bình Dương tới cùng. Thùy Dung cứ việc tập luyện, thậm chí đăng ký dự tranh các giải đấu như thường. Còn đội xe đạp Thủ đô không ý kiến gì, chờ đến đúng buổi họp kỹ thuật trước ngày khởi tranh mới nộp một lá đơn khiếu nại. BTC dù ra sức đứng ra dàn hòa cả về lý lẫn tình cuối cùng vẫn không thể cho Dung thi đấu.
Đáng nói hơn, ngay cả khi đội xe đạp đất Thủ đã tìm mọi cách thuyết phục để Thùy Dung được chuyển nhượng với mức phí cao, Hà Nội cũng kiên quyết khước từ. Có lẽ, mục tiêu của họ chỉ làm sao “trị” Thùy Dung cái tội dám dứt áo ra đi khỏi, phần nào đó làm ảnh hưởng đến cái uy được cho là quá lớn của trung tâm số 1 cả nước. Đó cũng có thể coi như một cách để họ “làm gương” cho các VĐV khác. Mãi đến 2010, thời điểm hợp đồng kết thúc, Thùy Dung mới được tha bổng.
Cuộc tranh chấp phức tạp, bế tắc kéo dài hơn 2 năm đó là một nỗi đau của Thùy Dung, một cú sốc cho thể thao Hà Nội. Chỉ tiếc rằng, nó đã không thể biến thành một cú hích cho sự thay đổi của ngành thể thao Thủ đô, giống như TP.HCM sau trường hợp ngôi sao điền kinh Trương Thanh Hằng năm 2009, hay mới đây là Đà Nẵng với “Nữ hoàng đi bộ” Nguyễn Thị Thanh Phúc.
"Đúng là còn có những vấn đề mà chúng tôi thấy vẫn cần phải khắc phục để thể thao Hà Nội có thể tiếp tục phát triển nhanh mạnh và toàn diện. Ví như mảng xã hội hóa cần phải được đẩy mạnh hơn để thu hút sự tham gia của nhiều người lực xã hội, qua đó tạo nên được nhiều VĐV mũi nhọn, đặc biệt các mẫu hình đào tạo như Tiến Minh, Quang Liêm.
Ví dụ như chính sách, chế độ đãi ngộ cho VĐV, nhất là học nghề, việc làm sau khi giải nghệ cũng phải có những bước đổi mới nâng cao căn bản và chắc chắn tới đây chúng tôi trong quyền hạn và trách nhiệm của mình sẽ tích cực tham mưu cho thành phố. Xã hội hóa cũng là một giải pháp ngành thể thao Hà Nội tập trung nhằm chăm lo ngày các tốt cho các VĐV, nhất là các VĐV xuất sắc, có nhiều đóng góp”. PGĐ phụ trách TT huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội Phan Anh Tú
Các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với VĐV Hà Nội không có gì được điều chỉnh sau cú sốc mang tên Thùy Dung. Dường như những người có trách nhiệm nơi đây vẫn xoa tay mãn nguyện với thành tích “khủng” mà không chịu nhìn nhận về lỗ hổng phía sau.
Sau khi rời Hà Nôi, dù trải qua 2 năm 6 tháng “treo giò” nhưng Thùy Dung vẫn vươn tới đỉnh cao sự nghiệp nhờ sự đầu tư tốt về mọi mặt của đội xe đạp Bình Dương. Ngoài kỷ lục giành 12 HCV quốc gia và 4 lần vô địch Đại hội TDTT toàn quốc, Dung còn là cua-rơ Việt Nam đầu tiên đoạt Áo Vàng chung cuộc tại một giải nhà nghề thuộc hệ thống thi đấu của Liên đoàn Xe đạp quốc tế năm 2013. Còn xe đạp Hà Nội qua cả chục năm vẫn không còn sản sinh ra một tài năng nào khác.