Hình tượng dễ gây... thất vọng!
Có rất ít cầu thủ đủ sức tạo dựng tên tuổi nổi bật trong cùng thế hệ. Và càng ít cầu thủ có tài năng đủ để cho đời sau ghi nhớ. Tuy nhiên, càng hiếm danh thủ tạo được tên tuổi đủ để lưu danh muôn đời, song trong mắt một số người, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để hình dung hết về tài năng của họ. Trong số những thiên tài xem ra chỉ đếm được trên mấy đầu ngón tay ấy, chắc chắn phải có một vị trí dành cho Mane Garrincha, một huyền thoại mà hầu như tín đồ túc cầu giáo nào cũng biết, nhưng chẳng phải ai cũng hiểu được ông độc đáo tới mức nào.
Một trong những ấn tượng đầu tiên về Garrincha hóa ra chẳng phải là hình mẫu lý tưởng. Đơn giản là ông khác hẳn các ngôi sao bóng đá hiện đại như Cristiano Ronaldo, mẫu cầu thủ cao lớn, oai hùng, bước đi vững chắc, cơ bắp săn chắc nổi cuồn cuộn trông rất bắt mắt trước các ống kính truyền hình cũng như máy ảnh, kèm theo gương mặt điển trai chẳng kém các tài tử Hollywood nên dễ dàng quảng bá cho các sản phẩm mới cần tiếp cận thị trường.
Bởi chỉ cần nhìn Garrincha bước đi khập khiễng, các công ty quảng cáo ắt hẳn loại bỏ ngay lập tức với niềm tin chắc chắn rằng anh chàng này có chơi bóng cũng chẳng thấy tương lai và không cách nào tạo được ấn tượng cần thiết. Thế nhưng, thiên tài trong Garrincha thừa sức biến cách nghĩ ấy thành một sai lầm tệ hại. Vì dựa vào cột sống bị biến dạng cùng chân phải cong ra ngoài và chân trái ngắn hơn vài cm, ông thường trình diễn những pha rê dắt và đột phá thừa sức làm bùng nổ cầu trường.
Cùng Beethoven như một khuôn
Điều kỳ diệu mà Garrincha làm được với quả bóng thật sự chẳng khác kỳ tích của Ludwig Van Beethoven với âm nhạc, đặc biệt khi cả hai thiên tài còn có điểm tương đồng là sinh ra trong gia đình đầy phiền toái với người cha nghiện rượu. Và tương tự Garrincha, số phận ngược đãi vẫn không đủ ngăn Van Beethoven lưu danh muôn thuở, nhất là với bản hợp xướng nổi tiếng Missa Solemnis được sáng tác lúc tai ông bắt đầu điếc và sức khỏe ngày càng kém. Một trùng hợp càng khó tin nữa là cả hai đều từng sống dưới cái bóng khổng lồ của những đồng nghiệp cùng thời: Với Garrincha là Pele, thời của Beethoven là Mozart.
Nhưng cũng như Beethoven, Garrincha đã tỏa sáng nhờ tinh thần làm việc như chẳng có ngày mai. Garrincha chơi bóng như sau mỗi trận đấu đều là ngày tận thế, như thể tiếng còi tan cuộc nổi lên là trò chơi cũng chẳng còn. Garrincha trông càng đáng yêu bởi lối chơi không bị chiến thuật gò bó. Ông chỉ lo xử lý bóng theo cách mình muốn. Hệ quả là nhiều lần, Garrincha khiến NHM phải nhảy cẫng lên khi chứng kiến các hậu vệ đối phương ngồi bệt xuống sân nhìn ông dẫn bóng thoát qua.
3 phút đặc sắc nhất lịch sử bóng đá
Bởi trong mắt Garrincha, các hậu vệ đối phương trông chẳng khác những cái mốc hình nón đặt trên sân tập để lừa bóng. Vì vậy, ông không ngần ngại khống chế bóng bằng đôi chân tật nguyền của mình để thực hiện những động tác như một vị thần đang múa giữa đám tín đồ người trần mắt thịt. Đó là lối chơi hoang dã nhất mà bóng đá có thể chứng kiến, không chấp nhận một phép tắc nào và sẵn sàng loại bỏ mọi cầu thủ chịu trách nhiệm kèm người trên sân. Lối chơi ấy chẳng khác nào của một kẻ tâm thần hoang tưởng mà khi thành công thì chẳng khác nào sỉ nhục các hậu vệ như vẻ giận dữ thường thể hiện trên gương mặt các “nạn nhân” của Garrincha. Nhưng thật tình, Garrincha chưa từng có ý làm nhục họ. Ông chỉ đá vì niềm vui của bản thân, và của khán giả.
Thiên tài của Garrincha tuyệt vời tới mức nếu thiếu ông thì chỉ riêng Pele, Brazil có lẽ đừng mơ tới 3 ngôi vô địch World Cup để đoạt vĩnh viễn Cúp Nữ thần vàng. Trận thắng Liên Xô tại Thụy Điển 1958 có thể xem như một bằng chứng. Bởi lúc ấy, Liên Xô cũng là ứng viên vô địch khiến người Brazil rất sợ. Nhưng ngay ở quả giao bóng, Garrincha đã cầm bóng đột phá như điện xẹt, thoát qua và cho đo sân khoảng 5 tuyển thủ Liên Xô trước lúc sút bóng dội cột. Sau này, các cây bút thể thao thường gọi đó là “3 phút đặc sắc nhất của bóng đá mọi thời đại”.
Kết quả là thủ môn huyền thoại Lev Yashin đành bất lực trước bộ ba tấn công kỳ diệu của Brazil gồm Pele, Vava và Garrincha – tác giả đường chuyền quyết định cho Vava ghi bàn. Đến World Cup 1962, dấu ấn của Garrincha càng rõ hơn khi gần như một mình kéo Brazil đến ngôi vô địch, sau khi Pele chấn thương quá sớm. VCK tại Chile còn thêm bằng chứng phản ánh sức hấp dẫn của Garrincha: Ông bị đuổi ở trận bán kết thắng đội chủ nhà, nhưng được FIFA xóa án treo giò để đá chung kết hạ Tiệp Khắc!
Khác biệt giữa bộ não và đôi chân
Tuy nhiên, cái tên “Garrincha” cùng người cha nghiện rượu rõ ràng là điềm báo đoạn kết buồn cho thiên tài độc đáo này. “Garrincha” là tên một loài chim nhỏ màu nâu ở vùng đông bắc Brazil mà người chị đặt cho chú em Manuel Francisco dos Santos do tâm tính hồn nhiên. Hậu quả là ngay từ trẻ, Garrincha sống thoải mái tới mức nốc rượu như nước lã và quan hệ tình dục vô tội vạ nên chỉ trong thời gian ngắn ở Thụy Điển dự World Cup, ông đã kịp có con với một cô gái địa phương.
Vì thế, khi tất cả những điều kỳ diệu rời bỏ Garrincha, cuộc đời ông nhanh chóng rơi vào ngõ cụt. Người đời dễ dàng lãng quên “chú chim nhỏ”, khi ông không còn khiến họ sững sờ bằng kỹ thuật lừa bóng qua hậu vệ, không còn khả năng rê dắt qua thủ môn cũng như không còn cảnh mừng những bàn thắng độc đáo. Làm bạn với Garrincha rốt cuộc chỉ còn cô ca sĩ nhạc Samba Elia Soares, trước lúc chính bà cũng phải bỏ đi nốt, để lại “chú chim nhỏ” chết trong cô độc và lặng lẽ, khác hẳn với bầu không khí cuồng nhiệt trên các khán đài mà ông từng tạo ra.
Giờ đây, những tiếng “Ole! Ole! Ole! Ole!Ole!Ole!” của các CĐV đã dành cho người khác. Chúng không còn hướng về Garrincha biết cách ru ngủ quả bóng bằng mu bàn chân, dùng kỹ thuật điêu luyện để ôm ấp và dẫn dắt bóng trước lúc ru ngủ đối thủ bằng những động tác không ngờ. Nhưng có sự thật vẫn luôn tồn tại: Bộ não của Garrincha có vẻ không đủ thông minh và khôn khéo để giải quyết những chuyện phức tạp, song đôi chân ông xử lý vấn đề chẳng khác bộ não của Einstein hay cảm giác âm nhạc của Beethoven. Cũng chính vì Garrincha không hoàn hảo như thế, rất khó đánh giá chính xác tài năng này vĩ đại như thế nào.
Tại World Cup 1958, Mel Hopkins (Wales) nhận xét: “Garrincha thật sự là hiện tượng. Quá khó để phán đoán cậu ta đi bóng thế nào vì đôi chân kỳ lạ và vì cậu ấy xử lý bóng bằng chân trái và chân phải đều thoải mái như nhau nên có thể xấn vào giữa cũng như dạt biên hoặc sút căng ngay”.
Tại World Cup 1962, tờ El Mercurio của chủ nhà Chile than thở: “Garrincha từ hành tinh nào đến vậy?”.