(thethao24.tv) – Dường như trên thế giới này, cứ phàm cái gì tốt đẹp của người khác là người Trung Quốc nhận đại là của họ…
>>>Ngoại tình, Rodgers sắp mất vợ
>>>Bồ cũ Tevez “khoe” ngực trần siêu nóng bỏng
Bóng đá của người Trung Quốc
Nước Anh là quê hương của bóng đá nhưng người Trung Quốc phủ nhận điều này. Môn thể thao Vua, môn thể thao được cả hành tinh mến mộ phải là do người Trung Quốc phát minh ra. Và năm 2004, sau bao nhiêu nỗ lực vận động, nỗ lực đào mồ, cuốc mả, lục văn bia, khai thần phả, quật thánh phả, lật gia phả, trích hội họa, dịch thư tịch cổ… để làm bằng chứng, người Trung Quốc hả hê khi ông Sepp Blatter cùng bộ sậu ở FIFA – những nhân vật vốn chẳng ưa gì người Anh và bóng đá Anh gật bừa cái đầu mà phán đại khái rằng: “Ừ, bóng đá là của người dân Trung Quốc nhà các anh”.
Môn Cuju của người Trung Quốc cổ.
Theo người Trung Quốc thì dân Tàu đã chơi cái gọi là bóng đá từ cách đây khoảng 2.500 năm, thứ bóng đá ấy gọi là xúc cúc (cuju). Để chứng minh bóng đá xuất phát từ Trung Quốc, Ma Tuyết Điền – một học giả người Tàu từng viết trong một cuốn thảo luận về nguồn gốc của môn thể thao Vua, như sau: “Chiến Quốc sách ghi rằng Dân Lâm Tri bảy vạn hộ ở nước Tề rất giàu có. Người dân ở đây không ai là không biết Thạp Cúc hay còn gọi Xúc Cúc là trò chơi đá bóng. Thạp có nghĩa là chân đá vào vật. Còn Cúc là quả cầu được làm bằng da thú, bên trong chứa đầy lông tóc”.
Đấy là xúc cúc. Cứ theo sử Tàu vừa chép vừa “chế” thì môn này có sự biến đổi mạnh về luật lệ cũng như cách thức chơi vào các đời nhà Đường (618-907), Tống (960-1279) nhưng dù biến đổi thế nào, xúc cúc vẫn mang tính biểu diễn với quả cầu là chính, không mang nặng tính cạnh tranh về tỷ số.
Trên thế giới không ít loại hình thể thao tương tự có từ thời cổ đại, tiêu biểu như harpastum ở La Mã. Tuy nhiên, người Italia hay bất cứ người dân tộc nào khác trên thế giới mà tổ tiên họ từng dùng chân… đá quả bóng tiêu khiển, tất cả đều thừa nhận rằng, bóng đá (football) ngày nay là do người Anh phát minh ra, nó không bị ảnh hưởng bởi bất thứ môn nào khác kiểu như xúc cúc hay harpastum.
Đại sứ Beckham hay là một tác phẩm của Trương Nghệ Mưu
Nói tới bóng đá xứ Tàu, bóng đá do người Anh phát minh ra chứ không phải môn xúc cúc, phải nói tới Đại sứ Bóng đá của nước này, đó là anh David Beckham, một người đến từ Anh – quê hương của bóng đá.
Vì sao một đất nước có tới 1,3 tỷ dân lại phải lặn lội sang tận xứ Sương mù hồi tháng 03/2013 để cầu Beckham về làm Đại sứ, làm đại diện hình ảnh cho bóng đá Trung Quốc, cái nôi của túc cầu giáo thế giới như họ tự nhận?
Maradona từng nhập viện vì bị chó Shar Pei cắn vào mặt năm 2010.
Hãy hỏi Beckham trước, anh tới Trung Quốc vì những đồng tiền Nhân Dân Tệ? Ai nghĩ vậy thì thật là tệ. Beckham phát biểu: “Tôi đến Trung Quốc là để hỗ trợ, giáo dục, đào tạo trẻ em trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai”. Thế là rõ, Becks đến Trung Quốc không phải vì… Tệ.
Người Trung Quốc quả thực rất trọng thị và cầu thị. Thật vậy! Phi Beckham – một biểu tượng của bóng đá thế giới hiện đại thì trong số hơn 1 tỷ “quân tử” Trung Hoa, “hảo hán” Trung Quốc, người ta biết kiếm đâu ra một cầu thủ “sạch sẽ” để dạy trẻ con?
Nên nhớ trước khi Beckham đến Trung Quốc thì 1,3 tỉ dân nước này chán bóng đá lắm rồi, khi mà ĐTQG không qua nổi vòng loại World Cup 2014 nhưng bê bối bán độ ngày càng tinh vi và lộ liễu. Thật thế! Cái vụ hàng loạt quan chức trong Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CAF) như Nan Yong, Yang Yimin, Zhang Jianqiang… vào tù còn chưa nguội thì cảnh sát lại phát hiện 33 cầu thủ nổi tiếng Trung Quốc bán độ. Lu Jun – “Vua áo đen” số 1 đại lục cũng bị kết án 4 tháng tù giam vì tham gia dàn xếp.
Beckham đến Trung Quốc dạy trẻ em – những cháu muốn trở thành cầu thủ trong tương lai đừng “làm bậy” như cha anh? Dĩ nhiên, nhưng quan trọng hơn, hình ảnh sáng choang của Becks đang làm lu mờ những bẩn thỉu của bóng đá đại lục – một phần biểu hiện của xã hội Trung Quốc mà người ta đồ rằng, có lấy cạn nước sông Trường Giang, Châu Giang hay Hoàng Hà cũng không rửa sạch.
Hình ảnh sạch của Beckham sẽ che đi những thứ không sạch ở Trung Quốc, mà nói theo ngôn ngữ điện ảnh: sao xứ Sương mù làm Đại sứ cho bóng đá xứ Tàu, nó giống như “Một tác phẩm của Trương Nghệ Mưu” mà thôi.
Giải pháp dạy chó cắn càn
Đại sứ Beckham. Có một câu chuyện bên lề được báo chí Anh đồn thổi thế này, biết gia đình Beckham quý chó và cựu tiền vệ M.U thường tặng cho vợ con những con chó quý vào những dịp đặc biệt như Giáng sinh hay sinh nhật, nên để lấy lòng Becks cũng như là để quảng bá, các quan chức CFA tặng cho anh một con chó ngao Tây Tạng.
Trên thế giới có rất nhiều loài chó quý. Nhưng với người Trung Quốc, ngao Tây Tạng là số 1, nó được họ miêu tả là “To hơn chó sói, mạnh hơn báo hoa và nhanh hơn hươu nai”. Giống chó này có những con lên tới hàng trăm ngàn USD chứ không ít của.
Chó ngao Tây Tạng.
Nhưng Beckham từ chối kéo léo với lý do đại để như: “Quý hóa quá! Cám ơn các bác, chó gì mà như sư tử, đẹp quá. Nhưng nhà tôi có nhiều chó rồi, chó quý thì các bác cứ giữ lấy mà dùng!”.
Beckham thì chẳng rõ chứ Diego Maradona – một bậc chí thánh của bóng đá thế giới chẳng lạ gì loài chó Trung Quốc. Vì chó Trung Quốc rất hung hăng và hay cắn càn.
Chuyện là thế này, Maradona được người ta biếu cho một con chó giống Shar Pei của Trung Quốc. Cậu bé Vàng yêu nó lắm! Nhưng “cậu” coi nó là chó yêu mà nó có xem “cậu” là chủ quý đâu? Thế là đầu tháng 03/2010, nó đớp cho “cậu” một cái rách cả môi phải nhập viện, khiến dân Argentina lo sốt vó, bởi thời điểm đó “Cậu bé Vàng” sắp đưa quân sang Nam Phi dự World Cup.
Có câu: “Nhờn với chó, chó liếm mặt”. Nhưng riêng giống chó Trung Quốc có thể đớp vào mặt. Vì bản chất chó Trung Quốc là vậy, nó hung hăng, nó có thể đớp cả chủ chứ nói gì tới những… láng giềng thân thiện. Thế rồi chẳng bao lâu sau thì con chó ấy lăn đùng ra chết. Nghe đâu, nó bị con gái nhà Maradona đánh chết.
Vì nuôi gì cái giống chó phản chủ, quý gì loài chó cắn láng giềng? Với loài chó Trung Quốc, nếu không đánh chết như nhà Maradona thì cũng phải đánh đau rồi rọ mõm lại nó mới không dám liếm hoặc cắn càn.
Sỹ Đoan