Kể từ khi lịch sử sang trang nhờ núi tiền của tỷ phú Sheikh Mansour, Man City vẫn chưa thể mua được nhiều hơn một trung vệ ưng ý dù đã chi bộn bạc.
Có lẽ, Vincent Kompany là thương vụ duy nhất Man City có thể hài lòng kể từ lúc CLB đổi chủ mùa Hè 2008. Việc trung vệ người Bỉ vẫn còn trụ lại sân Etihad gần một thập kỷ qua là minh chứng rõ nét nhất.
Thực tế, Kompany – hậu vệ trị giá chỉ 6 triệu bảng ở kỳ CN Hè 2008 – đã được Man City duyệt mua trước khi ông hoàng Sheikh Mansour xuất hiện với “túi tiền không đáy”.
Kể từ đó tới nay, cứ mùa Hè là Man City lại vung tiền mua ít nhất một trung vệ. Đó là Kolo Touré, Lescott (2009), Boateng (2010), Savic (2011), Nastasic (2012), Demichelis (2013) và gần nhất họ đã biến John Stones thành hậu vệ đắt giá nhất lịch sử bóng đá Anh.
3 năm trở lại đây, quãng thời gian mà Premier League chuyển mình thành giải đấu hấp dẫn và cũng đắt giá nhất hành tinh, Man Xanh càng điên cuồng trong việc tìm kiếm “trái tim của hàng thủ”.
Man City nhập trận kém nhất giải khi đã nhận tới 7 bàn thua trong 15 phút đầu tiên của trận đấu
Mùa 2014/15, Manuel Pellegrini được sở hữu hậu vệ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Anh: Mangala – 42 triệu bảng từ Porto. Một năm sau, Man City đánh bại cả 2 gã khổng lồ Real và Barca để giành tiếp Otamendi, tất nhiên với cái giá cực “chát” 32 triệu bảng.
Mùa Hè này, Stones, chàng trai mới bước sang tuổi 22 có vài tháng, phá kỷ lục của Mangala với phí chuyển nhượng 50 triệu bảng. Và hiện tại, Pep Guardiola đang yêu cầu Man Xanh bỏ ra một khoản tương tự để mang về Virgil van Dijk.
2 năm rưỡi qua, Man City bỏ ra 124 triệu bảng để mua 3 trung vệ. 6 mùa giải trước nữa, con số này chỉ là 82 triệu bảng nhưng cho tới 8 cái tên.
11 trận: Chelsea
7 trận: Southampton, Tottenham, Bournemouth
6 trận: Liverpool, Man Utd, Arsenal
5 trận: Middlesbrough, Stoke, West Ham
4 trận: Man City, Burnley, Everton, Leicester
Đồng tiền ngày càng mất giá hay các trung vệ ngày càng đắt đỏ? Thật khó để trả lời.
Nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều: Dù duy trì thói quen tốn kém như vậy, Man City vẫn chưa thể tìm ra người kế thừa đội trưởng Kopmany.
Mangala đã được cho mượn tại Valencia và góp phần... làm chìm con thuyền này (đứng thứ 17 tại Liga). Otamendi ngày càng sa sút. Anh bị Costa qua mặt trong thất bại trước Chelsea và hôm qua “mất tích” ở tình huống Wijnaldum ghi bàn cho Liverpool.
Mùa này, nhiều lần Pep để hậu vệ cánh trái Kolarov đá ở vị trí của Otamendi nhưng cầu thủ người Serbia đã mắc không dưới 2 lỗi trực tiếp dẫn tới bàn thua. "Hòn đá" John Stones thì đang “lạc lối” và thậm chí tương lai của anh đã bị đặt dấu hỏi.
Stones có 2 đường chuyền về không thể tha thứ khiến Man City nhận 2 bàn thua. Ở EPL, "sự ăn hại” của Stones chỉ kém duy nhất Fabianski - thủ thành khiến Swansea 3 lần ôm hận.
Các thống kê càng vạch rõ sự yếu kém của hàng thủ Man City. Sau 19 vòng đấu, đoàn quân của Pep chỉ giữ sạch lưới đúng 4 trận, nhận tới 21 bàn thua – kém nhất trong Top 6.
Cùng thời điểm này năm ngoái, số trận giữ sạch lưới dưới thời Pellegrini là 8, cũng bằng với mùa trước nữa 2014/15.
Dù thế nào Man City không còn cách nào khác là tiếp tục chi đậm để mua sắm. Vấn đề là họ cần cải thiện hiệu quả trong cách tiêu tiền.
Pep đã tính toán sai khi tân binh đầu tiên trong mùa Đông của Man City là Jesus – một tiền đạo chứ không phải hậu vệ. Van Dijk có thể sẽ là một thương vụ mạo hiểm nữa nhưng còn hơn là trông chờ vào Kompany đã qua đỉnh cao ngày càng dễ chấn thương.
Thủ quân người Bỉ đã dính 36 chấn thương trong vòng 2 năm rưỡi qua, và số ngày anh nghỉ còn nhiều gấp đôi số trận ra sân. Tính riêng trong năm 2016, Kompany đã vắng mặt 42 tuần, tức... gần 11 tháng.
Giờ thì Pep có thể tin cậy vào ai, ở trái tim hàng thủ?