13 chiếc Cúp châu Âu, 6 kỷ lục chuyển nhượng bóng đá thế giới và 7 danh hiệu Quả bóng vàng. Serie A của thập niên 90 là những thước phim chứa đầy cảm xúc, sự hào nhoáng, kiêu hãnh, khiến trái tim các tifosi luôn thổn thức mỗi khi hoài niệm…
Rảo bước đi trong đường hầm sân Antonio Bentegodi sau trận đấu, Pietro Fanna chợt nghe thấy tiếng than vãn khóc sụt sùi. Khi đến gần hơn, đội trưởng CLB Verona phát hiện ra “tiếng động lạ” ấy lọt ra từ phòng thay đồ của AC Milan, đội khách vừa thua 1-2 ở vòng đấu áp chót Serie A 1989/90.
Mùa ấy, Milan xếp thứ 2 chung cuộc sau Napoli với khoảng cách đúng bằng 1 trận thắng. Nhưng chỉ 1 tháng sau trận thua Verona, Milan của Arrigo Sacchi đã đánh bại Benfica ở trận chung kết Cúp C1 tại Vienna (Áo).
Đấy là mùa giải thứ 2 liên tiếp Milan chinh phục giải đấu cao cấp nhất của hệ thống Cúp châu Âu, sau khi đã hạ Steaua Bucarest tới 4-0 vào ngày 23/5/1989 ở Barcelona. Chính xác, phải 27 năm sau mới có một đội bóng tái hiện kỳ tích này, đó là Real Madrid, khi Cúp C1 đổi tên sang Champions League.
Vinh quang của Milan ở đấu trường châu Âu năm 1990 đã đánh dấu cột mốc hào hùng, đến giờ vẫn chỉ duy nhất 1 lần xuất hiện trong lịch sử, đấy là việc các CLB đến từ một quốc gia - Italia - thâu tóm cả 3 chiếc Cúp châu Âu.
Một tháng trước khi giọng Opera trứ danh Luciano Pavarotti vang lên khi nước Ý vén bức màn nhung khai mạc World Cup 1990, vào ngày 9/5 cú đúp của Gianluca Vialli giúp Sampdoria đánh bại Anderlecht 2-0 tại trận chung kết Cúp C2. Còn trước đó 1 tuần, Juventus và Fiorentina đã tạo ra trận chung kết UEFA Cup đặc quánh mùi vị mỳ ống, pizza và bia Moretti.
Vang bóng một thời…
Khi các CLB Italia đánh dấu sự thống trị tuyệt đối ở châu Âu ở mùa giải 1989/90, đó cũng là thời điểm Serie A trở thành “Hollywood hào nhoáng xa xỉ của thế giới bóng đá”!
Đất nước hình chiếc ủng thu hút những siêu sao hàng đầu của bóng đá thế giới. Mỗi trận đấu ở Serie A, dù là giữa những CLB tầm trung cũng chất lượng ngang cỡ đại chiến ở những giải VĐQG hàng đầu khác tại châu Âu. Và tất nhiên, mỗi cuộc thư hùng giữa Milan, Inter, Juventus, hay giữa họ với các đại diện bóng đá thủ đô như Roma hay Lazio chính là “kiệt tác của bóng đá đương đại”.
Nó luôn tạo ra xu thế, cá tính bóng đá mới, giống như những bộ quần áo bóng bảy xa xỉ, những “mốt” làm mê hoặc thế giới của những Giorgio Armani, Valentino hay Versace trong giai đoạn giao thoa đánh dấu khởi đầu thập niên 90…
Trở lại với tiếng than vãn ỉ ôi mà Pietro Fanna nghe thấy từ phòng thay đồ Milan tại sân Bentegodi cuối mùa 1989/90, đó là nỗi đau thực sự của các cầu thủ áo sọc Đỏ-đen khi họ thất bại không thể giành Scudetto.
Milan vẫn ghét cay ghét đắng việc phải đá ở Verona. Năm 1973 họ mất ngôi đầu Serie A cũng sau thất bại 3-5 tại đó. Trận thua ấy nhiều năm sau này vẫn được nhắc lại với cái tên bị thương “La Fatal Verona” (tạm dịch: Cú sảy chân chết chóc ở Verona). Và thất bại ở cuối mùa 89/90 một lần nữa là vết đau thấu tim.
Ngày ấy Milan còn dẫn đầu Serie A tới tận giữa tháng 4, ngang điểm số với Napoli của Maradona. Milan cũng đã vươn lên dẫn 1-0 trước Verona ở vòng áp chót nhưng rồi ông trọng tài Rosario Lo Bello khiến họ nổi điên.
Lo Bello đã đuổi Frank Rijkaard và sau này ông giải thích rằng ngôi sao người Hà Lan 2 lần… nhổ nước bọt vào tay và chân mình - sự cố diễn ra chỉ hơn 2 tháng trước khi Rijkaard “phun mưa” vào mặt Rudi Voeller tại World Cup 1990, tạo nên một trong những scandal xấu xí nhất lịch sử giải đấu. Và sau Rijkaard đến lượt Van Basten cho đến Costacurta cũng bị đuổi để rồi Milan cay đắng nhìn Verona thắng ngược 2-1.
Gục ngã ở Verona và khi Napoli của Maradona thắng tuốt 2 vòng cuối, Milan rốt cuộc mất chức vô địch. Ở nơi bối cảnh diễn ra chuyện tình dang dở đẹp như mơ giữa Romeo với Julietta, thì cuộc hẹn họ của Milan với Scudetto đã không bao giờ tìm thấy cái kết đẹp, từ 1973 đến 1990.
Có thể hiểu cho những giọt nước mắt của Milan trong phòng thay đồ sân Bentegodi năm 1990, bởi khi ấy Serie A là đấu trường chất lượng, khốc liệt hơn cả Cúp C1 và vinh quanh ở giải đấu đó mới là thứ gì đó “đặc biệt kiêu hãnh”!
Nhưng Maradona cùng Napoli cũng không thể tận hưởng niềm chiến tích ấy quá lâu. Tháng 3/1991 “Cậu bé vàng” bị phát hiện dương tính với cocaine và cấm thi đấu. Maradona không bao giờ chơi cho Napoli nữa và kỷ nguyên vàng son của đội bóng áo xanh da trời miền Nam cũng chấm dứt.
Tuy vậy, dù thứ Maradona để lại sau cùng ở Napoli là một scandal tai tiếng thì nó cũng không ngăn được sự vươn lên mạnh mẽ, gặt hái thành công, vinh quang, khẳng định chất lượng số 1 của bóng đá Italia nói chung và Serie A nói riêng.
Giải đấu cấp cao nhất xứ mỳ ống không còn sống dựa trên hào quang của chỉ 1-2 siêu sao riêng lẻ như ở thâp niên 80’ là Michel Platini hay Diego Maradona, mà đã trở thành “World Cup thu nhỏ của cấp CLB”.
Những siêu sao đổ bộ ngập tràn xuống Serie A tạo nên bầu không khí phấn khích lan truyền theo giai điệu bất hủ Un’estate Italiana - ca khúc sôi động chính thức của World Cup 1990.
Ngày ấy, Quả bóng vàng châu Âu Lothar Matthaeus đã hiện diện ở Inter, Roberto Baggio trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới khi gia nhập Juventus và tại AC Milan, Marco van Basten đã và đang gây dựng nên danh tiếng “ông Vua săn bàn”.
Nhưng cũng không phải đợi cho tới khi Baggio gia nhập Juventus với phí kỷ lục vào mùa Hè 1990, mà trước đó vài năm Serie A đã bắt đầu bành trướng quyền lực, sức hút trên khắp châu Âu khi rải những cơn mưa tiền để kéo về các ngôi sao hàng đầu. Các đội bóng Ý đã thực hiện 11/13 kỷ lục chuyển nhượng bóng đá thế giới trước “mốc Baggio”. Cùng với sự vụ UEFA cấm các CLB Anh dự Cúp châu Âu sau thảm họa Heysel từ năm 1985, sân khấu hoàn toàn thuộc về người Ý.
Rất rất nhiều tiền bạc đã được quẳng ra và nửa cuối thập niên 80 tiền đề phát triển đã là cơ sở vững chắc để Serie A bước vào giai đoạn vàng son nhất lịch sử, thập niên 90. Những năm tháng ấy, các đội bóng Ý đã lọt vào tới 25 trận chung kết Cúp châu Âu và giành 13 trên tổng số 30 danh hiệu ở châu lục.
Và tất nhiên, những ngôi sao, những trận đấu lớn vả cả những cầu thủ tài năng đẹp trai mê hồn trên sân khấu Serie A những năm tháng ấy đã khơi dậy tình yêu cho nhiều thế hệ tifosi…
(Kỳ 2: Serie A & Kỷ nguyên vàng 1990: “Cơn điên Gazza” và nỗi thèm khát của người Anh)