Liệu World Cup 2018 và 2022 có bị thay đổi địa điểm đăng cai? (Kỳ 3)

chủ nhật 31-5-2015 17:40:34 +07:00 0 bình luận
Sepp Blatter, người cam kết sẽ không thay đổi nước chủ nhà World Cup 2018 và 2022, đã tái đắc cử chức Chủ tịch FIFA. Tuy nhiên vị thế của ông này đã yếu đi nhiều, các cuộc điều tra của phía Mỹ và Thuỵ Sĩ vẫn đang tiếp diễn và chỉ có người Nga là có thể tạm an tâm.

t17

Trông cả vào Blatter

Bất chấp những tai tiếng xung quanh vụ 7 quan chức FIFA bị bắt giữ vài ngày trước, bất chấp áp lực dữ dội từ giới bóng đá cũng như chính trị Tây Âu (Chủ tịch UEFA Michel Platini, Thủ tướng Anh David Cameron đều lên tiếng kêu gọi Blatter từ chức), bất chấp thái độ hoài nghi từ nhiều nhà tài trợ (Visa, Nike, Coca-Cola, Hyundai), Sepp Blatter vẫn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA diễn ra vào chiều ngày 29/5 theo giờ địa phương. Tuy nhiên vụ scandal hối lộ vừa bùng phát không phải là không có ảnh hưởng: với chỉ 133 phiếu ủng hộ, Blatter không thể giành được 2/3 số phiếu trong vòng bầu cử đầu tiên và mặc dù hoàng tử Jordan Ali bin Al-Hussein (73 phiếu) đã rút lui ở vòng thứ hai thì đó vẫn là một thắng lợi khó khăn đối với ông già 79 tuổi người Thuỵ Sỹ.

Lần đầu tiên kể từ năm 1998, Blatter mới lại phải trải qua một màn so kè căng thẳng như thế. Năm 2002, ngay cả khi 11 quan chức FIFA mà đại diện là Tổng thư ký Michel ZenRuffinen cáo buộc Blatter đã lạm dụng quyền lực và gian lận tài chính ngay trước thềm đại hội thì ông này vẫn giành được 139/195 phiếu để đánh bại Issa Hayatou ngay từ vòng bỏ phiếu thứ nhất. Vào các năm 2007 và 2011 thì thậm chí còn không có ứng viên nào tham gia chạy đua cùng Blatter và ông nghiễm nhiên tái đắc cử ghế Chủ tịch FIFA.

Kết quả này sẽ là một liều thuốc an thần tạm thời đối với Nga và Qatar, hai nước chủ nhà của hai kỳ World Cup kế tiếp, bởi Blatter đã rất nhiều lần khẳng định sẽ không thay đổi quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022 chừng nào mình còn tại vị. Tuy nhiên vị trí Chủ tịch của Blatter cũng chưa phải là đã an toàn tuyệt đối và khi mà thân mình còn khó giữ thì cũng không có gì bảo đảm là Blatter sẽ giữ được World Cup 2018 và 2022 ở lại với Nga và Qatar.

Cuộc điều tra còn chưa kết thúc

Như nhận định của nhiều đại biểu có mặt trong cuộc họp, vị thế của Blatter đang trở nên mong manh hơn và chưa chắc ông này đã có thể ngồi ghế Chủ tịch thêm 4 năm nữa bởi FIFA đang phải đối mặt với ít nhất 2 cuộc điều tra. Một mặt, phía Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng điều tra nghi án nhận hối lộ & rửa tiền mà ít nhất 9 quan chức và cựu quan chức FIFA có dính líu, và một khi những người vừa bị bắt được dẫn độ về Mỹ (dự kiến sẽ mất khoảng 2 tháng) thì không loại trừ khả năng vụ án sẽ có bước tiến mới và ngay cả những nhân vật cấp cao nhất ở FIFA cũng có thể bị “sờ gáy” (nên nhớ là việc Chuck Blazer, cựu PCT FIFA, nhận tội vào năm 2013 đã giúp công tác điều tra đạt được những tiến triển đáng kể). Richard Weber, trưởng bộ phận điều tra tội phạm của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ, tiết lộ: “Tôi khá tự tin rằng sẽ còn có thêm nhiều kẻ nữa bị kết tội”.

Mặt khác, văn phòng Bộ Tư pháp Thuỵ Sỹ cho biết họ sẽ phối hợp với cảnh sát nước này thẩm vấn 10 nhân vật từng giữ chức thành viên Hội đồng điều hành FIFA (ExCo) vào năm 2010, những người đã tham gia bỏ phiếu lựa chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018 và 2022. Nếu xuất hiện những bằng chứng cho thấy rằng các cuộc bỏ phiếu này đã bị thao túng thì khả năng World Cup 2018 và 2022 phải tìm kiếm một nước chủ nhà mới cũng không phải là nhỏ.

Người Nga tự tin

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là trong số hai quốc gia vừa nêu, Nga và Qatar, thì nước nào có nguy cơ “mất World Cup” cao hơn? Các quan chức Nga dường như tỏ ra khá tự tin. “Tôi không thấy có bất kỳ mối đe doạ nào đối với quyền đăng cai World Cup của Nga cả” – Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko phát biểu. Và họ đúng là họ có lý do để tự tin. Chỉ còn 3 năm nữa là đến thời điểm diễn ra World Cup 2018 nên việc tìm kiếm một nước chủ nhà mới là điều không hề dễ dàng và những chiếc máy tính mà phái đoàn Nga sử dụng trong quá trình vận động đăng cai đã bị phá huỷ toàn bộ (nên muốn truy tìm bằng chứng gì cũng khó). Theo lời Alexey Sorokin, Trưởng Ban Tổ chức World Cup 2018 của Nga, thì “Những chiếc máy tính đó là do chúng tôi đi thuê, và sau khi dùng xong thì chúng tôi phải trả lại cho chủ sở hữu. Chúng vốn thuộc về các trường đào tạo thể thao và nếu họ có lỡ tay làm hỏng chúng thì cũng là điều dễ hiểu” (!).

Ngoài ra, quá trình vận động đăng cai World Cup của Nga cũng tồn tại ít nghi vấn hơn Qatar. Trong số những quan chức bị bắt giữ lần này có Jack Warner và Nicolas Leoz, hai thành viên ExCo vào thời điểm năm 2010, nhưng cả hai đều không bỏ phiếu cho Nga và vì thế khó có thể nói rằng Nga đã mua chuộc Warner hay Leoz. Người Nga thừa nhận rằng chiến thắng của họ là một bất ngờ, nhưng bất ngờ ấy đến từ mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhà quản lý bóng đá Nga với Sepp Blatter. Vyacheslav Koloskov, Chủ tịch LĐBĐ Nga, từng là thành viên ExCo trong giai đoạn 1979-2005 và từng thường xuyên chơi tennis cùng Sepp Blatter (cũng là thành viên Exco từ 1981-1998) khi cả hai còn trẻ.

Quan trọng nhất, Vitaly Mutko – từng giữ chức Phó Thị trưởng thành phố St.Petersburg cùng với đương kim Tổng thống Vladimir Putin trong giai đoạn 1994-1996 đã đóng vai trò chất xúc tác để hâm nóng lại mối quan hệ giữa Putin với FIFA (ông Putin đã trực tiếp gặp hơn 1/2 số thành viên ExCo – nhiều nhất trong số nguyên thủ của các quốc gia chạy đua đăng cai). Vì thế, có lẽ Nga không cần đến quá nhiều giao dịch mờ ám để giành được quyền tổ chức World Cup và ngay cả khi chúng có tồn tại đi chăng nữa thì – như đã nói – cũng rất khó bị phát hiện.

Qatar lo lắng

Tuy nhiên Qatar thì lại không có được vị thế vững chắc như thế. Ngay từ khi quốc gia vùng Vịnh này chiến thắng trong cuộc chạy đua đăng cai thì đã xuất hiện các nghi vấn hối lộ quanh chiến dịch vận động của Qatar. Mohamed Bin Hammam, cựu Chủ tịch LĐBĐ châu Á, cựu thành viên ExCo và là một nhân vật chủ chốt trong việc đưa World Cup 2022 về Qatar, đã bị cấm tham gia hoạt động bóng đá suốt đời kể từ năm 2012 vì dính líu đến việc đưa và nhận hối lộ.

Đến bây giờ thì sự nghi ngờ càng trở nên lớn hơn, và như Ghanem Nuseibeh – giám đốc Cornerstone Global Associates, một công ty tư vấn về rủi ro chính trị tại Trung Đông – nhận định thì: “Đây là thời điểm khó khăn nhất kể từ khi World Cup 2022 được trao cho Qatar. Và áp lực sẽ càng ngày càng nặng nề”. Khác với trường hợp của Nga, cả Jack Warner và Nicolas Leoz – những gương mặt sắp sửa dính vào vòng lao lý – đều đã bỏ phiếu cho Qatar. Trong đó Warner bị cho là đã nhận 1,2 triệu USD từ Kemco, một công ty do Bin Hammam nắm quyền kiểm soát, để đổi lấy phiếu bầu, ngoài ra Kemco cũng phải trả cho hai con trai của Warner, Daryan và Daryll, thêm 1 triệu USD nữa. Cả Daryan và Daryll Warner đều đã nhận tội gian lận, rửa tiền và thực hiện các giao dịch tài chính phi pháp trước cơ quan tư pháp Mỹ vào năm 2013 và gần như chắc chắn ông bố Jack của họ sẽ không thể thoát tội. Leoz thì yêu cầu phía Qatar thanh toán 2 triệu USD và ký với Paraguay một bản hợp đồng năng lượng trị giá hơn 1,6 tỷ USD (Sheikh Hamad của Qatar và Tổng thống Paraguay Fernando Lugo đã ký vào tháng 8/2010).

Nếu như giới chức Mỹ và Thuỵ Sỹ chứng minh được rằng Warner và Leoz có tội thì gần như chắc chắn tư cách chủ nhà của Qatar sẽ bị xem xét lại. Ngoài ra, trong số 10 cựu thành viên ExCo 2010 mà Thuỵ Sỹ muốn thẩm vấn thì Michel D’Hooghe, Angel Maria Villar Llona, Worawi Makudi và Issa Hayatou đều đang bị nghi ngờ nhận hối lộ và trọng lượng của các lá phiếu mà họ đã bỏ đương nhiên sẽ giảm đi đáng kể. Cũng giống như cơ hội giữ World Cup 2022 ở lại với Qatar…

Một số nhà cái đã bắt đầu đưa ra tỷ lệ cược cho nước chủ nhà mới của World Cup 2022. Tất nhiên Qatar vẫn là ứng cử viên hàng đầu, nhưng dựa trên tỷ lệ cược của Ladbrokes thì cơ hội của Mỹ (đặt 2 ăn 7) hay Australia (đặt 1 ăn 9) cũng không phải là quá nhỏ nhoi. Theo tỷ lệ cược của Betfair thì xác suất Qatar đăng cai World Cup 2022 thậm chí chỉ còn là 50/50 mà thôi. Một bản báo cáo mới được công bố ngày 27/5 của ngân hàng đầu tư JPMorgan Cazenove cũng cho rằng các tình tiết của cuộc điều tra tại FIFA chưa được công bố toàn bộ và một khi tất cả được đưa ra ánh sáng thì Qatar sẽ mất quyền tổ chức World Cup 2022.

QUANG HẢI

(Đón đọc kỳ 4: Tương lai nào cho FIFA?)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm