Kỷ lục chẳng ai muốn thấy!
Như đồng tiền còn có hai mặt, kỷ lục chẳng phải lúc nào cũng đều được hân hoan đón nhận, đặc biệt là kỷ lục về 34 HLV vừa bị sa thải tại Anh tính từ ngày 01/06/2015 đến 31/12/2015. Điều trớ trêu là ở thời điểm Hiệp hội HLV nhà nghề Anh (LMA) vừa công bố đầu tuần này, đấy chính là hôm các HLV Mark Robins (Scunthorpe) và Ian Hendon (Orient) vừa gia nhập đội quân thất nghiệp, nâng số HLV mất việc ở Anh đầu năm 2016 lên 6 người!
Con số 34 đã trở thành kỷ lục mới trong làng bóng Anh, và lẽ ra càng cao hơn nếu không chỉ bao gồm những chiến lược gia bị sa thải lẫn chủ động đệ đơn từ chức chứ chẳng chờ bị đuổi, mà còn tính thêm John Sheridan vừa rời Newport County ở League Two lên League One nắm Oldham hồi tuần trước, hoặc Martin Ling (Swindon Town) từ chức vào cuối năm 2015 do sức khỏe kém. Cứ tính theo đà này thì đến khi mùa 2015/16 khép lại, một kỷ lục mới của làng bóng Anh rất có thể ra đời để xô ngã kỷ lục 53 nhà cầm quân mất việc chỉ trong một mùa 2001/02.
Nguyên nhân cũng lại vì tiền!
Đến đây, ắt hẳn có người sẽ tự hỏi: Nguyên nhân nào khiến những chiếc ghế HLV ở Anh chông chênh như vậy. Và đáp án xem ra khá đơn giản: Vẫn chỉ là tiền. Bởi lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên mà mùa 2001/02 từng chứng kiến các HLV mất việc nhiều như vậy. Đối với các đội thuộc Football League, đó là chuỗi ngày tăm tối khi hãng truyền hình kỹ thuật số ITV Digital rơi vào cảnh nợ nần chồng chất suốt thời gian dài để rồi ngỏm củ tỏi chính thức vào tháng 05/2002, kéo theo một loạt CLB như Bradford City, Nottingham Forest, Watford, Barnsley, Lincoln City hoặc Port Vale phải nhờ chính quyền trợ cấp. Trong cái thời gian khó ấy, bất kỳ HLV nào làm việc không ổn đều dễ dàng mất việc.
Còn tại Premier League 2001/02, đó là mùa bóng mà không CLB nào muốn xuống hạng, ngay cả khi lực chẳng bằng ai! Bởi lẽ, đó là thời điểm Premier League vừa khóa sổ gói bản quyền truyền hình (BQTH) kỷ lục của giai đoạn 1997-2001 đạt tới 848 triệu bảng/4 năm và 212 triệu bảng/năm, tăng gấp 318% so với BQTH đầu tiên trong lịch sử Premier League bắt đầu từ 1992-97 với vỏn vẹn 253,5 triệu bảng/5 năm, nghĩa là hàng năm chỉ có 50,7 triệu bảng. Đồng thời, Premier League 2001/02 còn là khởi đầu của BQTH mới với gói 2001-04 đạt mức 1,56 tỷ bảng/3 năm! Về mặt toán học, gói này có vẻ không “khủng” bằng gói trước do chỉ tăng 145%. Nhưng trên thực tế, đấy là mùa bóng để các CLB hàng đầu Anh bước vào cuộc sống thật sự phú quý với thu nhập từ BQTH lên mức 520 triệu bảng/năm.
“Máy chém” sẽ còn hoạt động
Đến mùa này thì tới nay, Premier League đã có 6 HLV ra đường, cụ thể là Nigel Pearson (Leicester), Brendan Rodgers (Liverpool), Dick Advocaat (Sunderland), Tim Sherwood (Aston Villa), Garry Monk (Swansea) Jose Mourinho (Chelsea), cho dù trường hợp của Advocaat là chủ động từ chức do chán cách làm việc của “Mèo đen”. Dù vậy, một chút ngoại lệ rõ ràng không đủ bác bỏ sự thật là thời gian cầm quân trung bình ở Premier League thật sự quá ngắn: Chỉ ở mức 2,13 năm, với Wenger (Arsenal) và Howe (Bournemouth) trụ được hơn 3 năm và gần một nửa chưa được 1 năm!
“Tuổi thọ” nói chung của ghế HLV tại Anh cũng chỉ ở mức 1,58 năm với Championship càng thấp (1,37 năm), League Two cũng chỉ 1,63 năm, còn League One thậm chí càng “bỏng tay” với 1,17 năm. Nhưng mùa này cùng mùa tới, số HLV mất việc xem ra chỉ tăng chứ chẳng giảm, bởi BQTH mới vừa thôi thúc các đội ở Championship và League One tìm đường lên hạng, vừa ép bức các CLB ở Premier League phải cố gắng trụ hạng do chưa cần đá đã có thể bỏ túi khoảng 60-80 triệu bảng! Do đó, đừng bất ngờ nếu sắp tới, làng bóng Anh sẽ có thêm kỷ lục, ngay cả khi chẳng được ai chờ mong.