Giải VĐQG Hàn Quốc (Kỳ cuối): Mọi cầu thủ đều phải kiểm tra nói dối

thứ ba 20-10-2015 13:42:57 +07:00 0 bình luận
Bằng cách tận dụng tối đa ưu thế và hạn chế tối thiểu ảnh hưởng bất lợi từ các yếu tố như con người và hoàn cảnh, K-League chẳng thiếu dấu hiệu khẳng định đà lớn mạnh cùng tiềm năng phát triển không giới hạn.

Khán giả ít hơn, nhưng vé bán nhiều hơn!

Thống kê mới nhất của ban tổ chức về lượng CĐV ở K-League thoạt nhìn có vẻ tiêu cực, song trên thực tế lại là tín hiệu đáng mừng: Bình quân khán giả tới sân giảm so với năm trước, nhưng số người vào sân mua vé đang tăng lên so với nhóm vào cửa tự do. Theo đó, lượng khán giả bình quân mỗi trận hiện chỉ còn 7.770 người, giảm 161 so với năm 2014. Nhưng ở mùa trước, khán giả mua vé chỉ đạt 63,2% thì mùa này, con số đó là 71,5%.

Mọi cầu thủ đều phải  kiểm tra nói dối

Chuyển biến đáng mừng này được đánh giá là do nỗ lực của các CLB, như Suwon Samsung Bluewings từng tiết lộ kế hoạch giảm lượng vé vào sân tự do để buộc người thân của các quan chức CLB cũng như của các cầu thủ phải bỏ tiền mua vé xem đá bóng. Nhờ đó, tỷ lệ CĐV mua vé mới tăng thật ấn tượng.

Suwon Samsung Bluewings mùa này đạt 91,3%, so với trước chỉ có 73,6%. Ulsan Hyundai càng gây sốc hơn khi từ 37% đột phá lên 71,9%. Seongnam FC cũng tăng lượng CĐV mua vé lên gấp đôi với 57,3% so với 27,2%. Đặc biệt, ĐKVĐ K-League Jeonbuk Hyundai Motors không chỉ có số khán giả mua vé tăng lên (66,4% so với 55,6%), mà lượng CĐV vào sân cũng tăng hơn mùa trước 3.555 người.

Chiến dịch “5MM” gia tăng sức hút

Sở dĩ K-League ngày càng hấp dẫn NHM là do những nỗ lực làm bóng đá trong sạch và sôi động hơn. Đơn cử như chiến dịch “5MM” (“Five More Minutes”, tạm dịch “Thêm 5 phút”) được phát động cách nay vài năm. Ở thời điểm đó, thời gian chơi bóng thực tế ở mỗi trận đấu tại K-League chỉ đạt 57/90 phút. Với “5MM”, K-League muốn bóng phải lăn trên sân ít nhất phải hơn 60 phút. Vì thế, nội dung chủ yếu của “5MM” là khuyến khích các HLV cùng cầu thủ ở K-League hạn chế phản ứng quyết định của trọng tài, cũng như giảm thiểu những pha tranh bóng thô bạo.

Hiệu quả đến ngay lập tức: Vòng đầu tiên của mùa bóng mới triển khai “5MM” chứng kiến thời gian bóng lăn trên sân tăng lên 1 phút 17 giây. Ngoài ra, khi cùng LĐBĐ châu Á theo dõi những trận đấu của các đại diện K-League, Richard Scudamore – CEO Premier League thừa nhận các cầu thủ Pohang Steelers rất tôn trọng đối thủ và trọng tài qua lối chơi rất fair-play. Với niềm tin rằng những quyết định tích cực sẽ kéo khán giả tới sân nhiều hơn, TTK K-League Lee Joon-ha tâm sự: “Kết quả ban đầu của ‘5MM’ rất khả quan khi các trận đấu diễn ra nhanh và hấp dẫn hơn”.

Mọi cầu thủ đều phải kiểm tra nói dối

Không chỉ vậy, BTC K-League còn chứng tỏ họ rất biết cách biến nhược điểm thành ưu điểm qua vụ dàn xếp tỷ số từng đánh động tới FIFA. Theo đó, 10 cầu thủ đã bị cấm thi đấu vĩnh viễn, còn những người khác bị treo giò 5 năm. Tất cả nhằm khẳng định bóng đá Hàn Quốc sẵn sàng triệt tận gốc vấn nạn này.

Đồng thời, một biện pháp hiếm thấy đã được vận dụng: Các cầu thủ bị nghi ngờ “nhúng chàm” sẽ buộc phải thực hiện bài kiểm tra nói dối để chống nạn gian lận, chưa kể các cầu thủ cùng quan chức đều phải tuyên thệ chấm dứt tình trạng bán độ và dàn xếp tỷ số. Những CLB có thành viên bị kết luận có tội cũng sẽ bị trừng phạt.
Đây được xem như biện pháp “cây gậy và củ cà rốt”, vì bên cạnh những án phạt nặng nề đang rình rập, K-League còn tổ chức các buổi hội thảo về tệ nạn trong bóng đá và buộc mọi cầu thủ phải tham dự, trừ phi không sợ bị cấm thi đấu. Nhưng đồng thời, K-League cũng tuyên bố tăng gấp đôi lương tối thiểu cho các cầu thủ, vừa khiến họ hài lòng, vừa giảm bớt nguy cơ họ bị lôi kéo hoặc cám dỗ. Ở thời điểm mà K-League đưa ra chính sách này, lương tối thiểu của các cầu thủ là 11.000 USD/năm, chưa bằng một nửa so với thu nhập bình quân đầu người ở Hàn Quốc.

Những đại biểu đến từ CHDCND Triều Tiên

Những cải tổ của K-League đã đem tới thành công không ngờ, bao gồm cả việc các cầu thủ CHDCND Triều Tiên háo hức thử tài. Một trong số đó là Jong Tae-se, ngôi sao CHDCND Triều Tiên từng nổi tiếng khắp thế giới do khóc như mưa ở trận gặp Brazil tại World Cup 2010. Từ Cologne (Đức) sang Suwon Bluewings với giá gần 400.000 USD cách nay 2 năm, tiền đạo 28 tuổi này ký hợp đồng 3 năm với mức lương gần 400.000 USD/năm. Đây là tuyển thủ CHDCND Triều Tiên thứ 3 từng chinh chiến ở K-League.

Người đầu tiên là Ryang Gyu-sa, cầu thủ 34 tuổi cũng chào đời ở Nhật và chơi cho Ulsan Hyundai năm 2001 sau khi khoác áo CHDCND Triều Tiên dự vòng loại Asian Cup 2000. Người còn lại là An Yong-hak, tiền vệ 34 tuổi chào đời ở Nhật từng khoác áo CHDCND Triều Tiên từ năm 2001, tới K-League năm 2006 để đá cho Busan I’Park, rồi sau đó chơi cho Suwon Bluewings đến năm 2009. Trong khi ấy, Kim Myong-hwi cũng sinh ra tại Nhật với cha mẹ là người CHDCND Triều Tiên và đá cho Seongnam Chunma năm 2002.

Tuy nhiên, hậu vệ này chưa bao giờ chơi cho tuyển CHDCND Triều Tiên. Sự xuất hiện của họ gợi lên hình ảnh thể thao Triều Tiên thống nhất, biểu tượng mà xứ kim chi thường cố gắng thể hiện tại các sự kiện lớn như Olympic.

Bí quyết chinh phục Champions League

Nhờ không ngừng hoàn thiện và phát triển như vậy, nên K-League hiện xứng đáng là thế lực số 1 tại AFC Champions League với 10 trong 33 ngôi vô địch, áp đảo mọi cường quốc còn lại. Song song đó, Pohang Steelers đang là CLB giàu thành tích nhất giải này với 3 ngôi quán quân. Hồi năm ngoái còn nắm Shimizu S-Pulse (Nhật), HLV người Iran Afshin Ghotbi từng cố gắng giải thích tại sao lại có hiện tượng này: “Các cầu thủ Hàn Quốc có thể lực tốt nhất châu Á, lại thêm tinh thần chiến đấu nhiệt tình, tốc độ cực cao và khát vọng chiến thắng rất lớn nên thường tiến sâu ở Champions League. Nhờ vậy, với số lượng áp đảo, họ càng dễ có đại diện đăng quang”.

Hiện nắm Persepolis (Iran), chiến lược gia Croatia, Branko Ivankovic cũng đồng tình: “Các đại diện của K-League sở hữu những cầu thủ giàu kỹ thuật và luôn chịu khó di chuyển. Vì thế, chỉ cần gặp đại diện của K-League, bất kể là đội nào, tất cả đều biết đấy là cuộc chiến đầy khó khăn”. Trong khi ấy, một thành viên trong ban huấn luyện Suwon Samsung Bluewing tin rằng chính sự đa dạng trong lối chơi ở K-League cũng góp phần gây khó khăn cho đối phương. Ông giải thích: “Đúng là nhiều đội ở K-League chơi phản công, nhưng chẳng phải tất cả đều đá như thế. Mỗi đội đá mỗi kiểu nên đối phương chẳng biết đâu mà lần”.

Minh Châu

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm