Johan Cruyff chào đời vào ngày 25/04/1947 tại bệnh viện Burgerziekenhuis (Amsterdam). Ông là con trai thứ hai của ông Hermanus Cornelis Cruyff và bà Petronella Bernarda Draaijer, chủ một cửa hàng bán hoa quả ở ngoại ô thành phố Amsterdam, địa điểm cách sân vận động của Ajax Amsterdam chỉ 5 phút đi bộ. Nhờ vậy mà “Thánh Johan” đã nuôi dưỡng tình yêu với Ajax ngay từ hồi còn chập chững tập đi.
Không những thế, ông Manus, một người rất yêu bóng đá cũng khuyến khích con trai chơi bóng bất cứ khi nào có thể. Không phụ lòng kỳ vọng của cha, Cruyff đã sớm gia nhập lò đào tạo trẻ của đội bóng nổi tiếng bậc nhất Hà Lan lúc bấy giờ là Ajax Amsterdam vào năm 10 tuổi. Nhưng chỉ 2 năm sau thì bi kịch ập đến, ông Hermanus Cornelis Cruyff qua đời sau một cơn đau tim. Bà Petronella Bernarda Draaijer buộc phải đóng cửa quán bán hoa quả của gia đình để nhận công việc nhân viên vệ sinh tại Ajax. Sau này, mẹ Cruyff giải thích rằng bà làm vậy để tạo áp lực cho con trai cố gắng phấn đấu trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, thay vì trông cậy vào những đồng bạc lẻ từ cửa hàng của gia đình.
Trong khi đó, Johan Cruyff cũng thừa nhận, người truyền cảm cho ông không ai khác mà chính là người cha Hermanus Cornelis. Bởi vậy, việc Cruyff nỗ lực chơi bóng cũng là một cách để ông tưởng nhớ người cha quá cố. Năm 16 tuổi, Cruyff chính thức trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, cột mốc đánh dấu sự ra đời của một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của làng bóng đá thế giới.
Nhưng khác với những bậc hậu bối đang hưởng mức lương hàng nghìn euro/tuần sau khi được đôn lên đội 1 của một đội bóng lớn như Ajax, Johan Cruyff vẫn “nghèo kiết xác” dù đã trở thành một thần tượng mới trong làng bóng đá Hà Lan vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Điều này được xác nhận bởi cha vợ và cũng là người đại diện của Cruyff, doanh nhân Hà Lan Cor Coster. “Khi kết hôn với con gái của tôi, Johan không có lấy một xu dính túi”, ông Coster nhận xét về cậu con rể quý hóa trong cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của “Thánh Johan” của tác giả Martin Fox, “Thậm chí, cậu ta còn phải đi vay nợ để có thể sống trong một căn nhà đàng hoàng”.
Ấy vậy mà khi tổ chức đám cưới với bà Danny Coster vào ngày 02/12/1968, Cruyff vẫn bao trọn cả khách sạn Hilton ở Amsterdam để bạn bè và người thân của ông có thể “ăn chơi xả láng” trong ngày vui cả đời mới có một lần.
“Thánh” cũng phải đội vợ lên đầu
Nếu không kể cha mẹ thì bà Danny Coster là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của Johan Cruyff. Hai người gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 06/1968 trong lễ cưới của cựu danh thủ Ajax Amsterdam, Piet Keizer. Vào thời điểm ấy, Cruyff là ngôi sao sáng giá nhất của Ajax và Đội tuyển Hà Lan, trong khi Danny lại là tiểu thư cành vàng lá ngọc của doanh nhân Cor Coster. Trai tài gái sắc, hai người đến với nhau như một lẽ tự nhiên. Chẳng thế mà vợ chồng “Thánh Johan” lại kết hôn chỉ sau nửa năm yêu nhau. Không lâu sau, bà Danny Coster lần lượt sinh hạ 3 người con là Chantal, Susila và Jordi.
Sau này, khi được hỏi về tầm quan trọng của bà xã, Johan Cruyff không khỏi xúc động mà nói rằng: “Danny là quà tặng mà Chúa đã ban cho tôi. Tôi sẽ không thể có ngày hôm nay nếu không có cô ấy”.
Trên thực tế, Cruyff không hề nói quá. Bà Danny Coster quả thực có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của ông chồng nổi tiếng. Cựu danh thủ của Ajax và Barcelona sẽ chưa quyết định việc gì mà không hỏi ý kiến vợ. Ví như việc tham dự World Cup 1978 trên đất Argentina. Thời điểm ấy, NHM Hà Lan bị sốc nặng khi “Thánh Johan” từ chối phục vụ đất nước dù đang ở đỉnh cao phong độ. Nhiều ý kiến cho rằng, Cruyff đã bị đe dọa bởi chính quyền quân sự Argentina.
Nhưng thực tế không phải như vậy, gia đình mới chính là nguyên nhân khiến Johan Cruyff giã từ sự nghiệp quốc tế. Chia sẻ trên Đài phát thanh Catalan vào năm 2008, cựu danh thủ Barcelona cho biết: “Nếu muốn thi đấu tại World Cup, bạn phải có 200% sức lực và tinh thần. Nhưng tôi lại gặp một vài rắc rối trong những ngày cuối cùng ở Barca. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu mình và người thân bị dí súng vào đầu?”
Sự cố trên xảy ra tại nhà riêng của Johan Cruyff tại Catalan vào năm 1977. Những kẻ bắt cóc trói vợ chồng ông và chĩa súng vào họ trước sự chứng kiến của 3 đứa con nhỏ. Hành động táo tợn này của bọn tội phạm khiến gia đình Cruyff sống trong sợ hãi suốt một khoảng thời gian dài cho đến khi rời Barcelona. “Tôi được hộ tống đến sân bởi vệ sĩ, trong khi con tôi phải đi học dưới sự bảo vệ của cảnh sát”, Johan Cruyff cho biết, “Cảnh sát cũng ngủ lại nhà tôi trong suốt 4 tháng. Quả thực, sự cố trên khiến tôi phải thay đổi cách nhìn về mọi thứ. Vào thời điểm ấy, mạng sống là thứ có giá trị hơn bất cứ điều gì khác”.
Sau này, chính bà Danny Coster cũng là người quyết liệt phản đối “Thánh Johan” đảm nhận công việc HLV trưởng Tuyển Hà Lan tại vòng loại World Cup 1994, vì lo ngại áp lực công việc sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của ông chồng mới trải qua cuộc phẫu thuật tim vào năm 1991. Nói chung, bà Danny luôn nghĩ điều tốt nhất cho Cruyff trong mỗi quyết định của cuộc đời và sự nghiệp.
Cruyff từng phải “nấu cháo” điện thoại cả đêm chỉ để giải thích với bà xã Danny Coster rằng, ông không làm gì có lỗi với vợ, dù huyền thoại Hà Lan đã chụp ảnh cùng cả tá phụ nữ xinh đẹp tại bể bơi khách sạn sau khi lọt vào chung kết World Cup 1974 tại Đức.
Con trai út Jordi của Johan Cruyff được đặt theo tên vị Thánh bảo hộ xứ Catalan là Thánh St Jordi. Nhưng vào thời điểm ấy, Cruyff phải đưa con về Hà Lan làm giấy khai sinh khi cái tên Jordi bị cấm tại Tây Ban Nha dưới chế độ độc tài Franco.
Năm 2008, bố vợ của Johan Cruyff cũng mất vì bệnh ung thư. Chưa kể, nhiều cựu thành viên khác của Barcelona như Sir Bobby Robson, Tito Vilanova, Luis Aragones hay Eric Abidal cũng mắc phải căn bệnh quái ác này.