Jean-Marc Bosman: Cú “Big Bang” làm thay đổi thế giới bóng đá

thứ sáu 11-12-2015 18:12:56 +07:00 0 bình luận
Bóng đá đang và sẽ còn thay đổi chóng mặt ở khía cạnh giá trị cầu thủ. Nhưng hôm nay, 11/12, cần nhắc lại một người đã khiến thế giới bóng đá đổi thay mãi mãi.

Bóng đá đang và sẽ còn thay đổi chóng mặt ở khía cạnh giá trị cầu thủ. Nhưng hôm nay, 11/12, cần nhắc lại một người đã khiến thế giới bóng đá đổi thay mãi mãi...

Cú “Big Bang” của bóng đá

Luật Bosman trong giới bóng đá chẳng khác nào cú Big Bang trong vũ trụ. Vậy mà có ai ngờ giờ đây, người từng làm đảo lộn toàn bộ thế giới bóng đá chỉ còn là kẻ đứng ngoài cuộc chơi.

Ở tuổi 53, Jean-Marc Bosman từ lâu đã không còn vóc dáng của một cầu thủ chuyên nghiệp. Thậm chí, anh đã bị lãng quên trong trí nhớ nhiều người và đồng nghiệp.

Ít ai có thể nhận ra người đã làm thay đổi thế giới bóng đá bằng cuộc cách mạng chuyển nhượng cách đây 21 năm
Ít ai có thể nhận ra người đã làm thay đổi thế giới bóng đá bằng cuộc cách mạng chuyển nhượng cách đây 21 năm

Trong cuộc tiếp xúc mới nhất với truyền thông, Bosman trông như một triết gia khi lặng yên phóng mắt về một điểm rơi vô hình tại căn phòng trong khu công nghiệp đang xây dang dở ở gần phi trường Amsterdam như thể đang tìm kiếm một cột mốc nào đó.

Và trên thực tế, đấy chính là điều mà Bosman từng làm cho bóng đá: tạo ra một cột mốc lịch sử mang tên mình, lái thế giới bóng đá rẽ sang hướng khác.

“Toàn cầu”, Bosman lẩm bẩm, khi được hỏi về luật Bosman có ý nghĩa như thế nào. Toàn cầu, đó là hiệu ứng mang tính toàn cầu. Đó là quy định mang tính bước ngoặt của thế kỷ đối với giới bóng đá. Ngay cả khi cuộc đời tôi đầy bất trắc kể từ đó, hiệu ứng do luật Bosman tạo ra luôn khiến tôi tin rằng mình có cống hiến cho bóng đá”.

Bosman đã tạo ra cuộc cách mạng ''toàn cầu hóa việc chuyển nhượng cầu thủ''
Bosman đã tạo ra cuộc cách mạng "toàn cầu hóa việc chuyển nhượng cầu thủ"

Chẳng có Bosman, “Quỷ đỏ” không ăn ba lịch sử

Hôm nay, tròn 21 năm kể từ khi EU thông qua luật Bosman, đồng thời buộc giới bóng đá phải tuân thủ quyền được lao động xuyên suốt khối EU.

Nhờ đó mà giờ đây, các cầu thủ không còn bị ngăn cấm chuyển tới CLB khác ở châu Âu vào cuối thời hạn hợp đồng và không còn phải bồi thường phí chuyển nhượng. Và từ sau tháng 12/1995, cái tên “Bosman” đã trở thành một thuật ngữ trong giới bóng đá.

Bosman trên hành trình đi tìm công lý cho bản thân hơn 2 thập kỷ trước
Bosman trên hành trình đi tìm công lý cho bản thân hơn 2 thập kỷ trước

Quy định mới từ luật Bosman không chỉ cho phép cầu thủ quyền tự do chuyển nhượng, mà còn chuyển giao phần nào quyền lực từ CLB sang cho cầu thủ và các nhà môi giới. Hiện tượng này khác hẳn trước ngày luật Bosman ra đời, khi các cầu thủ không có quyền chấm dứt hợp đồng và rời CLB này để ký với CLB khác.

Luật Bosman cũng chấm dứt hệ thống hạn ngạch ngoại binh mà UEFA giao cho các CLB dự các Cúp châu Âu khiến họ chỉ có thể sử dụng tối đa 3 ngoại binh trong đội hình thi đấu. 

Một năm trước ngày có luật Bosman, Alex Ferguson buộc phải chọn Gary Walsh “gác đền” thay vì Peter Schmeichel do ảnh hưởng của “quota”, nên Man Utd thua 0-4 tại Barcelona. Sau luật Bosman 3 năm rưỡi, Ferguson sử dụng đội hình gồm 5 ngoại binh, gồm cả dự bị Ole Gunnar Solskjaer. Kết quả là Man Utd vô địch Champions League tại Barcelona.

Solksjaer ghi bàn giúp MU vô địch Champions League 1999
Solksjaer ghi bàn giúp MU vô địch Champions League 1999

Hiệu ứng phụ của luật Bosman

Luật Bosman ra đời thoạt đầu thật ra không có ý định khiến đội giàu càng giàu hơn, cũng như ảnh hưởng tới các cầu thủ. Thế nhưng, tác dụng phụ của nó đã tạo ra những ảnh hưởng khiến giới quản lý bóng đá phải lo ngại.

Bằng chứng là sau ngày luật Bosman ra đời, 21 trận chung kết Champions League chỉ có 2 lần có sự tham dự của các CLB nằm ngoài Top 4 (TBN, Đức, Anh và Italia) với Ajax năm 1996 và Porto – Monaco năm 2003.

Ngược lại, 19 trận chung kết Cúp C1/Champions League trước tháng 12/1995 có tới 10 đội bên ngoài Top 4, thậm chí Steaua Bucharest, Porto, PSV Eindhoven, Red Star Belgrade và Ajax đều vô địch, chưa kể Marseille năm 1993 chịu ảnh hưởng của dàn xếp tỷ số.

Luật Bosman góp phần tạo ra kỷ nguyên siêu CLB, thống trị Cúp châu Âu và các giải VĐQG hàng đầu châu lục nhờ tiềm lực kinh tế dễ dàng mua bán cầu thủ giỏi
Luật Bosman góp phần tạo ra kỷ nguyên siêu CLB, thống trị Cúp châu Âu và các giải VĐQG hàng đầu châu lục nhờ tiềm lực kinh tế dễ dàng mua bán cầu thủ giỏi

Là người tạo ra bước ngoặt của bóng đá thế giới, Bosman tâm sự: “Bóng đá nay đã là trò chơi của giới tư bản. Ngày trước, nó thuộc về tầng lớp lao động. Luật Bosman đã tạo ra hàng ngàn công việc mới, song cùng lúc, thế giới bóng đá cũng đổi thay, đặt nặng thương mại và kinh doanh hơn. Tiền đổ vào bóng đá nhiều tới mức có người sẵn sàng mua vài CLB cùng lúc.

Hậu quả là giờ đây khi nhìn tới Champions League cùng các khoản tiền thưởng, rõ ràng các CLB lớn chẳng cần phải cố gắng giành ngôi vô địch. Bởi lẽ, chỉ cần được dự Champions League là có tiền. Giá vé cũng tăng cao tới mức NHM không dễ kiếm đủ tiền mua”.

Hồi tưởng lại bản thân trưởng thành tại Liege trong thập niên 70 và chứng kiến Club Bruges tiến tới chung kết Cúp C1 năm 1978, Bosman tin rằng giờ đây, nếu không có một tỷ phú cho tiền, Club Bruges sẽ không bao giờ gượng dậy nổi.

“Các CLB Bỉ có thể chiêu mộ nhiều ngoại binh hơn sau khi có luật Bosman. Tuy nhiên, thách thức cho họ càng lớn hơn do ngân sách không sánh nổi các CLB lớn. Thời của tôi, Standard Liege có cùng đẳng cấp với Chelsea. Còn giờ đây, ngân sách của Chelsea hơn họ 100 lần. Nghĩa là chính nhờ có tôi, nhiều người làm bóng đá kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng cũng vì Bosman, nhiều CLB đã sa sút”.

Luật Bosman cũng làm thay đổi số phận rất nhiều đội bóng, khiến họ ngày càng nhỏ bé trong cơn bão tiền bạc chi phối
Luật Bosman cũng làm thay đổi số phận rất nhiều đội bóng, khiến họ ngày càng nhỏ bé trong cơn bão tiền bạc chi phối

Cái giá phải trả của “ngọn cờ đầu”

Thực tế là 5 năm. Bosman vác đơn kiện từ mùa Thu năm 1990, lúc 25 tuổi. Khi phán quyết Bosman ra đời vào mùa Đông năm 1995, anh đã 31 tuổi. Trong giai đoạn đó, anh từng có thời gian ngắn chơi bóng ở Pháp và đảo Reunion, nhưng nhìn chung, quãng thời gian đẹp nhất sự nghiệp của anh đều dùng để kiện tụng.

Bosman giải thích: “Tôi từng gặp rắc rối về quốc tịch khi thi đấu ở Pháp do các đội chỉ được dùng 2-3 ngoại binh. Các luật sư tin rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết chóng vánh, nhưng chúng tôi chẳng nhận được hồi âm từ CLB hoặc LĐBĐ. Tôi nhanh chóng nhận ra mình không thể thỏa hiệp với các quyền lực của bóng đá, cũng như không trông cậy gì được từ UEFA hoặc FIFA. Họ cảm thấy đây là cuộc công kích vào chính sách của các tổ chức. Nó quan trọng hơn nhiều so với chấm dứt sự nghiệp thi đấu của tôi”.

Bosman đã gác lại cả sự nghiệp để cùng các luật sư chiến đấu
Bosman đã gác lại cả sự nghiệp để cùng các luật sư chiến đấu

Còn các đồng đội ở FC Liege nghĩ gì về vụ kiện của Bosman? “Tôi trở thành ‘Bosman đấu tranh cho tự do’. Và tiếp theo chỉ còn là ‘cám ơn và tạm biệt nhé’. Chẳng ai muốn hỗ trợ tôi. Các cầu thủ sợ bị trừng phạt. Nhưng tới năm 1995, mọi người đều hưởng lợi. Có cầu thủ ở Antwerp cũng phản ánh chuyện tương tự khi từ chối nhận lương thấp và LĐBĐ Bỉ tuyên án cấm anh ta thi đấu trọn đời. Giờ đây, anh ta làm người đưa thư”, Bosman tiết lộ.

Và anh ngậm ngùi: “Sau luật Bosman, UEFA và FIFA vẫn vững tiến, còn tôi bị thế giới bóng đá tẩy chay”. Tiền bồi thường cho Bosman chỉ vỏn vẹn 350.000 franc Thụy Sĩ. Hiệp hội Cầu thủ thế giới (FIFPro) cũng hỗ trợ phần nào. Vấn đề chỉ là sau khi mất việc, Bosman đánh mất luôn chính mình.

“Mấy năm trời theo đuổi vụ kiện đã khiến tôi kiệt quệ. Tôi rơi vào trầm cảm. Tôi không uống gì khác ngoài bia và rượu. Rồi tôi tìm tới bác sĩ tâm thần. Ngày nay, tôi đã cai rượu, nhưng đầu óc vẫn rất nặng nề”, Bosman tâm sự hồi 2015.

Bosman từng đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng tâm lý nặng nề chứ không hề được tận hưởng vinh quang chiến thắng pháp lý
Bosman từng đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng tâm lý nặng nề chứ không hề được tận hưởng vinh quang chiến thắng pháp lý

Cuộc sống gia đình của Bosman cũng bất ổn do thói nghiện rượu và cầu thủ này hay xung đột với cảnh sát Bỉ. May là Bosman còn chút niềm vui cuộc sống với cô con gái từ cuộc hôn nhân trước và 2 cậu con trai 4 và 7 tuổi.

Và anh cười cay đắng: “Tôi vẫn chờ lời cám ơn từ những người khác, như Ronaldo hoặc Beckham chẳng hạn. Dù vậy, bóng đá trong tôi nay chỉ còn là dĩ vãng. Hiện nay, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi vui vì thắng kiện. Vụ kiện không đem đến cho tôi tiền bạc, song khiến tôi thấy tự hào. Mỗi lúc nhìn lại, tôi thấy thời sung sướng nhất là khi còn làm cầu thủ trẻ. Từ khi bước vào bóng đá nhà nghề, trò chơi chỉ còn áp lực và tiền bạc”.

Sau đó, như ám chỉ cuộc trò chuyện đã kết thúc, Bosman bước ra khỏi phòng để châm điếu thuốc. Bên ngoài đang rất lạnh, nhưng có lạnh bằng trong lòng anh hay không?

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm