Jose Mourinho là trường hợp điển hình và người ta từng nói rất nhiều về “hội chứng mùa thứ 3” ở HLV người Bồ. Giai đoạn đầu ở Chelsea, Mou bị sa thải ở đầu mùa thứ 4 và với Real Madrid là 3 mùa tròn trịa. Còn cuộc phiêu lưu mới nhất với Chelsea cũng kết thúc khi mùa thứ 3 mới qua 1/3 chặng đường.
Trong khi đó, Pep Guardiola vừa xác nhận chấm dứt hợp đồng với Bayern vào Hè năm sau, kết thúc 3 năm hợp đồng. Đó cũng sẽ là thời điểm Manuel Pellegrini có thể buộc phải rời Man City, nhường chỗ cho Pep, kết thúc 3 năm tại vị. Và thế chỗ cho Pep ở Munich, HLV lừng danh Carlo Ancelotti, sau 8 năm vàng son tại Milan, cả 3 CLB gần nhất làm việc không nơi nào ông trụ lại quá 2 mùa.
Rõ ràng, chưa bao giờ môi trường làm việc của các HLV, đặc biệt tại các CLB lớn, lại chịu sức ép và… nguy hiểm như lúc này. Trên đầu họ, các ông chủ cùng BLĐ luôn dội sức ép phải giành vinh quang. Còn từ dưới ghế, đám học trò “có số má” như những ngôi sao, công thần sẵn sàng liên kết chọc phá bằng cách thi đấu vật vờ để đội bóng khủng hoảng.
Tất nhiên, ở khía cạnh chủ quan cũng phải nhắc đến chính những triết lý của mỗi HLV cũng là tác nhân. Ví như Pep Guardiola, ông đã thành công khi xây dựng dấu ấn, phong cách riêng với Bayern. Đó không phải “Barca phiên bản mới”, nhưng nhìn vào tập thể chơi cực kỳ gắn kết, kiểm soát bóng tốt, luôn vào trận với tâm lý mạnh mẽ hơn đối thủ, ai cũng nhận ra đó là đội bóng của Pep. Nhưng 2 năm qua ngoài những chiếc Cúp quốc nội, Bayern bị Real và Barca hạ đo ván tại Champions League.
Rõ ràng, nếu mục tiêu vô địch châu Âu được áp cho Pep ở Munich thì dường như ông không thể làm tốt hơn nữa. Còn với Mourinho, những chuyên gia lão làng đều có chung nhận định, cái cách Mou luôn “nghiến răng kèn kẹt” vì mỗi chiến thắng không chỉ buộc các học trò phải đốt cháy hết năng lượng mà còn cả ý chí tinh thần. Như thế, đỉnh điểm phong độ chỉ tốt nhất trong 1-2 mùa và hoàn toàn dễ hiểu ở mùa thứ 3 những đội bóng của Mou chìm nghỉm.