1. Dominic Solanke muốn được nhận 50.000 bảng/tuần và kèm theo điều khoản phải được chơi cho đội 1 thường xuyên, khi Chelsea đề nghị tuyển thủ U.21 Anh ký hợp đồng mới. Nhưng dù hợp đồng hiện nay của anh chỉ còn hiệu lực 1 năm, quá trình thương thảo đang rơi vào thế bế tắc. Vì trước khi bị đem cho Vitesse Arnhem mượn, tiền đạo 18 tuổi này mới chỉ đá 17 phút cho Chelsea, trước lúc ghi 7 bàn qua 24 trận tại Hà Lan.
Trong mắt Chelsea, các thông số ấy chứng tỏ Dominic Solanke vẫn chưa phải “sản phẩm hoàn hảo” để được hưởng mức lương dành cho không ít trụ cột của các đội bóng khác ở Premier League. Ngược lại, sau thời gian thử sức tại giải VĐ Hà Lan, Dominic Solanke ắt hẳn đang tin rằng bản thân đủ tài năng để được tăng lương từ 8.000 bảng/tuần lên 50.000 bảng/tuần ở đội bóng mà cậu gia nhập từ năm 8 tuổi.
2. Tuy nhiên, Dominic Solanke có lẽ còn quá trẻ để hiểu rằng khi chưa chứng tỏ được nhiều thì đừng đòi hỏi quá đáng, đặc biệt trong bóng đá, nơi mỗi vụ chuyển nhượng đều chẳng khác một cuộc đầu tư mạo hiểm. Hình ảnh Oumar Niasse đứng trên khán đài sân Wembley xem trận bán kết FA Cup khi Everton thua Man Utd 1-2 hồi tuần qua có thể xem như ví dụ mới nhất. Vừa rời Lokomotiv Moscow đến Everton ngày 01/02/2016, tiền đạo 26 tuổi người Senegal được kỳ vọng rất nhiều do từng đoạt danh hiệu Cầu thủ hay nhất Nga năm 2015. Với phí chuyển nhượng 13,5 triệu bảng đứng trong Top 3 các vụ chuyển nhượng của Everton qua mọi thời đại, Oumar Niasse rõ ràng là một nhãn hiệu cầu chứng hơn hẳn Dominic Solanke non trẻ.
Nhưng tới nay, Oumar Niasse đã đá 5 trận cho Everton, song không đá chính lần nào và tổng số thời gian góp mặt trên sân chỉ vỏn vẹn 29 phút, chưa kể mới có 19 lần chạm bóng, chuyền 10 lần mà hỏng 5 lần, tranh bóng 9 lần mà mất bóng 6 lần, chẳng sút được quả nào. Càng nghiệt ngã hơn, Oumar Niasse chỉ đá 9 phút tại Bournemouth (ngày 20/02), 2 phút gặp Aston Villa (01/03), 14 phút tiếp West Ham (05/03), 1 phút tiếp Chelsea (12/03) và 3 phút chống Man Utd (03/04), nhưng trận đấu mà anh tham gia lâu nhất lại đầy bi kịch cho Everton do họ thua ngược 3-2 sau khi dẫn trước West Ham 2-0.
3. “Chỉ vừa gia nhập một đội bóng lớn, mọi cầu thủ đều tin rằng anh ta sắp thành Diego Maradona đến nơi. Bọn trẻ thường ảo tưởng bản thân như các ngôi sao nnhạc rock, ăn mặc lòe loẹt và phóng xe như bay”, Juan Mata – ngôi sao TBN của Man Utd xem ra có lý khi bình luận về xu thế đòi lương cao ngất của các đồng nghiệp ngày nay, nhất là những tài năng trẻ như Dominic Solanke. Trên thực tế, Juan Mata hiện cũng nhận tới 150.000 bảng/tuần kể từ lúc rời Chelsea 2 năm trước. Tuy nhiên, tiền vệ TBN không cảm thấy đó là điều đáng tự hào: “Thật ra, chúng tôi đang sống trong một cái bong bóng có nguy cơ vỡ tung bất cứ lúc nào, nếu CLB bị các doanh nhân chuyển giao lại cho người hâm mộ. Vì nếu so sánh với thu nhập của cộng đồng, so với 99,9% người dân TBN, khoản tiền chúng tôi kiếm được thật lố bịch. ”.
Đúng là người giỏi cần được đãi ngộ xứng đáng, nên vì là Cầu thủ hay nhất thế giới, Lionel Messi được nhận 59 triệu bảng/năm từ lương, thưởng cùng tài trợ như tờ France Football tiết lộ có lẽ không dễ gây tranh cãi, nhưng việc đại diện của Zlatan Ibrahimovic tuyên bố CLB nào muốn rước ngôi sao Thụy Điển này khỏi PSG cần mời chào mức lương lên đến 600.000 bảng/tuần thì thật khó hiểu nổi. Đấy là lý do khiến Juan Mata cảm thấy ngượng ngùng khi bóng đá không còn thuần túy là nơi để cầu thủ thể hiện niềm đam mê cùng tài năng. Anh tâm sự: “Tôi sẵn sàng giảm lương, nếu bóng đá bớt thương mại hóa như hiện nay. Tôi đam mê bóng đá, nên chỉ thích tập luyện và thi đấu mà thôi”.